
Tuần qua là một tuần tồi tệ đối với Phố Wall. Giữa tuần, các nhà đầu tư thất vọng khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ chỉ hạ 0,25% lãi suất cơ bản. Cuối tuần, Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tăng vượt dự đoán…

TTCK Hoa Kỳ thêm một phen chao đảo trong phiên giao dịch cuối tuần khi lạm phát tăng ngoài dự đoán. Chỉ số Dow Jones mất 178,11 điểm (1,32%) xuống 13.339,85 điểm; S&P 500 rớt 1,37% còn 1.467,95 điểm; Nasdaq ở mức 2.635,74 điểm, sụt 1,32%.
Báo cáo của Bộ Lao động cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng đến 0,8%, vượt mức 0,6% dự báo trước đó và đẩy tỷ lệ lạm phát lên 4,3%. Dẫn đầu cơn sốt giá là mặt hàng quần áo, vé máy bay và dược phẩm.
Vừa qua, những nhà hoạch định chính sách đã hạ tỷ lệ lãi suất, thông báo kế hoạch sát cánh cùng các ngân hàng trung ương chủ chốt khác và bơm tiền vào những nhà cho vay đang gặp khó khăn trên thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của những động thái này là nguy cơ lạm phát. Điều này đặt ra câu hỏi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ dùng biện pháp gì để chống đỡ cho nền kinh tế. Giới đầu tư cũng lo ngại lạm phát tăng sẽ làm FED chùn tay không tiếp tục cắt giảm lãi suất để giải quyết cuộc khủng hoảng tín dụng và địa ốc.
Robert Dye, nhà kinh tế học ở tập đoàn dịch vụ tài chính PNC, nhận xét những thông tin kinh tế tuần qua xung đột lẫn nhau: doanh thu bán lẻ khả quan nhưng lạm phát tăng, FED hạ lãi suất nhưng kèm theo tuyên bố nền kinh tế Hoa Kỳ giẫm chân tại chỗ khiến các nhà đầu tư bị rối, chẳng biết đường đâu mà lần. Thị trường đang trong tình trạng bất ổn và rất nhạy cảm. Tuần qua cũng là tuần tệ nhất đối với Phố Wall trong vòng 1 tháng gần đây, các chỉ số chính Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq mất giá từ 2,1 đến 2,6%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) trượt 0,14%. Trong lúc đó, chứng khoán châu Âu khá khả quan khi các chỉ số chính như FTSE 100 (Anh), CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) đều nhích lên 0,52%, 0,26% và 0,25%.
Chương Phượng