Nằm sâu trong hẻm số 83, đường Tam Bình, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, gia đình anh Lê Hữu Phúc thường được phường chọn để giới thiệu cho các đoàn khách đến tham quan, học hỏi về nghề nuôi cá cảnh.
Bốn bề quanh ngôi nhà khang trang là hàng trăm ao, vèo nuôi cá kiểng các loại. Anh Phúc cho biết mình là dân địa phương, nơi đây là vùng đất thấp, nhận nguồn nước từ sông Sài Gòn nên rất phù hợp cho việc nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt. Vùng đất này từ lâu đã là vùng nuôi cá thịt ở dạng nông hộ và gia đình anh không ngoại lệ. Tuy gia đình có truyền thống nuôi cá trê lai giống nhưng sau thấy lợi nhuận thấp, không hiệu quả nên anh chuyển nghề ương và nuôi cá cảnh này đã hơn 15 năm.
Cơ ngơi của gia đình anh Lê Hữu Phúc
Lúc đầu anh chỉ nuôi 2 - 3 hồ với loại cá bảy màu, hồng kim. Vì nhà gần sông, anh lấy nước sông nuôi cá thương phẩm, nước giếng để nuôi cá đẻ. Bằng cách này thì không tốn chi phí nước nhưng độ pH lại không ổn định. Vì thế, anh luôn phải canh độ pH thường xuyên đạt từ 6.0 - 6.5 thì nuôi cá thương phẩm mới đạt, còn cá đẻ thì độ pH thấp hơn một chút. Anh rút ra kinh nghiệm lấy nước lúc nước ngoài sông phải trong, lấy nước tầng trên mặt, đưa vào ao lắng và phải luôn trang bị máy đo pH để thử nước khi thay. Cá kiểng ăn ở 3 giai đoạn, thứ nhất khi mới đẻ cá sẽ ăn bo bo (3 ngày đầu), sau 7 ngày chuyển sang ăn trùn chỉ nhuyễn và sau đó 1 - 2 tháng mới chuyển qua thức ăn và đưa ra vèo nuôi, sau 2,5 - 6 tháng cho lên nuôi hồ, ăn cám và trùn chỉ.
Với phương châm nuôi từ từ, từng chút một rồi rút kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài và sau đó phát triển mở rộng thêm, hiện anh có cơ ngơi 4 ao nuôi cá kiểng (2.500m2), 100 bể nuôi, 150 vèo, tổng cộng khoảng 5.500m2 với 5 - 7 loại cá như 7 màu, hồng kim, kim sa, ông tiên, cánh buồm, gấm… Giá bán hiện tại cá bảy màu, cánh buồm, gấm dao động từ 800 - 1.500 đồng/con, còn kim sa, ông tiên từ 6.000 - 8.000 đồng/con. Mỗi ngày, anh thuê xe ôm chở cá đến địa chỉ đã đặt hàng và thu tiền về, anh tính tổng chi phí (thuê nhân công, thức ăn, thuốc…) là 16 triệu đồng/tháng, thu được hơn 40 triệu đồng/tháng, lợi nhuận gần 25 triệu đồng/tháng. Theo anh, thị trường bán chủ yếu trong nước như các cửa hàng cá cảnh ở địa phương, chợ Lưu Xuân Tín (quận 5) và các tỉnh.
Song song đó, anh còn trồng mai ghép, hiện vườn mai của anh có quy mô 2.500m2 với gần 750 gốc mai. Tùy vào thời tiết thuận hay nghịch, nếu thuận mỗi năm thu được khoảng 400 triệu đồng, còn bất lợi thì cũng được 200 triệu đồng. Tổng cộng, vừa cá kiểng, vừa mai ghép, mỗi năm gia đình anh thu lợi từ 500 - 700 triệu đồng.
Để thành công như ngày hôm nay, kinh nghiệm của anh là phải cần cù, chăm chỉ, rút kinh nghiệm lần lần, làm từng chút một rồi mới mở rộng quy mô, để ý nắm bắt được đặc tính sinh học các loại cá nuôi. Mỗi loại cá có đặc tính khác nhau, ở từng giai đoạn sinh trưởng cần chế độ chăm sóc phù hợp. Anh chia sẻ kinh nghiệm với những hộ chuẩn bị nuôi cá cảnh là không nên ỷ có vốn mà bung làm liền với quy mô lớn, sẽ dễ thất bại, trừ khi họ đã có sẵn kinh nghiệm.
Anh Phúc cho biết sắp tới sẽ mở rộng quy mô với các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá neon, tam giác, cá koi, chép đuôi dài…, đáp ứng nhu cầu không chỉ tiêu thụ nội địa mà có thể xuất sang thị trường nước ngoài. Nếu bà con nông dân nào có nhu cầu nuôi cá cảnh để tăng thu nhập, anh Phúc sẵn sàng chia sẻ nguồn giống, kinh nghiệm sản xuất và hướng dẫn tận tình cách làm ao, bể, mua vật tư, thức ăn… để cùng nhau phát triển nghề.
Được biết, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án phát triển nuôi trồng và xuất khẩu cá cảnh, hoa kiểng của TP đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng cá cảnh đạt 150 - 180 triệu con, xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu con, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu USD; 100% cơ sở xuất khẩu cá cảnh tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh của TP, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường hiện có và mở rộng sang các thị trường khác.
VÂN TÂM