Làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân

Qua 5 năm, Thành ủy TPHCM đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử từ nguồn sách của thành phố, với tổng số 59 ấn phẩm sách.

Ngày 22-2, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.

Đưa lịch sử địa phương vào trường học

Tại hội nghị, nhiều đại biểu chia sẻ về cách sáng tạo, linh hoạt của địa phương mình trong việc nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn, hiện huyện đã thực hiện xong 20 công trình lịch sử Đảng; 10/12 xã – thị trấn hoàn thành công trình biên soạn Lịch sử đảng bộ xã đến năm 2005.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM tham quan khu vực trưng bày các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM tham quan khu vực trưng bày các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền ban ngành, đoàn thể huyện Hóc Môn đã tập trung triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm phát huy giá trị các di tích, các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân.

“Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng góp phần đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đoàn kết, đồng lòng bảo vệ thành quả cách mạng đã đạt được trong thời gian qua”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại quận 1, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 Nguyễn Trung Châu Tuyên cho biết, quận đã hoàn thành công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ 10 phường giai đoạn 1930 – 2010. Ngoài ra, quận đã xuất bản ấn phẩm Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1 nhiệm kỳ 2015 – 2020, Lịch sử Công an quận 1 (1975 - 2015) và dự kiến năm 2023 sẽ xuất bản và ra mắt Biên niên Lịch sử Đảng bộ quận giai đoạn 2000 – 2020.

Quận 1 quán triệt không để các ấn phẩm trên thành những cuốn sách “chết” mà phải có cách tuyên truyền, khai thác các câu chuyện, sự kiện một cách sống động. Cụ thể, quận 1 lồng ghép các phương pháp truyền thống và hiện đại. Đó là, tổ chức chu đáo các buổi lễ ôn truyền thống thông qua các bài diễn văn; tổ chức hội thi, các hoạt động về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ, biễu diễn các chương trình văn hóa, văn nghệ đặc biệt ca ngợi thành tựu vẻ vang của Đảng, của đất nước, ca ngợi Bác Hồ kính yêu..... Đồng thời, đẩy mạnh khai thác và tận dụng tối đa mặt tích cực của công nghệ thông tin, mạng internet và các nền tảng mạng xã hội trong các hoạt động tổ chức tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống.

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đặc biệt, quận 1 đẩy mạnh việc đưa lịch sử địa phương đến với các em học sinh. Trước mắt, phối hợp với Phòng giáo dục quận và với giáo viên từng khối lớp đưa lịch sử địa phương gắn với các hoạt động trải nghiệm và các môn học phù hợp với độ tuổi của các em. Qua đó, giúp các em yêu lịch sử, thêm nhiều kiến thức về địa phương của mình.

Xây dựng kho dữ liệu lịch sử Đảng

Ông Võ Phúc Toàn, Hội Khoa học Lịch sử TPHCM nhận định, với vai trò là một trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước, Đảng bộ Thành phố đã cho thấy sự năng động, đột phá trong quản lý, điều hành kinh tế. Nhiều mô hình đột phá trước và sau Đổi mới bắt đầu từ các cơ sở đảng, được Thành phố đúc kết, triển khai trên quy mô toàn thành, sau đó được Trung ương nhân rộng trên cả nước. Do đó, việc nghiên cứu lịch sử Đảng trên địa bàn Thành phố có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận cho kho tàng nghệ thuật lãnh đạo của Đảng.

Ở góc độ chuyên môn, Hội Khoa học Lịch sử TPHCM cũng nhìn nhận một số hạn chế trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Qua đó, Hội Khoa học Lịch sử Thành phố đề xuất xây dựng kho dữ liệu lịch sử Đảng nói riêng và lịch sử địa phương nói chung ở cấp độ Thành phố và cấp quận, cần tiến tới hình thức dữ liệu số - thư viện số. Xây dựng chương trình ký ức nhân chứng để thu thập tư liệu ký ức của các nhân chứng lịch sử dưới dạng băng ghi âm, ghi hình để có thể phục vụ cho công tác biên soạn.

“Ký ức, hồi ức của các nhân chứng là nguồn tài liệu quý giá, bổ sung các chi tiết “nằm ngoài” nguồn sử liệu chữ viết. Nguồn tài liệu này nếu không được thu thập, xử lý sớm sẽ mai một, mất đi theo thời gian, không thể nào khôi phục hay bổ khuyết được”, ông Võ Phúc Toàn nhấn mạnh.

Thực hiện Chỉ thị 20, Học viện Cán bộ TPHCM đã chỉ đạo, lãnh đạo để xây dựng đội ngũ đảng viên, giảng viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Cùng với đó là xác định đúng vị trí và tầm quan trọng của môn Lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong chương trình giảng dạy lý luận chính trị dành cho cán bộ, đảng viên và giảng dạy hệ cử nhân dành cho sinh viên chính quy.

