Đến Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn Không quân 370, chúng tôi gặp nhiều phi công trẻ ở lứa tuổi ngoài 20 đang miệt mài huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống của trung đoàn hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 vừa hoàn thành chuyến bay công tác ngoài đảo Trường Sa về cho biết, Trung đoàn 917 có 104 phi công và nhân viên bay, hiện trung đoàn đang khai thác 4 loại máy bay hiện đại của Nga và phương Tây.
Để trở thành phi công phục vụ lâu dài trong quân đội, Quân chủng Phòng không Không quân đến từng trường tuyển chọn những em có đủ tiêu chuẩn vừa tốt nghiệp THPT. Sau khi được chọn vào ngành phi công, các em phải thi tuyển các môn kiến thức như Toán, Lý, Hóa. Nếu đủ điểm mới được chính thức nhận vào trường đào tạo phi công. Ngày đầu vào trường đào tạo phi công cũng là ngày đầu nhập ngũ nên các phi công trẻ tương lai được huấn luyện quân sự như tất cả các tân binh khác trong quân đội. Sau khóa học huấn luyện khoảng 1 năm, học viên được chuyển sang học hệ 5 năm các môn: huấn luyện bay, cách điều khiển máy bay, cách sử dụng vũ khí… Chương trình học như một sinh viên đại học nhưng khá nặng bởi đặc thù của nghề phi công là phải rèn luyện cơ thể, học chuyên môn nghiệp vụ, tập lái máy bay, sử dụng vũ khí trên không…
Sau 6 năm học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội, khi ra trường các phi công trẻ được phong quân hàm trung úy, trở thành những sĩ quan phi công trẻ thế hệ mới. Mỗi học viên phải có thể lực, bản lĩnh cao, nền kiến thức vững chắc. Đặc biệt, phi công trẻ phải có lòng yêu nghề, niềm đam mê làm chủ bầu trời. Đại úy Đoàn Hồng Hải, phi công của trung đoàn ví von: “Một phi công ra trường cân nặng bao nhiêu ký thì tương xứng với bấy nhiêu ký vàng của nhà nước đầu tư. Chẳng thế mà họ được coi như tài sản quý của quốc gia…”.
Trong thời gian học tập, khổ luyện, đa số phi công trẻ đều được kết nạp vào Đảng CSVN, vì thế hiện nay Trung đoàn 917 có 100% phi công là đảng viên. Là bộ đội phi công trong thời bình, tuy không phải trực tiếp chiến đấu, nhưng phi công trẻ luôn bảo đảm giờ bay huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Hàng năm phi công tham gia các cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật, sử dụng thành thạo các loại máy bay hiện đại.
Ngoài ra, phi công còn nắm rõ kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí, cách bắn súng, thả bom, nã rốc két vào mục tiêu địch, đồng thời sẵn sàng cứu hộ cứu nạn cả trên biển lẫn trên mặt đất. Mới đây, các phi công của Trung đoàn 917 vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ra thăm đảo Trường Sa, nhà giàn DK, các vùng quân sự và các giàn khoan. Ngoài ra, phi công Trung đoàn 917 còn thực hiện nhiều chuyến cứu hộ cứu nạn và ngư dân trên biển, thực hiện nhiều chuyến bay cấp cứu bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền.
Dẫu cuộc sống của các phi công còn khó khăn, gian khổ và trách nhiệm nặng nề nhưng các anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những phi công trẻ thời đại mới. Là phi công nhưng các anh không kém phần lãng mạn, có anh nhớ mãi cảm xúc về chuyến bay đầu tiên được làm chủ bầu trời, lúc đó tâm hồn cứ lâng lâng, thả tầm mắt ngắm nhìn non nước xinh đẹp. Về sau, các phi công lại có thêm cảm xúc mới, đó là sau mỗi chuyến bay hoàn thành nhiệm vụ trở về, các anh cảm thấy tự hào vì mình đã chiến thắng được mọi khó khăn, nguy hiểm rình rập để trở về với người thân, người yêu… Còn khi được hỏi về chuyện riêng, nhiều chiến sĩ trẻ tâm sự: “Khi lái máy bay lao vút lên bầu trời chúng tôi cảm thấy bình thường, vậy mà không hiểu sao khi đứng trước một cô gái muốn ngỏ lời yêu thì lại nhút nhát, vụng về lạ thường…”
MINH NGỌC