Làm giàu từ 100m² trước nhà

Vài năm trở lại đây, tại một số vùng đô thị hóa của TPHCM, phong trào sản xuất và buôn bán hoa, cây kiểng phát triển khá mạnh, chủ yếu là lan, mai ghép, bonsai và hoa lá màu.

Ông Bùi Văn Ngọc, ngụ tại khu phố 2, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức vốn là một nông dân thích chơi và có kinh nghiệm trồng lan, người dân ở đây thường gọi ông là “nghệ nhân trồng lan”. Ông Ngọc đã tận dụng diện tích 100m² trước nhà để chuyên trồng 2 loại lan: Dendrobium và Cattleya.

Ông Bùi Văn Ngọc

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Ngọc tâm sự: “Năm 1975, sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, tôi trở lại với cuộc sống đời thường với cái nghề điện tử học được khi ở quân ngũ. Khi lập gia đình, tôi quyết định ra ở riêng, mở tiệm sửa điện tử để mưu sinh. Năm 1986, thông qua báo, đài và nghe anh em bạn bè giới thiệu về cây lan, tôi cảm thấy dù sau một ngày lao động vất vả, nhưng nếu được nhìn một chậu hoa lan thì cũng có thể giúp mình thoải mái. Thế là tôi bắt đầu yêu nghề, tìm mua vài chậu lan về nhà trồng, chăm sóc và nghiên cứu về thời gian sinh trưởng, ra hoa, tưới nước, nhiệt độ thích hợp...”.

Vận may đã đến với gia đình ông Ngọc vào năm 2002, sau gần 20 năm ông vừa làm nghề vừa nghiên cứu trồng lan. Nhận thấy thị trường hoa, cây kiểng đang phát triển, thông qua Hội Nông dân phường, ông Ngọc mạnh dạn vay quỹ xóa đói giảm nghèo được 10 triệu đồng. Cộng với phần vốn tự dành dụm trên 50 triệu đồng, ông Ngọc đầu tư làm nhà lưới 100m² ở trước nhà và mua vài trăm gốc lan về trồng. Kết quả sau một năm, ông đã nhân lên đến hơn ngàn chậu, cho thu nhập khá cao. Từ đó đến nay, bình quân hàng năm gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán giống và thương phẩm hoa lan.

Theo ông Ngọc, nơi trồng lan phải luôn thoáng, đảm bảo đủ nồng độ khí CO2 và ánh sáng tạo điều kiện cho cây tiến hành phản ứng quang hợp. Lan cần ánh sáng phản xạ hoặc ánh sáng chiếu xiên vào buổi sáng sớm hay chiều muộn. Nếu ánh sáng chiếu theo phương thẳng đứng thì phải che râm, giảm cường độ sáng 30% - 50% tùy từng loại. Lan rất dễ mắc bệnh, cần dùng các loại thuốc trừ nấm hữu hiệu như Benlate hoặc thuốc có chứa Benomyl, Zined, Ferbam. Khi cần thay chậu để diệt nấm, phải ngâm chậu vào trong nước khoảng 30 phút để rễ cây tách khỏi chậu và các giá thể, sau đó rửa kỹ rễ và trồng sang chậu mới với các giá thể mới.

Có thể nói, nhờ biết phân chia thời gian hợp lý (bỏ công làm lời) và biết áp dụng khoa học vào sản xuất nên mô hình của gia đình ông Ngọc đạt hiệu quả cao. Hiện ông là hội viên Hội Nông dân và Câu lạc bộ Khuyến nông phường Linh Xuân. Ông Ngọc sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng lan cho nông hộ trên địa bàn và thu mua lại sản phẩm. Ông cho biết: “Thị trường mua bán hoa lan còn lớn, lan của tôi chưa kịp ra hoa, thương lái đã đến nhà đặt giá trước. Do đó, bà con cứ an tâm phát triển tăng diện tích”.

Thiết nghĩ, mô hình trồng lan không những tạo sự đa dạng về chủng loại hoa, đáp ứng nhu cầu cho người thưởng thức mà còn góp phần tạo thêm mảng xanh cho TPHCM - một địa phương đang phấn đấu trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, với kiến thức, kinh nghiệm cùng sự tâm huyết với nghề, ông Ngọc được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân TPHCM mời tham gia giảng dạy cho hơn 100 lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, mỗi lớp từ 20 - 30 học viên. Qua khảo sát của ông, các học viên sau khi học đã áp dụng vào sản xuất khoảng 7 nhà vườn trồng lan có diện tích trên 1ha, 210 nhà vườn trồng lan có diện tích trên 100m². Tiền thù lao của 10 năm làm giảng viên giảng dạy kỹ thuật trồng hoa lan được ông Ngọc sử dụng tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp các quỹ xóa đói giảm nghèo, khuyến học, hỗ trợ nông dân... để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

ĐẶNG KIỆT

Tin cùng chuyên mục