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, trong chương trình hệ Trung cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị Quốc gia ban hành với 10 môn học (1056 tiết) thì môn Lịch sử Đảng có 48 tiết/khoá học, môn Lịch sử địa phương có 48 tiết/khoá học. Riêng đối với sinh viên hệ chính quy, trong Tuần lễ sinh hoạt giáo dục công dân hàng năm đều có tổ chức các sinh hoạt tìm hiểu kiến thức về lịch sử Đảng, về các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước, lịch sử TPHCM…

TS Bùi Thị Ngọc Trang kiến nghị xây dựng quy chế để đảm bảo việc học tập trong lớp và các chuyến thực tế, tham quan các bảo tàng, khu di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố và các địa phương lân cận. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Bùi Thị Ngọc Trang kiến nghị xây dựng quy chế để đảm bảo việc học tập trong lớp và các chuyến thực tế, tham quan các bảo tàng, khu di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố và các địa phương lân cận. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Bùi Thị Ngọc Trang kiến nghị tăng thời lượng môn lịch sử Đảng trong chương trình giảng dạy sinh viên; xây dựng quy chế để đảm bảo việc học tập trong lớp và các chuyến đi thực tế, tham quan các bảo tàng, khu di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, học viên.

Đồng thời, đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương nhanh chóng hoàn thiện việc bổ sung phát hành tập tài liệu phục vụ chương trình Sơ cấp lý luận chính trị để đảm bảo cập nhật kiến thức cho học viên.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 được thành phố và các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, triển khai thực hiện nghiêm túc. Hầu hết các quận, huyện, TP Thủ Đức đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác lịch sử Đảng hàng năm và có chỉ đạo sâu sát đối với cơ sở trực thuộc.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống được xuất bản tăng về số lượng và chất lượng. Từ năm 2018 -2022, Thành ủy đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử từ nguồn sách của Thành phố, với tổng số 59 ấn phẩm sách. Bên cạnh đó, trong dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử, Thành ủy đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và sau đó các kỷ yếu được tổ chức in và phát hành thành sách.

Các đảng bộ, cơ quan, đơn vị thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt việc nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị.

Đến nay, có 22/22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 281/312 phường, xã, thị trấn đã biên soạn và xuất bản công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1975 và giai đoạn từ năm 1975 đến những năm gần đây.

Công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống được các cấp, các ngành đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt sử dụng hiệu quả mạng Intenet, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân.

Công tác giáo dục lịch sử Đảng được đẩy mạnh hơn trước, các quận ủy, huyện ủy, TP Thủ Đức, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đưa nội dung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương vào chương trình giảng dạy học sinh, học viên, đoàn viên….

Dù vậy, Thành ủy TPHCM cũng nhận định, việc phối hợp của Ban Tuyên giáo với học viện đưa nội dung lịch sử Đảng bộ vào giảng dạy trong chương trình trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị chưa chặt chẽ. Một số quận, huyện chậm xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng lâu dài.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải: Bổ sung quan điểm mới vào các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhận xét, thời gian qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, lịch sử Đảng luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố quan tâm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng theo đồng chí, cùng với việc đẩy nhanh công tác nghiên cứu, biên soạn, Thành phố tập trung phát huy giá trị các công trình sách đã xuất bản, qua đó góp phần giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước.

“Mỗi công trình, ấn phẩm sách đều có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn đáp ứng được mục đích, yêu cầu chỉ thị đặt ra”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhận xét.

Dù vậy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 vẫn còn một số hạn chế. Đó là, việc bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn lịch sử Đảng còn hạn chế, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nhiều mảng công tác nên chưa tập trung thực hiện công tác lịch sử Đảng. Tại một số cơ quan, đơn vị, do nguồn tư liệu, hiện vật lịch sử ít, lưu trữ còn hạn chế nên chậm triển khai viết lịch sử truyền thống địa phương, đơn vị; việc số hóa tư liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với các đối tượng cần tuyên truyền, nhất là đối với thế hệ trẻ chưa được quan tâm đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhằm cải thiện những hạn chế trên, đồng chí yêu cầu các địa phương, đơn vị phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy trong lãnh đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 20. Đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng cụ thể với nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn. Việc này nhằm xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó là việc chú trọng bổ sung những quan điểm mới của Đại hội XIII của Đảng vào các công trình nghiên cứu chuyên sâu, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các chuyên đề về công tác phòng, chống dịch Covid-19; về truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Thành phố; về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh...

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê tặng bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê tặng bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 20. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng thời rà soát, củng cố, bố trí cán bộ có năng lực làm công tác lịch sử Đảng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lịch sử Đảng. Nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, phải tạo sự lôi cuốn, thu hút cho sinh viên, học sinh, tránh tình trạng nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện Đề án về công tác sưu tầm tư liệu, phỏng vấn nhân chứng lịch sử, số hóa tư liệu của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải tin tưởng, với sự tâm huyết, trách nhiệm và những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, các đồng chí sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp hay, cách làm mới thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tặng Bằng khen cho 26 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 20.

Từ năm 2018 – 2022, Thành ủy TPHCM đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử từ nguồn sách của Thành phố, tổng số 203 công trình. Trong đó, cấp Thành phố là 59 công trình; cấp quận, huyện là 32 ấn phẩm; cấp phường, xã, thị trấn là 75 ấn phẩm và 37 ấn phẩm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc.

Tin cùng chuyên mục