Tình trạng nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu đang có xu hướng tăng trở lại. Ngoài nguyên nhân do tập quán lâu nay, cứ thấy có sâu trên ruộng lúa là phun thuốc, còn có nguyên nhân các công ty thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quảng cáo tràn lan sản phẩm ở các hội thảo, tư vấn, kênh truyền hình địa phương với tần số cao nên nông dân nhập tâm.
Lỗ hổng quản lý
Hiện nay, các công ty BVTV kết nối với các nhà đài dựng nên vô số “nhịp cầu”, tổ chức các chương trình “đồng hành cùng nông dân”… Các chương trình có sự xuất hiện của đại diện công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, nhà khoa học, nhà quản lý.
“Thật khó phân biệt đây là chương trình khoa giáo hay quảng cáo thuốc BVTV “núp bóng” nhà khoa học, nhà quản lý. Nhiều biện pháp tiên tiến trong sản xuất lúa được nông dân áp dụng nhưng tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, gây ô nhiễm môi trường nặng vẫn diễn ra ở nhiều ruộng lúa” - một cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết.
Theo kết quả điều tra hơn 1.000 nông dân tại 2 huyện Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) của Cục BVTV trong năm 2011, cho thấy: có 57,9% nông dân phun thuốc lúc lúa mới từ 0 - 40 ngày sản xuất, trong đó có 11,3% phun ở giai đoạn 0 - 15 ngày sản xuất.
Trong định hướng những việc cần lưu ý để bảo vệ lúa đông xuân 2011-2012 tới đây, Cục BVTV đưa ra một cảnh báo đáng suy nghĩ: “Hạn chế tối đa việc quảng cáo và hướng dẫn nông dân phun thuốc trừ sâu sớm”. Tuy nhiên, cảnh báo cũng chỉ là cảnh báo, bởi nông dân đang “rối mắt, đầy tai” với ma trận thuốc trừ sâu.
Theo TS Nguyễn Hữu Quân, Cục phó Cục BVTV, thời gian qua, thuốc BVTV được tuyên truyền chẳng khác gì clip quảng cáo bột giặt, xà bông, dầu gội đầu… trên truyền hình. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân bỏ qua những gì đã được tập huấn theo các quy trình sản xuất tiên tiến. Về mặt quản lý chuyên ngành, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 38 về quản lý thuốc. Trong đó có một chương về quảng cáo thuốc BVTV. Tuy nhiên, quy định về quảng cáo thuốc BVTV hiện nay chưa chặt chẽ, Cục BVTV đã kiến nghị Bộ NN-PTNT có chỉ đạo để sửa đổi bổ sung. Thuốc BVTV là hàng hóa phải được quản lý đặc thù theo quy định của Chính phủ chứ không phải như bột giặt hay một loại hàng hóa thông thường khác.
Lạm phát quảng cáo
Dư luận ở ĐBSCL đang quan tâm đến chuyện trong “cánh đồng mẫu lớn”, có nơi trong diện tích mô hình, nông dân dùng thuốc BVTV nhiều hơn bên ngoài mô hình, phải chăng do có công ty bán thuốc BVTV “gắn” với cánh đồng mẫu?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quân, cho biết: Thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” là theo chủ trương của Bộ NN-PTNT. Trong quá trình thực hiện, kinh phí có hạn nên một số chi cục phối hợp với công ty phân bón hoặc thuốc BVTV cùng thực hiện. Trong quá trình triển khai, hầu hết doanh nghiệp làm đúng chủ trương, biện pháp kỹ thuật. Tất nhiên khi cần sử dụng thuốc BVTV, phải ưu tiên dùng thuốc ở các công ty tài trợ, chứ có ai bỏ tiền ra làm không công (?).
Một thức tế khác là hiện nay, nhiều đài truyền hình địa phương được các công ty thuốc BVTV tài trợ nhiều chương trình tư vấn nông dân như: “Đồng hành cùng nông dân”, “Cùng nông dân làm giàu”, “Cùng nông dân phát triển”… Chương trình có những câu hỏi do nông dân đặt ra, nhưng thông thường những câu hỏi đó do các công ty kinh doanh thuốc BVTV soạn sẵn. Nội dung cứ lặp đi, lặp lại, có khác chăng là khác diễn giả trả lời… Nông dân hỏi, nhà khoa học trả lời xong, tiếp theo là dùng thuốc BVTV gì? Lúc này công ty BVTV tài trợ chương trình sẽ trả lời. Nông dân thấy có nhà khoa học, nhà quản lý ngồi trong chương trình vậy là yên tâm phun thuốc. Cũng một tình huống sâu cuốn lá, 10 công ty sẽ giới thiệu 10 loại thuốc khác nhau. Do vậy, mang tiếng là chương trình tư vấn cho nông dân nhưng phần lớn nông dân chẳng tiếp cận được gì.
CAO PHONG