Mười ngày sau vụ binh sĩ Lee Rigby bị sát hại trên đường phố Luân Đôn, ngày 1-6, nghi phạm thứ hai Michael Adebolajo, 28 tuổi, đã bị buộc tội giết người và sở hữu vũ khí. M.Adebolajo và nghi phạm khác là Michael Adebowale, 22 tuổi, đã được đưa tới 2 bệnh viện dưới sự giám sát của lực lượng bảo vệ có vũ trang. Cả 2 nghi phạm đều là những người cải sang đạo Hồi.
Kẻ giết người ắt phải đền tội trước pháp luật. Song những ngày này, trong khi các nhóm cực hữu quá khích liên tục phát động các phong trào chống đạo Hồi, làm bùng phát tâm lý căm ghét người Hồi giáo… gia đình của nạn nhân đã gửi đi một thông điệp làm chấn động lòng người. Từ ngày người binh sĩ trẻ ra đi đột ngột, gia đình anh luôn tỏ ra bình tĩnh và “có khoảng cách” với các nhóm cực đoan mà họ cho rằng đang toan tính sử dụng vụ giết người này để gây bạo lực và mưu tìm lợi ích chính trị. Họ đã nhờ Bộ Quốc phòng Anh phát đi lời kêu gọi: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Lee sẽ không muốn tên anh ấy là cái cớ để tấn công người khác. Chúng tôi không muốn bất kỳ gia đình nào phải trải nghiệm nỗi đau mất người thân và thỉnh cầu mọi người hãy giữ bình tĩnh”. Gia đình của người lính trẻ kêu gọi bất kỳ ai tiễn đưa con em họ về nơi nghỉ cuối cùng nên thể hiện sự tôn trọng của họ đối với người đã khuất “một cách hòa bình”, đừng dùng từ “khủng bố” trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa các nhóm chính trị và tôn giáo ở nhiều nơi. Lời kêu gọi của gia đình nạn nhân như một đòn giáng mạnh vào nhiều nhóm thế lực, như Liên đoàn quốc phòng Anh và đảng Quốc gia Anh (British National Party), đã và đang tiếp tục lên kế hoạch tổ chức khoảng 60 cuộc biểu tình trên toàn nước Anh để gây áp lực với chính phủ về những giải pháp phân biệt đối xử với đạo Hồi và cả người nhập cư.
Những ngày bình yên của nước Anh có nguy cơ đang lùi xa dần. Sau vụ binh sĩ Lee bị giết hại, các đền thờ Hồi giáo ở Anh có thể trở thành mục tiêu cố định của các nhóm cực hữu. Hàng loạt các cuộc tấn công vào các đền thờ Hồi giáo đã xảy ra liên tục trong những ngày qua, từ Nam Braintree và Gillingham, đến Milton Keynes đến Cardiff, thủ phủ xứ Wales… Từ hành động phá hoại như ném bom xăng vào nhà thờ cho đến những việc làm báng bổ như trải thịt heo xông khói trên các bậc thang vào nơi cầu nguyện của người Hồi giáo. Các nhóm cực hữu kêu gọi “đuổi những kẻ Hồi giáo cút khỏi đường phố nước Anh”, bây giờ là “mùa Xuân nước Anh”. Theo ông Fiyaz Mughal, Giám đốc nhóm đa tín ngưỡng Faith Matters, người đang điều hành tổ chức Giám sát tấn công chống Hồi giáo (Tell MAMA), thì “tâm trạng bài Hồi giáo vẫn luôn âm ỉ”.
Sau vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ, cộng đồng Hồi giáo trở thành mối nghi ngờ khủng bố trong con mắt của người phương Tây. Sự chấp nhận của xã hội đối với cộng đồng Hồi giáo ngày càng giảm và tình trạng phân biệt đối xử với người Hồi giáo ngày càng tăng. Đến nỗi, trong một bản báo cáo trước đây Liên minh châu Âu đã kêu gọi các phương tiện truyền thông không nên bêu rếu cộng đồng đạo Hồi. Nhưng lần này, một trong những nguyên nhân đổ thêm dầu vào lửa và khiến người Hồi giáo ở Anh rất thất vọng là việc truyền thông chính thống của Anh, khi đưa tin về vụ tấn công Woolwich, đã gắn nhãn các thủ phạm là “Những kẻ khủng bố Hồi giáo”. Nick Robinson, biên tập viên chính trị của đài BBC, sau đó một ngày đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi trích dẫn một nguồn tin mô tả những kẻ tấn công có “diện mạo Hồi giáo”.
KHÁNH HƯNG