Làm không xong, giao người khác làm

Kiểm tra tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng:

* TPHCM đề xuất giữ lại 8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

(SGGP).- Theo dự thảo phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc TPHCM giai đoạn 2016 - 2018, thành phố đề xuất giữ lại 8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước - đại diện UBND TP đã cho biết như vậy tại cuộc họp do đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì ngày 18-3 để nghe UBND TP và các đơn vị có liên quan báo cáo về tiến độ cổ phần hóa trên địa bàn TPHCM.

Theo UBND TPHCM, đó là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực nòng cốt cần tiếp tục đầu tư để thực hiện các chương trình đột phá, dự án trọng điểm tạo động lực phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế thành phố; doanh nghiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ công ích thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; doanh nghiệp có tính chất đặc thù.

Cụ thể là: Công ty TNHH MTV Phát triển CN Tân Thuận, Công ty TNHH MTV Phát triển Khu Công nghệ cao, Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác nước ngầm Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn), Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài, Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn và Công ty Dịch vụ Công ích TNXP.

Theo UBND TPHCM, tính đến thời điểm tháng 12-2015, thành phố còn 60 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, gồm 15 tổng công ty/công ty mẹ với 15 công ty con trực thuộc, 30 công ty độc lập khác (trong đó có 22 công ty công ích trên địa bàn quận huyện) với tổng vốn chủ sở hữu trên 52.400 tỷ đồng, nắm giữ tiềm năng, thế mạnh về mặt bằng đất đai, có nhiều địa chỉ ở các vị trí trung tâm đô thị, có giá trị cao, thuận lợi cho đầu tư phát triển.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, dự án trọng điểm có tính đòn bẩy, tạo thế đột phá tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, thúc đẩy mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố. Ngoài các doanh nghiệp nói trên và một số trường hợp đặc thù khác, thành phố còn 45 doanh nghiệp cổ phần hóa. Do đó, tiến độ được UBND TP đề xuất là giai đoạn từ 2016 - 2017 thực hiện 22 doanh nghiệp, giai đoạn 2017 - 2018 hoàn thành 23 doanh nghiệp còn lại.

Nhiều ý kiến của các đơn vị có liên quan tại cuộc họp đều có điểm chung là cổ phần hóa vẫn còn “vướng mắc” ở một số khâu, trong đó khâu khó nhất vẫn là định giá doanh nghiệp, đất đai.

Lắng nghe và phân tích các khó khăn, vướng mắc với các đơn vị có liên quan, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu UBND TP hoàn thiện lại báo cáo; chỉ đạo các sở ngành liên quan đến công tác cổ phần hóa; kiểm tra chặt quy trình nhằm rút ngắn thời gian cổ phần hóa, giảm bớt thời gian công sức cho doanh nghiệp và đảm bảo tiến độ theo chủ trương của Chính phủ. Để quá trình cổ phần hóa đạt mục tiêu đề ra, các đơn vị phải cương quyết hơn nữa trong chỉ đạo, đặc biệt là phải xử lý nghiêm những người đứng đầu các đơn vị không muốn hoặc chây ỳ trong cổ phần hóa. “Còn nơi nào làm không được, thấy làm không xong thì giao người khác làm!”- đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Đồng chí Đinh La Thăng cho rằng, trong bối cảnh nước ta vừa ký các hiệp định thương mại tự do, các công ty cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu để thích ứng và phát triển. Không có cách nào khác, phải tập trung ngay vào thực hiện cổ phần hóa. Đây là con đường ngắn nhất để đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản lý và công khai minh bạch trong sản xuất. Phải thay đổi một cách sâu sắc và triệt để, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì hoạt động sẽ công khai minh bạch hơn, trôi chảy hơn.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục