
Mấy năm gần đây, không ít nông dân vụt khá giả nhờ nuôi tôm sú. Song, cũng không ít bà con trắng tay vì nuôi tôm sú. Hóa ra, nuôi tôm không thể làm chơi ăn thiệt, thậm chí không thể cứ chạy theo phong trào. Nhiều bà con lao đao, thất bát vì cứ tưởng chỉ cần cắm chà trong ao thì sau vài tháng sẽ kiếm được vài mớ tôm, vừa để nhậu lai rai vừa bán kiếm thêm tiền sắm sửa Tết.

Minh họa. Ảnh: T.L
Các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân muốn nuôi tôm theo kiểu chắc ăn, dứt khoát phải thay đổi cung cách cũ. Một trong những yếu tố quyết định mang tính đổi mới tư duy là xem ao tôm như căn nhà đang ở của mình hay nói nôm na “ao sạch thì mát, nước sạch tôm ngon”. Tại hội thảo khoa học mới đây tại TP Hồ Chí Minh, giáo sư Claude Elson Boyd, chuyên nghiên cứu vấn đề này từ Trường Đại học Tổng hợp Aubum (Mỹ), cũng khuyên bà con hãy bắt đầu từ việc… làm “nhà” cho tôm sú.
Làm “nhà” nuôi tôm sú phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu gắt gao về kỹ thuật như phải xử lý sạch triệt để môi trường nước, phải biết cách nạo vét hết chất bẩn hoặc rải hóa chất phân hủy chất bẩn ngay trong ao. Theo đề xuất của vị giáo sư trên, ngay cả đáy ao cũng cần được xử lý qua nhiều bước như phơi khô – cày nền – cày lật – phơi khô trước khi kéo nước vào, nếu đáy ao xì phèn phải sớm xử lý bằng cách bón vôi, rồi phải tính đến nguồn nước đưa vào và cả nguồn nước thải ra. Bà con nông dân lâu nay vốn quen với cách móc đất đáy ao chứ có bao giờ nghe nói phải cần… cày cả đáy ao đâu. Chỉ chuyện nhỏ đó cũng đáng để bà con ngẫm nghĩ thêm.
Việc làm “nhà” cho tôm sú cũng có tiêu chuẩn riêng của nó. Có hai nhà khoa học ở hai nơi xa lắc có cùng khuyến cáo đối với bà con nông dân mình, tiến sĩ Dương Đỗ Đồng, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và giáo sư – tiến sĩ Chalor Limsuvan thuộc Đại học Kasetsart ở Thái Lan, rằng con tôm sú không thể sống khỏe trong môi trường chật chội.
Trước đây, bà con không biết nên nuôi dồn ép theo kiểu cá mòi 40-50 con, thậm chí 70 con trong một mét vuông ao tôm nên tôm ngộp chịu không nổi, “đứt bóng” hàng loạt. Do đó, phải tăng thêm diện tích ở cho tôm… thư giãn, cỡ chừng 20-30 con/m2 ao tôm là vừa, riêng ở Thái Lan thì bà con thường chỉ thả nuôi với mật độ 25 con/m2 mà thôi. Ngoài ra con tôm rất nhạy cảm nắng mưa, thường phải bảo đảm tối thiểu 1,3m độ sâu nước trong ao để tôm có chỗ lặn tránh nóng khi trời nắng gắt.
Không phải tự dưng các nhà khoa học khuyến cáo bà con ta cần chăm chút làm… “nhà” cho tôm. Và, tất nhiên, khi bà con chuyển thế làm ăn bài bản, sửa soạn tốt “nhà” cho tôm cũng chính là chuẩn bị căn cơ dựng nhà cho chính mình và mở rộng cơ ngơi cho gia đình mình.
MAI BÌNH CHI