Nhắc đến trái vú sữa bơ hồng, người dân đồng bằng ai cũng biết đến ông Nguyễn Thanh Nhã (Ba Long) ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Ông là người đầu tiên lai tạo ra loại vú sữa có mùi vị và màu sắc độc đáo này.
Vú sữa thơm mùi... bơ
Người dân xung quanh vùng Chợ Lách hay gọi ông Nhã tên thân mật: chú Ba Long. Ở tuổi gần 60, ông rất tự hào là người tạo ra loại vú sữa bơ hồng độc đáo. Sau vườn nhà ông, những cây vú sữa bơ hồng trên 20 năm tuổi đang cho trái xum xuê. Ông Nhã hồ hởi: “Cây có “tuổi thọ” cao nhất 23 năm, năm nào cũng cho khoảng 2 tấn trái. Đến tháng 10 âm lịch hàng năm, trái trĩu quả oằn cả nhánh”. Để có được thương hiệu “vú sữa bơ hồng”, ông Nhã trải qua hàng chục năm nghiên cứu, lai tạo. Ngày xưa, thấy trong vườn do cha ông để lại có cây vú sữa 40 năm tuổi bị đột biến, cho trái chín hồng rất lạ so với những cây khác, ông Nhã chiết 2 cành đem về trồng. Qua 3 năm, cây cho trái rất nhiều, vỏ mỏng, cơm dày. Năm 1981, ông đem giống vú sữa đang trồng cho lai với vú sữa tím, vú sữa dây. Kết quả thu được rất khả quan, vú sữa lai biểu hiện những đặc tính nổi trội: da sáng bóng, màu hồng tím, vị ngọt lịm, thơm mùi bơ sữa nên ông đặt tên là vú sữa bơ hồng.
Theo kinh nghiệm của ông Nhã, loại vú sữa này cho trái rất ổn định và lâu dài. Cây 5 năm tuổi có thể cho khoảng 350 kg/cây, cây 10 năm tuổi đạt từ 800 kg đến 1 tấn trái. Trung bình mỗi trái có trọng lượng khoảng 300 gram, nhưng nếu biết cách chăm sóc, trái có thể nặng đến 600 gram. Ông Nhã cho biết: “Đặc biệt, cây cho trái vào mùa nghịch, không cần xử lý. Mỗi năm tôi thu hoạch 2 lần vào tháng 10 và tháng Chạp âm lịch. Mỗi đợt cũng khoảng 10 tấn trái”. Năm 2006, ông Nhã đem chào hàng loại vú sữa này với các chủ sạp ở chợ Bến Thành (TPHCM). Họ ăn thử và khen rất ngon nên mua với giá 20.000 đồng/kg. Từ đó, mỗi năm tới mùa, thương lái khắp nơi đặt hàng tới tấp. “Nhưng cũng không đủ số lượng để cung cấp”, ông Nhã nói.
Hiện nay, vú sữa bơ hồng trên thị trường 12.000 - 15.000 đồng/kg, mùa nghịch có thể lên đến 30.000 đồng/kg. Mùa vú sữa năm rồi, ông Nhã phấn khởi khi bán được giá rất cao: 80.000 đồng/kg. Theo tính toán, nếu trừ hết chi phí, thu nhập từ loại trái cây này mang đến cho gia đình ông mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Địa chỉ xanh
Khi vú sữa bơ hồng tiêu thụ mạnh trên thị trường, ông Nhã nảy ra ý tưởng chiết cành bán. Ông chọn khoảng 600 cây vú sữa bơ hồng để chiết cành. Mỗi gốc ông bán với giá 20.000 đồng. Ông Nhã cho biết: “Vừa rồi, có thương lái ở Đồng Nai xuống đặt hàng 1.000 gốc và một nhà vườn ở Cần Thơ mua 500 gốc. Trong tương lai, vú sữa bơ hồng sẽ được trồng khắp nơi”.
Tiếng lành đồn xa, nên khi ông Nhã đem vú sữa bơ hồng tham dự các kỳ hội chợ tại Cần Thơ, TPHCM… đều đoạt giải thưởng. Vinh dự nhất khi vú sữa bơ hồng được Cục Trồng trọt cấp chứng nhận “Địa chỉ xanh” cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngày 10-9 vừa qua, loại vú sữa này mang về cho ông giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ III của Hội Nông dân Việt Nam. Từ giải thưởng này, một siêu thị tại TPHCM “ngỏ lời” đặt hàng thu mua. Ông nói: “Nếu tôi đồng ý, siêu thị sẽ đầu tư phân, thuốc, bao tiêu trái. Nhưng trồng số lượng ít, không đủ bán nên tôi từ chối”. Ông tâm sự: “Vì trồng ít nên tôi không dám ký hợp đồng với siêu thị. Nếu nơi đây thành vùng chuyên canh vú sữa bơ hồng, cung ứng với số lượng lớn mới bảo đảm người dân mình thu lợi nhuận cao”. Ông bày tỏ ý kiến với lãnh đạo địa phương, nếu tỉnh hỗ trợ 25% tiền mua cây giống, ông sẽ tài trợ thêm 25% chi phí. Nên, thay vì người dân mua 1 gốc vú sữa bơ hồng có giá 20.000 đồng thì chỉ trả 10.000 đồng. “Tuy nhiên, việc làm này khó thực hiện bởi huyện Chợ Lách là nơi trồng hoa kiểng lớn nhất nhì ĐBSCL. Vì vậy, không còn diện tích lớn để chuyên canh loại vú sữa này”, ông Nhã nói.
* Tiến sĩ Giản Đức Chứa, Trưởng bộ môn Cây ăn trái đặc sản (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - SOFRI), cho biết: Vú sữa bơ hồng có độ ngọt trung bình cao hơn vú sữa Lò Rèn. Độ brix (độ ngọt) của giống vú sữa này đạt 17,78%, trong khi vú sữa Lò Rèn chỉ có 15,2%. Trái vú sữa màu hồng nên hấp dẫn người tiêu dùng. Đây là giống triển vọng, cần được quan tâm, phát triển. Nguồn: SOFRI |
Lê Chinh