Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.
Tháng tám về Phước Hậu, giữa cái nắng nóng mùa hè, chúng tôi vẫn thấy những dòng nước mát và màu xanh tươi tốt của lúa, nho, táo. Trên đường vào xã, chúng tôi gặp nhiều chuyến xe chở táo đưa đi các nơi. Đến thôn Trường Thọ, nhà đầu tiên ghé vào cũng gặp gia chủ đang thu hái táo. Chúng tôi được mời ăn ngay tại vườn. Những trái táo da bóng, ngọt ngon, thơm mát. Chủ vườn Nguyễn Văn Thuận cho biết, nhà có 2 sào táo, mỗi vụ được 6 tấn, bán 5.000 - 6.000 đồng/kg; trái nứt, trái rụng thì để dê ăn. Tính ra 1 sào táo bằng 5 sào lúa. Nhà anh Trần Đình Rin cũng mô hình táo - dê như vậy, 1 sào táo, 1 sào nho, 5 sào lúa và một chuồng dê, mỗi năm đem lại cho anh vài trăm triệu đồng. Chúng tôi vui với cơ ngơi nhà vườn của anh Bùi Quân. Mới ngoài 30 tuổi nhưng cung cách làm ăn của anh khá bài bản, anh cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi, làm giàu từ táo. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mà 3 sào táo nhà anh luôn đạt năng suất cao và chất lượng, trái táo to, đẹp, thu hái quanh năm.
Anh Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, giới thiệu: Hiện toàn xã có 950ha lúa, 35ha nho, 115ha táo; đàn dê trên 4.000 con, ngoài ra còn trâu bò, cừu, heo, gà, vịt. Mấy năm nay, cây táo, đàn dê phát triển mạnh. Mô hình gia trại trồng táo - nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo, đây là cách làm mới, sáng tạo của nông dân Phước Hậu và huyện Ninh Phước. Mới đầu, bà con tận dụng lá nho cắt bỏ cho dê, cừu ăn, thấy chúng lớn nhanh hơn so với ăn các loại cỏ lá khác; khi cây táo xuất hiện, bà con lại dùng lá táo, thấy cũng hiệu quả như lá nho; trái táo xấu, rụng, cũng được tận dụng làm thức ăn cho dê, cừu; phân dê cừu quay lại bón thúc cho cây táo, cây nho. Một mô hình trồng trọt - chăn nuôi khép kín rất hiệu quả.
Ninh Thuận có vùng đất pha cát, phù sa ven sông, nên rất phù hợp với cây táo. Trái táo ở vùng đất nắng gió này có vị ngọt thanh, giòn ngon hơn hẳn vùng khác. Táo Ninh Thuận được cho leo giàn, có thể bắt đầu từ việc chuyển cây nho sang cây táo, bà con tận dụng giàn cây. Thông thường khoảng 8 tháng táo cho trái. Cây táo dễ trồng, đầu tư ít, vừa với khả năng của bà con nông dân. Táo không những là cây thoát nghèo mà hiện đang là cây làm giàu ở Ninh Thuận. Cả tỉnh có khoảng 1.000ha táo, nhiều nhất ở huyện Ninh Phước, có trên 500ha. Ngoài ra, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm đều có táo. Với năng suất 35 - 40 tấn/ha, mỗi năm Ninh Thuận đưa ra thị trường 40.000 - 50.000 tấn táo; dưới giàn táo là đàn dê. Từ dê con mới sinh, sau 3 tháng có thể xuất chuồng khoảng 20 - 25kg/con, bán với giá 130.000 đồng/kg. Hiện dê, táo bán khá chạy nên nhiều nhà nông rất hào hứng đi theo hướng này.
Táo được đưa đi các tỉnh lân cận, Hà Nội, TPHCM, vào siêu thị và sang cả Trung Quốc. Đó là điều rất mừng, mừng hơn nữa là dự báo nhu cầu táo vẫn còn có thể tăng hơn, do ngày càng nhiều người biết đến táo tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, với xu hướng “phát triển không ngừng”, đã đến lúc địa phương phải tính đến việc xây dựng nhà máy chế biến, tạo ra nhiều loại sản phẩm từ trái táo, như táo ép, táo sấy, mứt táo, (cũng như đối với trái nho) để chủ động khâu tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
BÌNH NGUYÊN