Làm giàu không chỉ riêng mình

Làm giàu không chỉ riêng mình

Qua bàn tay cần cù của những cựu chiến binh thuộc Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi huyện Chư Prông (Gia Lai), những vùng đất cằn cỗi do bom đạn tàn phá năm xưa đã trở thành những rẫy cà phê, tiêu, cao su xanh ngút ngàn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều cựu chiến binh còn giúp đồng đội và người dân cùng vươn lên trong cuộc sống.

Trước và sau tết, cựu chiến binh Nguyễn Tá Tuệ (thôn Bản Tân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) vẫn tất bật “chạy sô” hết nhà này sang nhà khác trong xã để hướng dẫn cách thu hoạch tiêu sao cho hiệu quả nhất vì đang vào vụ thu hoạch. Tại rẫy của ông Nam hàng xóm, ông Tuệ đưa tay luồn vào các trụ rồi cầm những chùm tiêu sai quả tuốt từng chùm. “Muốn tiêu khỏi mất sức thì phải hái từng chùm, đừng vơ cả cành để bứt”, ông Tuệ hướng dẫn. Đứng bên cạnh, ông Nam gật gù như đã học thông “bí kíp”. Theo ông Tuệ, nhà ông hiện trồng 5ha cà phê, 5 sào tiêu, tổng thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm. Thấy ông làm kinh tế giỏi, nhiều người thường xuyên sang học hỏi kinh nghiệm. “Thực tế tôi vào đây mưu sinh từ 28 năm trước với hai bàn tay trắng. Hồi ấy khu vực này toàn núi rừng, đất đai bị bom đạn băm nát, nhà cửa chỉ vài ba căn. Để tồn tại, chúng tôi đi chặt tre về dựng túp lều ở, hàng ngày đi phát rẫy trồng khoai… Cách đây 10 năm, nghe cây cà phê, tiêu cho hiệu quả kinh tế, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng. Thấy hiệu quả, tôi mua thêm đất đầu tư canh tác và phất lên như bây giờ”, ông Tuệ nói.

Cựu chiến binh Nguyễn Tá Tuệ (trái) hướng dẫn cách hái tiêu cho đồng đội

Cách nhà ông Tuệ 5km, nhà ông Phạm Hữu Đường (69 tuổi, thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn) nằm lọt thỏm giữa những rẫy tiêu xanh mướt. Đón xuân Bính Thân, gia đình ông vừa thịt con heo 90kg ăn tết, ngoài ra còn tặng cho một số hộ nghèo trong thôn. Ông Đường vốn là thương binh hạng 3, vào Ia Phìn sống khoảng 20 năm nay. Dù là thương binh nhưng ông khiến nhiều người phải nể phục khi sở hữu 5ha cà phê, 2 sào tiêu, 1ha cao su, 1ha mắc ca và trang trại nuôi 30 con heo rừng. Tổng thu nhập hàng năm khoảng 1,3 tỷ đồng. “Nói thật, hồi mới vào đây chẳng có cái gì ăn. Đất nhiều nhưng chỉ trồng mì, bắp nên thu nhập không cao. Để thoát nghèo, tôi vác ba lô sang tỉnh bạn học mô hình làm kinh tế. Thấy cây tiêu, cà phê có giá trị cao, tôi mua giống về trồng và mở trang trại heo rừng thì cuộc sống mới đổi thay như bây giờ”, ông Đường hồi tưởng. Hiện ông Đường đang giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương. Nhiều nông hộ cũng được ông cung cấp miễn phí các giống tiêu, mắc ca về trồng.

Ông Mai Khắc Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông, cho biết: Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi có 55 hội viên. Trong đó, hội viên thấp nhất cũng thu nhập ngót nghét 500 triệu đồng/năm, 27 hội viên thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Cá biệt có 7 hộ thu nhập 3 - 5 tỷ đồng/năm như hộ ông Nguyễn Văn Gác (xã Ia Phìn) 5 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Drăng) 3 tỷ đồng/năm…

Theo ông Mai Khắc Tuấn, điều đáng trân trọng là các tỷ phú vốn là cựu chiến binh rất tích cực giúp dân và đồng đội. Ngoài việc hỗ trợ cây giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nhiều người cũng hay làm từ thiện. Như cựu chiến binh Nguyễn Văn Gác bỏ tiền xây dựng 3 trạm biến áp để phục vụ sản xuất, đồng thời cho 30 hộ dân tộc thiểu số ở làng Grang 2 (xã Ia Phìn) sử dụng điện miễn phí; cho 50 hộ trong xã mua phân bón trả chậm không lấy lãi. Mỗi dịp tết, ông hỗ trợ các hộ dân làng Grang 2 một tấn gạo và 100kg thực phẩm (thịt heo). Cựu binh Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Drăng) tự đầu tư xây dựng 500m đường bê tông liên thôn; cho 7 hộ dân, mỗi hộ mượn 100 triệu đồng để làm ăn không lấy lãi; chi gần 150 triệu đồng để kéo điện cho các hộ nghèo sử dụng.

Võ Phúc

Tin cùng chuyên mục