Làm nghệ thuật không thể đi tắt đón đầu

Làm nghệ thuật không thể đi tắt đón đầu

Lần đầu tiên các cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tổ chức phát động một cuộc thi và triển lãm các tác phẩm điêu khắc biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng, với mong muốn đưa nghệ thuật xích lại gần hơn với công chúng. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ trẻ với 578 tác phẩm gửi về dự thi. Song tiếc thay, đến thời điểm này, mặc dù đã xác định được các tác phẩm xuất sắc và giải thưởng cũng đã được trao nhưng chưa tác phẩm nào có may mắn tìm được “bến đậu”. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL (ảnh), về vấn đề này.

- PHÓNG VIÊN: Rất nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi được đánh giá là gây ấn tượng song nhiều khả năng khi triển lãm xong, các tác phẩm lại trở về với tác giả và cất vào kho. Phải chăng là tính ứng dụng của các tác phẩm chưa tốt?

- Ông VƯƠNG DUY BIÊN: Điểm yếu của các tác phẩm tham dự cuộc thi này là chúng không được sáng tác trong một bối cảnh thực mà hoàn toàn dựa trên khung cảnh tưởng tượng. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm có tính khả thi cao, chất liệu không quá tốn kém, không gian không đòi hỏi quá rộng… và tôi tin các tác phẩm sẽ có nhiều khả năng được ứng dụng trong nay mai. Song tiếc thay, chưa có tác phẩm nào lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư. Đây cũng là khó khăn chung của giới điêu khắc trong nước, chứ không phải chỉ riêng cuộc thi này. Chúng tôi đang nỗ lực tạo nên sự thay đổi về nhận thức trong cộng đồng về mỹ thuật công cộng, với mong muốn tạo thêm nhiều không gian văn hóa trong đời sống.

- Hiện nay, sinh viên mỹ thuật ra trường ngày một đông song tài năng lại không tỷ lệ thuận với số lượng. Ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?

- Nghệ thuật là như vậy, không phải lúc nào cứ đông, nhiều là có những nghệ sĩ giỏi, những tác phẩm tốt. Làm nghệ thuật bên cạnh sự siêng năng, chăm chỉ, tâm huyết thì yếu tố tài năng thiên bẩm là rất quan trọng.

- Một số ý kiến cho rằng sở dĩ có nhiều người tốt nghiệp các trường đào tạo mỹ thuật nhưng rất ít trở thành nghệ sĩ thực thụ, thậm chí có người còn không có khả năng vẽ, là do sự lạm dụng công nghệ?

- Nghệ thuật phải là cảm xúc. Quá lệ thuộc vào máy móc thì sẽ không còn cảm xúc nữa. Người nghệ sĩ quá câu nệ vào máy móc, cảm xúc sẽ giảm đi nhiều. Tôi ví dụ như nghệ sĩ điêu khắc chẳng hạn, khi anh cầm đất trực tiếp ấn tạo hình tác phẩm,  mới có tình cảm của tác giả truyền vào tác phẩm và đó cũng là cách nghệ sĩ cảm nhận về đứa con tinh thần của mình. Hiệu ứng 3D đúng là có giúp nghệ sĩ nhiều trong việc sáng tác, nhưng lạm dụng quá như chỉ cần dựng bằng 3D rồi dựng khuôn sẵn, rồi chỉ cần đắp các chất liệu vào đó thì còn gì là nghệ thuật nữa. Đã đến lúc cần phải cảnh tỉnh điều đó.

- Việc lạm dụng công nghệ này phải chăng là do công tác đào tạo có “dễ dãi” hơn trước?

- Có lẽ cần chấn chỉnh việc đào tạo nghệ thuật. Trước đây, học từ sơ cấp, lên trung cấp, đại học, có nền tảng chắc, giờ đi tắt đón đầu nhiều quá! Thế giới hiện đại giúp các bạn trẻ có điều kiện để cập nhật, tiếp cận thông tin về lĩnh vực mình quan tâm một cách rộng rãi với tốc độ nhanh nhất. Song cái gì cũng có mặt trái của nó. Chính việc tiếp cận thông tin quá nhiều trên nền tảng không được xây đắp có bài bản khiến nhiều bạn trở thành người vay mượn nghệ thuật, vay mượn ý tưởng một cách thụ động. Chỉ khi người làm nghệ thuật có nền tảng chắc thì họ sẽ không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tư duy, ý tưởng sáng tác của người khác mà có cách cảm nhận, thể hiện mang màu sắc của riêng mình.

- Trong thời gian gần đây, trên thị trường mỹ thuật xuất hiện nhiều trường hợp tranh giả, tranh nhái. Theo ông, đây có phải là hệ lụy của việc “giám tuyển” kém?

- Tôi không cho là như vậy ! Các triển lãm được cho là có tác phẩm đạo ý tưởng, hay tranh nhái, tranh chép… không hẳn do giám tuyển kém mà do họ thiếu thông tin, việc cập nhật thông tin của người làm giám tuyển chưa tốt chứ không phải họ kém về nghiệp vụ. Đây là điều chúng ta phải cập nhật, điều chỉnh. Cái dở của chúng ta là thông tin tình hình sáng tác trên thế giới không được cập nhật nên nhiều khi có thể tác phẩm trông hay nhưng nó lại ở chỗ nào đó rồi mà ta không nắm bắt hết được. Điều này không nên quy cho là giám tuyển kém.

Nhiều cuộc triển lãm, trưng bày chúng tôi mời các bậc lão thành, những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề tham gia giám tuyển. Các bác giỏi nghề nhưng lại không nhiều thông tin về tác phẩm mới nên đôi lúc xảy ra trường hợp “tai nạn” nghề nghiệp.

- Theo ông, có nên xây dựng trung tâm kiểm định tác phẩm nghệ thuật để tránh trường hợp tranh nhái, tranh chép, tìm lại sự minh bạch, rõ ràng cho thị trường tranh trong nước?

- Đây là câu chuyện dài. Nếu thành lập thì ai sẽ là người tham gia trung tâm đó để có thể vững vàng ở vị trí cầm cân nảy mực? Việc này khó. Không có máy móc nào chứng minh được, mà ngay cả ở phương Tây, việc tranh cãi thật giả cũng khó lòng phân định thật giả. Việc xác định, tranh cãi thật giả là muôn thuở.

- Xin cảm ơn ông!

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục