3 nghi phạm ở Hướng Hóa, Quảng Trị và Lào bị bắt trong vụ trọng án giết 5 người đi tìm trầm quê ở Quảng Bình, đã khai nhận hành vi thủ ác. Chúng còn khai nhận là hung thủ của nhiều vụ trấn cướp khác. Chúng tôi đã về các vùng quê Quảng Bình, nơi có nhiều thợ tìm trầm và nhiều người đi rừng đã xác nhận từng bị chúng cướp, đánh đập giữa rừng sâu.
Luật rừng
Lần theo lời kể của những người đi tìm trầm ở Quảng Bình, hiện có 2 băng trấn lột hoạt động từ miền Tây Lệ Thủy vào đến Quảng Trị. 2 băng này thuộc quyền cai quản của một trùm phía Lào, được trang bị cả súng. Mỗi người đi trầm vào địa bàn chúng tự nhận lãnh địa của mình, phải làm luật từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Khi có trầm càng phải chung chi nhiều hơn để “mua đường” an toàn về quê.
Chúng tôi tìm về quê của 5 người đi trầm vừa bị giết dã man ở xã Quảng Minh, Quảng Sơn. Họ đều là trụ cột của các gia đình bên sông Gianh khốn khó. Làng Minh Tiến có hơn 500 người lấy nghề đi trầm làm nghiệp mưu sinh. Người đi trầm ở đây không có vốn lớn để xuất ngoại đi tìm trầm ở Malaysia, Thái Lan hay Indonesia mà chỉ đi trầm trong khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và một số địa phương giáp ranh ở phía Lào như Khăm Muộn, Savanakhet.
Đường đi của giới tìm trầm Quảng Minh, Quảng Sơn là bám theo đường 10, lên làng Ho tìm trầm ở Chút Mút, Dốc Khỉ (Lệ Thủy), qua Cù Bai (Quảng Trị), vòng lên cụm bản Ca Pai (Sê Pôn, Savanakhet). Mỗi ngày di chuyển từ 20-30km. Người đi trầm Nguyễn H.T. (34 tuổi) kể: “Để vào những vùng đó phải đi lén lút vì sợ gặp biên phòng, chủ các lâm trường, họ không cho khai thác hay tìm kiếm trầm, đó là nghề bất hợp pháp. Giữa rừng sâu này có 3 băng nhóm người tại chỗ và người Lào lập lãnh địa làm luật. Băng Cu C. phụ trách khu vực miền Tây Lệ Thủy, băng T. “cụt”, phụ trách vùng Hướng Lập (Quảng Trị), cả 2 băng này dưới trướng một kẻ ở Lào tên “Đợt”, hoặc Dờ Poi, nghe đâu Đợt ở vùng Sê Pôn còn bản nào thì không rõ”.
Nhóm tìm trầm của H.T. đi mỗi lần chừng 10 người, và lần bị cướp gần đây nhất là trước Tết Quý Tỵ. Trần M.L. trong nhóm của T. kể: “Trước tết, chúng em đi cũng khá, mỗi người tính sơ cũng được vài ba chục triệu đồng sau khi trừ chi phí, tìm thấy trầm là ra hiệu bán ngay trong rừng, các chủ trầm có đường dây thu gom ngay ở rừng nên bán lẹ. Nhưng bán xong chưa đầy 2 giờ ở vùng rừng Hướng Hóa, Quảng Trị thì nhóm T. “cụt” xuất hiện với súng và mã tấu, chúng đi 3 đứa, chĩa súng chực bắn. Bọn em thúc thủ và bị trói từng người thành xâu, chúng lấy hết lương thực, tiền bạc chưa kịp chia nhau rồi đi”. Khi chúng tôi đưa 2 tấm hình của Hồ Văn Công (38 tuổi), Hồ Văn Thanh (39 tuổi) là 2 nghi can vừa bị bắt, L. nhận ra chúng là hung thủ đã trấn cướp bóc nhóm mình.
T. kể: “Nhóm em đi trầm 10 năm nay thì bị cướp 5 lần, có khi bị cướp trầm, có khi bị chúng vào lán xin cơm nước, nấu cho chúng ăn xong, chúng lại trở ngược, dùng súng dí vào ót, bắt cột lại với nhau rồi lục tìm tiền bạc để lấy”. Một điều tra viên Công an Quảng Trị, nói: “Hai đối tượng vừa bị bắt tại Hướng Hóa bước đầu nói chúng bắt cóc rất nhiều người đi rừng trói lại và đưa giá tiền chuộc. Khi nhận tiền, chúng mới thả. Trước khi thả, chúng cũng đánh đập”. Khai trước cơ quan chức năng, Công và Thành nói: “Nhiều lần bắt người nhưng được trả tiền chuộc nên thả ra, và bắt người có tiền nên làm nhiều lần, lần này vì sợ bị lộ nên giết người”.
