Trung tuần tháng 7-2022, chúng tôi đến khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), đây là hồ đa mục tiêu phục sản xuất nông nghiệp, thủy điện, đồng thời 2 nhà máy xử lý nước sạch cho toàn TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương cũng sử dụng nguồn nước từ lòng hồ này. Dù có vai trò quan trọng nhưng từ lâu nguồn nước tại đây thường xuyên bị ô nhiễm do hoạt động bồi lắng, sản xuất nông nghiệp ngày càng tiến sát mặt nước.
Tại vựa rau Đơn Dương, thói quen canh tác nông nghiệp tại đây cũng phát sinh ra lượng lớn vỏ bao bì thuốc BVTV. Trung bình, mỗi vụ rau người dân phun từ 7-10 lần thuốc. Tần suất sử dụng thuốc còn thể hiện thông qua một phần lớn lượng rác là vỏ thuốc BVTV của huyện Đơn Dương. 5 năm qua, địa phương này thu gom được hơn 21 tấn vỏ bao thuốc BVTV - nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng. Sử dụng lượng chất hóa học nhiều, đất bị xơ cứng, giảm chất dinh dưỡng nên cứ 2-3 năm người dân sản xuất rau, hoa phải tiến hành “đảo đất” bằng cách đổ lớp đất mới lên trên. Việc này làm phát sinh thêm chi phí sản xuất cũng như gây thoái hóa đất rõ rệt.
Theo kết quả điều tra đánh giá tình hình sử dụng thuốc BVTV trên các loại cây trồng năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng sử dụng khoảng 3.717 tấn thuốc BVTV để quản lý dịch hại (giảm 200 tấn so với năm 2020). Trong đó, nhiều nhất là thuốc trừ bệnh 2.093 tấn; thuốc trừ sâu 809 tấn; thuốc trừ cỏ 740 tấn. Trong số này, cây rau là đối tượng được người dân sử dụng thuốc BVTV với mật độ khá dày, có 90% số người dân được điều tra cho biết, phun thuốc trên 7 lần mỗi vụ. Chỉ riêng lượng thuốc BVTV sử dụng trên rau họ thập tự, trung bình 8-10kg/ha/vụ; rau họ cà trung bình 11-13,5kg/ha/vụ.
Theo các chuyên gia, nhiều người dân hiện vẫn đang sản xuất theo kiểu tự phát, một phần do thiếu hiểu biết, phần nữa do thói quen. “Hễ họ thấy hoa màu bị sâu bệnh là dùng thuốc BVTV. Điều này rất dễ để lại lượng tồn dư thuốc BVTV do sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại. Còn nữa, nhiều nông dân chưa áp dụng quy trình sản xuất an toàn là do giá cả không chênh lệch nhiều so với sản xuất truyền thống. Đầu ra của nông sản không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân nên họ chọn cách sản xuất có chi phí thấp nhất”, TS Cao Thị Làn, Trưởng khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt, nhận định.
TS Cao Thị Làn đề xuất: “Đại đa số nông dân sử dụng thuốc BVTV theo sự hướng dẫn của chủ cửa hàng phân bón, thuốc BVTV. Vì vậy, để việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân đạt hiệu quả cao, giảm dư lượng trong nông sản thì người bán phân bón, thuốc BVTV phải được đào tạo kỹ và hiểu rõ về sản xuất an toàn. Gần đây, nhận thức của người dân về sản xuất an toàn đã có những thay đổi. Do đó, những mô hình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ cần được nhân rộng để người dân tiếp cận nhiều hơn nữa vì mục tiêu chung giảm lượng chất thải nguy hại ra môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tổng lượng phân bón nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 là 4.919 lô với tổng khối lượng 1,9 triệu tấn (giảm 24,24% so cùng kỳ năm 2021), ước tính giá trị khoảng 874,95 triệu USD. Chủng loại phân bón nhập khẩu đa dạng, trong đó tỷ lệ lớn nhất là phân đạm 26,14%; tiếp theo là kali chiếm 7,42%. |