Thành đoàn TPHCM đang có nhiều hoạt động với chủ đề “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị” nhân năm 2014 - Năm Thanh niên tình nguyện và Tháng Thanh niên (tháng 3-2014). Dịp này, không ít người băn khoăn: Liệu sau “thời vụ” một tháng, mọi việc sẽ lại đâu vào đấy? Các cơ sở Đoàn đo lường hiệu quả lâu dài của các hoạt động này như thế nào. Giải đáp phần nào vấn đề này, Báo SGGP xin trích đăng ý kiến của anh Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Quận đoàn 8.
Mỗi năm, Đoàn có rất nhiều ngày hội, thu hút lực lượng thanh niên tham gia rất đông. Nhưng điều chúng tôi suy nghĩ ở đây là tính chủ động của những người tham gia. Từ đó, chúng tôi đặt ra vấn đề: tình nguyện một cách chủ động. Đây là suy nghĩ rất mới. Ở đó, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên đến rất chủ động và Đoàn tạo môi trường để họ đến tham gia một cách chủ động.
Đây không phải là buổi tập hợp lực lượng, buổi điểm danh lấy con số 500, 1.000 người mà là quy tụ các bạn tham gia. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề số lượng. Chúng tôi vừa làm hành trình trải nghiệm cho 25 bạn trẻ còn khiếm khuyết một số mặt, cần ưu tiên quan tâm giáo dục. Các bạn trẻ này có một ngày làm nghề muối với diêm dân Lý Nhơn (Cần Giờ). Cùng làm, cùng sống với diêm dân, cùng cảnh đầu nắng chang chang, dưới chân, nước nóng bỏng rộp, các bạn trẻ chưa ngoan mới cảm nhận được rằng để có hạt muối mình ăn hàng ngày, người làm ra hạt muối lao động rất cực.
Tương tự, Quận đoàn làm 6 hành trình trải nghiệm cuộc sống với quy mô mỗi lần 20 - 30 bạn, tới thăm nạn nhân bị tai nạn giao thông, đi quét rác đêm cùng lao công ở chợ, đi phụ hồ... Không to tát, không ồn ào, nhưng đó là những trải nghiệm thực sự mà thanh niên chưa ngoan được cười, được khóc, được đau cùng nỗi đau, nỗi vất vả, niềm hạnh phúc của người dân.
Chúng tôi cũng rất trăn trở. Trong các hoạt động tình nguyện, công sức anh em bỏ ra nhiều. Nhưng cái để lại hiệu quả lâu dài thì còn ít. Và quận 8 đã chuyển đổi cách làm: các công trình, phần việc phải gắn chặt với cuộc sống, với lợi ích của người dân. Đoàn phải phát huy tuổi trẻ, vai trò của thanh niên vào cuộc sống người dân thì mới tạo dấu ấn lớn hơn, có hiệu quả hơn.
Không chỉ trong Tháng Thanh niên, Đoàn thanh niên quận 8 luôn suy nghĩ và đặt câu hỏi: Tuổi trẻ quận 8 tham gia được vấn đề gì và giải quyết được vấn đề gì của địa phương? Với suy nghĩ ấy, trong Tháng Thanh niên, Quận đoàn đang nghiên cứu, thí điểm nhiều mô hình mới như “Tiếng chuông chống bạo hành”, Đoàn cùng với chính quyền địa phương tham gia giải quyết, hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, bắt trẻ em lao động nặng nhọc.
Trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vấn đề là làm sao phải chuyển hóa được các tuyến kênh rạch và điểm đen ở khu dân cư. Vừa rồi, các phường liệt kê 19 điểm yêu cầu công nhận là xanh - sạch - đẹp. Sau khi kiểm tra, chúng tôi chỉ công nhận có 9 điểm. Vấn đề ở đây, không chạy theo thành tích, số lượng. Quan trọng phải là thực chất, là kết quả.
Để có và duy trì được kết quả, chúng tôi đã lấy ý kiến người dân, vận động người dân tham gia giữ gìn môi trường. Cùng chung hưởng thành quả, tự người dân cũng rất vui, thấy tự hào về kết quả ấy. Đơn cử, Quận đoàn 8 phối hợp với các đơn vị liên quan vừa làm lại hệ thống điện chiếu sáng ở 2 hẻm 56 Âu Dương Lân và 124 Phạm Thế Hiển (đều thuộc phường 2, quận 8).
Làm thì có năm bảy cách làm, có khi cứ mắc bóng đèn lên, treo lủng lẳng cũng xong. Nhưng ở công trình này, chúng tôi phối hợp với các đơn vị có chuyên môn, thu hút được các bạn trẻ có tâm huyết, có kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật trực tiếp khảo sát, thiết kế, có bản vẽ đàng hoàng. Bóng đèn là đèn cao áp, được thiết kế, lắp đặt theo chuẩn hệ thống chiếu sáng của TP và làm trong 1 ngày là xong. Người dân rất bất ngờ bởi cách làm chuyên nghiệp này. Họ sẵn sàng đóng góp 500.000 đồng/hộ, còn mang cả nước uống ra mời các bạn trẻ giải khát.
Thật sự, bữa đó đã trở thành buổi sinh hoạt cộng đồng, ai nấy đều phấn khởi. Chúng tôi đang ghi nhận đánh giá của người dân. Nếu người dân hài lòng, chúng tôi sẽ nhân rộng ra trong phường, trong quận.
Nhằm dọn rác ở kênh Tàu Hủ chạy dọc quận 8, chúng tôi không đơn thuần chỉ đem quân đến dọn dẹp 1 ngày, nhưng sau đó đâu lại hoàn đấy. Tránh làm một cách sự vụ, chúng tôi đang lập kế hoạch, kế hoạch đó phải trả lời được câu hỏi: Người dân ở đó cần gì, tuyến kênh đó cần gì để xanh sạch đẹp. Chúng tôi đã “viết chương trình”, đã làm việc với từng phường để lên thiết kế từng hạng mục, kêu gọi mọi người, mọi đơn vị tham gia. Khi có đề án, có kế hoạch cụ thể, sát sườn như thế, thanh niên đi vận động, đi thuyết phục mọi người, các ban ngành tham gia cũng thuận lợi hơn.
Nếu làm theo sự vụ thì thời gian, công sức thanh niên bỏ ra nhiều, nhưng điều đọng lại chỉ là vài ngày. Đã đến lúc, Đoàn không chỉ là phong trào mà cần khoa học, bài bản, lâu dài. Tôi nghĩ đơn giản rằng, khi thanh niên làm cái gì cho xã hội và mang lại một kết quả cụ thể thì đó chính là cách làm khoa học. Còn làm theo hình thức, treo băng rôn lên là xong, làm ầm ào cũng xong. Nếu làm vì dân, mang lại hiệu quả cho người dân thì tự nhiên đó là khoa học và người dân sẽ nhớ đến Đoàn, thanh niên sẽ tìm đến Đoàn.
| |
MẠNH HÒA - ANH TUẤN (ghi)