
Gần đây, liên tục xảy ra các vụ án mạng do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Sau khi báo SGGP ngày 5-8 đăng bài “Đừng thờ ơ việc quản lý người bệnh tâm thần tại cộng đồng”, nhiều bạn đọc đề nghị được tư vấn cụ thể về các giải pháp sống chung với người bệnh tâm thần. PV Báo SGGP đã gặp bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Phó khoa thần kinh Bệnh viện 175, tìm câu trả lời cho những thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca tư vấn cho bệnh nhân.
- Phóng viên: Thưa bác sĩ, làm thế nào để phát hiện đối tượng bị mắc bệnh tâm thần?
>> Bác sĩ NGUYỄN VĂN CA: Bệnh tâm thần rất thường gặp. Khi nhận thấy một người nào đó bỗng dưng buồn rầu, bi quan, mất tự tin, cảm thấy bất lực trước công việc hàng ngày; mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, đau mỏi cơ thể nhưng khám cho kết quả bình thường; lo âu, rửa tay nhiều lần trong ngày; hốt hoảng khi ra ngoài một mình; nghe thấy tiếng người nói trong đầu và cảm thấy mình bị chửi mắng, nói xấu; thấy hình ảnh không giống với thực hoặc những hình ảnh mà người khác không thấy; cho rằng có người đang làm hại mình, điều khiển mình; cười nói vô thức, ngại tiếp xúc với mọi người; không chú ý vệ sinh cá nhân, bỏ ăn, đập phá đồ đạc; vô cớ tấn công người khác, có ý định và hành vi tự sát mà không phải do bế tắc trong cuộc sống…
- Bệnh tâm thần có thể điều trị được không?
Có thể điều trị được nhưng phải chữa tích cực, kết hợp nhiều phương pháp như sử dụng thuốc, chia sẻ tâm lý và lao động, tái thích ứng xã hội một cách kiên trì mới có hy vọng. Chủ yếu là sử dụng thuốc an thần, ngoài ra còn nhiều loại thuốc khác tùy vào sự chỉ định của bác sĩ. Thuốc có tác dụng dập tắt nhanh chóng các cơn kích động dữ dội, cơn phá phách. Khi ổn định cần tiếp tục điều trị củng cố và kết hợp các liệu pháp khác như can thiệp về tâm lý, gần gũi, chia sẻ với người bệnh. Nhất là người mắc bệnh tâm thần căn nguyên do tâm lý thì nhất định phải dùng liệu pháp tâm lý mới có kết quả tốt. Bên cạnh đó phải cho người bệnh lao động để khôi phục các hoạt động tâm thần, nếu không sẽ dễ bị tự kỷ và đi đến trạng thái tâm thần sa sút.
- Vì sao lại điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, trong khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ?
Điều trị bệnh tâm thần, đặc biệt là những bệnh tâm thần tiến triển mãn tính tại các cơ sở điều trị nội trú chỉ là một giải pháp điều trị nhất thời của thời kỳ bệnh tiến triển cấp tính, chỉ chiếm một thời gian không đáng kể trong quá trình điều trị người bệnh, còn mục đích chính là đưa người bệnh hòa nhập cộng đồng. Muốn vậy phải phối hợp nhiều liệu pháp điều trị, phối hợp nhiều tổ chức trong xã hội với gia đình và đặc biệt là sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
Khi trong nhà có người thân bị bệnh tâm thần, mọi thành viên khác đều phải chịu sức ép về tâm lý ở một mức độ nào đó, buộc họ phải nghiêm túc đối mặt để vượt qua thách thức. Phải dũng cảm, biết chấp nhận người bệnh, để họ cảm thấy là một thành viên của gia đình. Gia đình không cố tranh luận với người bệnh, nhưng cũng không để họ thấy họ bị cư xử khác thường, mà phải dành cho họ tình cảm, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, giúp họ có cảm giác an toàn, dễ hòa nhập hơn với xung quanh.
- Việc chăm sóc, điều trị người bệnh tâm thần tại cộng đồng nên thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Bệnh nhân phải được uống thuốc hàng ngày để ổn định bệnh, gia đình phải chăm sóc toàn diện, đặc biệt là chăm sóc về tâm lý để phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Thái độ gia đình chính là những can thiệp tâm lý sớm nhất và tốt nhất cho người bệnh. Muốn vậy, gia đình phải hiểu biết về bệnh tâm thần, cảm thông chia sẻ những mặc cảm của người bệnh, giúp người bệnh thích ứng được với cuộc sống xã hội bằng cách tạo điều kiện để người bệnh tham gia lao động tập thể, học nghề, sinh hoạt giải trí thích hợp hoặc tối thiểu là lao động phục vụ sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, sinh hoạt giải trí, thể thao, ca nhạc, văn hóa xã hội. Có sự khen thưởng động viên kịp thời nếu người bệnh làm được việc tốt hoặc cư xử theo ý muốn của gia đình để họ thấy được sự yêu mến của gia đình dành cho mình, từ đó mới tích cực hành động theo sự hướng dẫn của gia đình.
- Bác sĩ cho biết những biểu hiện gì cảnh báo nguy cơ người bệnh tâm thần có thể có hành vi nguy hiểm và ngăn chặn cách nào?
Bệnh tâm thần cũng rất dễ tái phát nếu dùng thuốc an thần không đều và yếu tố nâng đỡ kém như hệ thống nâng đỡ của cả gia đình và xã hội về các sinh hoạt, nhà ở, việc làm, chăm sóc tại cộng đồng. Nếu thấy họ đột nhiên thu mình lại, trầm lặng, không thích giao tiếp; hoặc họ hiếu động và nói nhiều bất thường; hay có biểu hiện sợ hãi, dễ kích động thì phải đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để được khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu họ có ý định gây thương tích cho bản thân hoặc tấn công, dọa nạt những người xung quanh, cần chuyển họ đi bệnh viện ngay.
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB-XH), ước tính cả nước có khoảng 154.000 người bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng như: đập phá tài sản, đánh người, gây án mạng, đi lang thang gây rối, mất trật tự xã hội. Tuy nhiên cả nước mới có 26 trung tâm, chăm nuôi cho 10.000 người bị tâm thần. Cần tăng số lượng các trung tâm phục hồi chức năng người bệnh tâm thần để đáp ứng nhu cầu, đa dạng các hình thức của các trung tâm, nâng cao chất lượng điều trị và phục hồi cho người bệnh.
THU HƯỜNG