Không chỉ giới đi trầm mà người đi tìm dầu de ở huyện Lệ Thủy cũng nói từng bị 2 đối tượng này bắt cóc đánh đập cách đây 5 năm. Anh C. ở xã Mai Thủy kể: “Cuối năm 1999, tôi cùng 4 anh em đi tìm vàng, ở vùng Tà Păng, 2 tên đó với tên Dờ Poi bắt trói 5 anh em lại trên một cái cồn giữa suối, chúng lấy hết tiền rồi đánh đập, bỏ mặc mọi người trên cồn, trời mưa to, lũ cuốn về, may anh em tự tháo được dây trói, không thì chết. Giờ nhìn thấy ảnh bọn chúng trong máy vi tính, tuy không gặp lại chúng lâu rồi nhưng tên có cái mắt hơi lé này thì nhớ dai vì hắn từng chém tui một nhát sau vai”.
Trong lãnh địa rừng xanh
Trong lãnh địa rừng xanh, người đi trầm không những bị cướp mà còn phải làm luật mua đường mới được phép tìm trầm trong lãnh địa của những kẻ tự đưa ra luật rừng. Trần H. ở làng Chay, xã Quảng Sơn, kể: “Tôi đi trầm đã ngót nghét 25 năm, khi được thì có tiền, khi không được thì bạc phận, nợ nần chồng chất. Ngày xưa đi trầm còn có dư dả vì trúng được nhiều, ngày nay đi trầm chỉ mong đủ ăn, rồi có thêm chút đỉnh lo toan nhà cửa thôi chứ không mơ được giàu sang. Bởi vì vùng có trầm thường có các băng nhóm xin đểu và làm luật”. Nguyễn Ng.T. ở làng Chay nói: “Giữa rừng tưởng chỉ sợ nước độc, đá đè nhưng sợ hơn nữa là các băng nhóm xin đểu và ăn cướp. Gặp cướp thì bị đánh còn xin đểu mới tai ác”. Địa bàn bị làm luật ở Quảng Trạch là vùng Eo Bù, Dốc Khỉ (Lệ Thủy) vô đến vùng núi Hướng Lập (Quảng Trị), qua Tà Păng, Ca Pai (Lào). Anh Đỗ V.M. nói: “Cướp thì ít băng nhóm nhưng làm luật thấy rất nhiều và đừng tưởng rừng rộng lớn như thế không có ai cai quản. Có lãnh địa chia phần cả, chúng thoắt ẩn thoắt hiện và đường vào khu vực rừng có trầm chúng thường có mặt mỗi ngày để làm luật “tươi”, mỗi người đi tìm trầm phải nộp 500.000 đồng với toán đi đông, toán đi ít chừng 3 - 4 người thì nộp chung 1 triệu đồng. Nếu không đưa tiền, lán trại ở rừng sẽ bị phá tanh bành, đôi khi đang ngủ trong đêm, chúng đốt cháy cả lán, cháy hết hành lý, lại phải mò ra khỏi rừng về nhà vay mượn đi tiếp”.
Nguyễn Ng.T. kể: “Chúng không chỉ làm luật tại bìa rừng mà còn lang thang theo dấu các nhóm tìm trầm trong rừng, nếu thấy ai lạ mặt sẽ đến làm luật. Chúng cũng rất tinh ranh, đội nào kiếm được trầm là đàn em xuất hiện liền để xin đểu, xin không nhiều nhưng phải có, nếu không có, chắc chắn đường về sẽ bị mắc bẫy chúng cài sẵn”. Đỗ V.M. còn kể tiếp: “Năm rồi có 3 anh ở vùng dưới sông Gianh trúng trầm chừng 5 tỷ đồng, để xin đường về, cả 3 anh này đã phải chi cả nửa tỷ đồng cho đám lãnh địa luật rừng và thuê chúng áp tải người ra khỏi rừng mới mong bảo toàn tính mạng và số tiền mới bán được trầm”.
Theo M., nhiều khi được trầm, các nhóm xin đểu không biết, nhưng khi bán cho các “huyện” trầm hoặc “vua” trầm xong thì bị các “huyện”, “vua” này tung tin cho đám xin đểu các bản biết, lập tức chúng tụ họp đàn em lại và bủa vây tìm nhóm này, nhóm kia để làm luật. Các băng cướp thường sử dụng dao và súng nên nói thật, ai cũng lo mạng sống, còn sống thì còn ngày đi tìm trầm, nên cũng đành ngậm đắng nuốt cay mà nhìn chúng làm mưa làm gió”.
Trước những thông tin trên từ những người đi tìm trầm, chúng tôi trao đổi với Đồn trưởng Đồn Biên phòng 601 làng Ho (Lệ Thủy, Quảng Bình), Thiếu tá Nguyễn Minh Hợp cho biết đây là thông tin đáng chú ý để soát xét lại địa bàn và sẽ chuyển những thông tin này đến với Đồn Biên phòng Cù Bai (Quảng Trị). Đồn Biên phòng Cù Bai cho biết, không loại trừ một số đối tượng cộm cán trong vùng đi trấn cướp trong vùng, các trinh sát và các đội nghiệp vụ đang sàng lọc để loại bỏ các đối tượng này nhằm tạo sự bình yên vùng biên giới.
MINH PHONG
- Thông tin liên quan:
>> Xuất hiện nghi phạm thứ 4 trong vụ giết hại 5 người đi trầm
>>Mở rộng điều tra một số đối tượng trong vụ 5 người đi tìm trầm bị giết