Làm giàu từ trồng rau muống nước

Huyện Hóc Môn là một trong những vựa sản xuất rau tươi cho TPHCM, trong đó có rau muống nước Nhị Bình. Nhờ nguồn nước, thổ nhưỡng đặc biệt của xã Nhị Bình - nơi có nhiều kênh rạch và nằm ven khúc sông Sài Gòn sạch - mà rau muống nước trồng tại đây cho vị ngọt, giòn.
Ông Phạm Văn Cộng phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả xây dựng cánh đồng rau muống VietGAP xã Nhị Bình
Ông Phạm Văn Cộng phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả xây dựng cánh đồng rau muống VietGAP xã Nhị Bình

Đến nay, toàn huyện có hơn 700ha rau muống nước, trong đó có 74,9ha rau tại xã Nhị Bình đạt tiêu chuẩn VietGAP và người sản xuất chủ yếu là dân nhập cư từ các tỉnh phía Bắc. Trồng rau muống nước không chỉ là phương kế sinh nhai của hơn trăm gia đình khi đến TPHCM lập nghiệp, mà nhiều trường hợp đã vươn lên làm giàu, cho thu nhập ổn định. Điển hình có ông Phạm Văn Cộng (50 tuổi), quê ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ngoài làm giàu cho bản thân, ông Cộng còn hướng dẫn, vận động bà con sản xuất rau muống trong vùng tham gia sản xuất theo VietGAP. Với những kết quả mang lại, ông Cộng được bà con nông dân tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ sản xuất rau muống VietGAP ấp 1, xã Nhị Bình.

Ông Cộng cho biết: “Khi còn ở quê, gia đình tôi cũng làm nông nhưng cuộc sống không ổn định, nếu không muốn nói là rất khó khăn. Năm 2001, chúng tôi vào Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đầu cũng chưa biết làm gì, được một người cùng làng vào miền Nam trước dạy cho nghề trồng rau muống nước. Tôi mua một chân ruộng rau muống (10.000m²) ở phường Thạnh Lộc (quận 12) để phát triển sản xuất, lúc đó ruộng còn rất rẻ. Đến năm 2004 thì ruộng nhà bị giải tỏa, gia đình tôi về xã Nhị Bình mướn 7.000m² đất để trồng rau muống cho đến nay”. 

Về chuyện sản xuất, ông Cộng kể: “Trước đây tôi trồng kiểu truyền thống, làm theo kinh nghiệm, chỉ biết đến lợi nhuận, sử dụng nhớt để tưới rau, rồi phun xịt thuốc không đúng cách, sử dụng thuốc không nhãn mác…, mà không quan tâm đến sản phẩm có an toàn hay không. Từ năm 2016, được sự động viên của cơ quan khuyến nông và chính quyền địa phương, bản thân cũng nhận thấy cách làm cũ nay đã bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay, nên tôi hưởng ứng tham gia sản xuất rau muống theo quy trình VietGAP. Tôi được hỗ trợ cho đi học kỹ thuật 4 lần, với những nội dung liên quan đến trồng rau muống nước, đặc biệt là cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón, ghi chép nhật ký đồng ruộng để tạo ra sản phẩm an toàn. Nhờ áp dụng những kiến thức đó vào sản xuất, tôi đã đạt giấy chứng nhận VietGAP”. 

Ông chia sẻ, rau muống là cây ngắn ngày, khi áp dụng theo VietGAP phải có ghi chép đồng ruộng vào sổ nhật ký, đánh dấu những khu vực phun thuốc bằng biển báo để cách ly đủ ngày. Là loại rau ăn lá nên ông thường cắt rau vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm để rau được tươi. Sau khi thu hoạch, rau muống được chuyển về địa điểm sơ chế, loại bỏ bớt lá già và xếp gọn trong các khay rồi vận chuyển đến nơi thu mua. Hiện mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch khoảng 1 tấn rau, một phần bán cho Hợp tác xã (HTX) Mai Hoa, một phần cho các thương lái ở chợ đầu mối Tân Xuân. “Đến nay, tôi sản xuất VietGAP đã được 2 năm, mỗi năm được khoảng 14 - 15 đợt rau, mỗi đợt thu được khoảng 1,6 - 1,7 tấn/1.000m², chi phí sản xuất cũng không nhiều nên lãi cao. Trung bình, gia đình tôi thu khoảng 4 triệu đồng/ngày”, ông Cộng cho biết thêm. 

Theo ông Cộng, cái được lớn nhất khi nông dân tham gia trồng rau muống theo quy trình VietGAP là sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, do làm đúng quy trình khuyến cáo, không phun xịt thuốc bừa bãi. Kế đó là sự an tâm, vì sản phẩm của mình an toàn khi đến tay người tiêu dùng, không lo ngay ngáy như trước đây. Về những khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm rau muống VietGAP chủ yếu ở chợ đầu mối, chỉ khoảng 20% sản lượng là HTX, công ty thu mua; giá bán rau muống VietGAP bằng, có khi thấp hơn, rau thông thường, nên nhiều nông dân chưa an tâm để tiếp tục sản xuất. 

Sau 16 năm bén duyên với nghề trồng rau muống nước, gia đình ông Cộng đã ổn định kinh tế, nhà cửa khang trang rộng 500m² ở Nhị Bình và vừa rồi mới mua thêm thêm căn nhà hơn 2 tỷ đồng ở Bình Dương. Không chỉ vậy, gia đình người con trai cả cũng theo nghề này với diện tích sản xuất hơn 1ha và cũng có của ăn của để. Ông nói: “Tôi rất vui, cuộc sống gia đình đổi đời đều nhờ vào nghề này”.

Tin cùng chuyên mục