Làm quen với sách

Cuối năm tôi ghé nhà sách Kim Đồng trên đường Hồ Văn Huê mua sách. Đứng giữa các dãy kệ xinh xắn, rực rỡ, ngắm từng cái bìa, lật vào bên trong xem tranh minh họa, nâng lên đặt xuống từng cuốn, tự dưng tôi bắt gặp cảm giác thích thú bồi hồi của lần đầu tiên trong đời đặt chân vào hiệu sách.
Làm quen với sách

Cuối năm tôi ghé nhà sách Kim Đồng trên đường Hồ Văn Huê mua sách. Đứng giữa các dãy kệ xinh xắn, rực rỡ, ngắm từng cái bìa, lật vào bên trong xem tranh minh họa, nâng lên đặt xuống từng cuốn, tự dưng tôi bắt gặp cảm giác thích thú bồi hồi của lần đầu tiên trong đời đặt chân vào hiệu sách.

1. Lúc tôi còn bé, thôn quê miền Trung tivi chưa có, radio cũng rất hiếm, trẻ con ngoài nghịch đất, câu cá, bắn chim, chỉ có sách là bạn.

Học lớp ba, lớp bốn, tôi “luyện” gần hết các bộ truyện Tàu của Tín Đức Thư Xã trong rương sách của ông thợ hớt tóc trong làng. Dường như cả làng cũng chỉ mỗi nhà ông có sách. Thấy tôi còn bé mà ham đọc, ông tỏ ra rộng rãi. Nhưng ông không cho tôi mượn sách đem về, sợ mất. Ngoài lúc đến trường và hai bữa cơm nhà, thời gian còn lại tôi đều ngồi lì ở nhà ông, hôm nào cũng chúi mũi vào những trang sách đến tối mịt.

Truyện Tàu của nhà Tín Đức Thư Xã chữ nhỏ li ti, nét rất mảnh, giấy lại vàng khè, thế mà trong một mùa hè tôi đã “ngốn” sạch Phong thần diễn nghĩa, Phi Long diễn nghĩa, Tiết Nhơn Quý chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Chung Vô Diệm, Tây du, Vạn Huê Lầu... Lên lớp năm, tôi đọc Hán Sở tranh hùng, Tam quốc chí, Đông Châu liệt quốc, Lửa cháy thành Tây Đô, Kỳ nữ gò Ôn Khâu, Người đao phủ thành Đại La, các truyện thơ Nôm có tác giả và khuyết danh, những cuốn sách mỏng teng trong tủ Sách Hồng và truyện tranh Phong thần, Tề Thiên Đại Thánh, Tế Điên hòa thượng...

2. Khoảng những năm lớp sáu, lớp bảy (hồi đó gọi là đệ thất, đệ lục), tôi mê mẩn với Không gia đình (Hector Malot), Những kẻ khốn nạn (Victor Hugo), Tâm hồn cao thượng (Edmond de Amicis), Con nai tơ (M.K Rawlings), Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng), Thằng Còm (Lê Văn Trương), Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài). Lúc này tôi đã lên trung học, đã ra trường huyện nhưng huyện lỵ quê tôi cũng không có nhà sách nào. Tôi và những đứa bạn cùng lớp đọc bất cứ thứ gì lọt vào tay mình, sau đó đem đổi cho nhau... Không có sách để đổi thì phải tới nhà bạn ngồi đọc, không được mượn về, như vậy cũng rưng rưng thích thú lắm rồi.

Năm lớp chín, tôi được ba tôi chở đi Tam Kỳ, dắt vô hiệu sách. Cho đến lúc đó tôi mới biết, đúng ra là mới tận mắt chứng kiến trên đời có một nơi tập trung nhiều sách đến vậy. Hiệu sách lúc đó đối với tôi giống như một ngôi đền thờ thiêng liêng, một thế giới hoa lệ, sang trọng và kỳ thú tuyệt vời. Lần đầu tiên đặt chân vô hiệu sách Nam Ngãi ở ngã ba Phan Chu Trinh - Trần Cao Vân, tôi hồi hộp đến gần như nín thở, chân bước rón rén, tim đập thình thịch trong lồng ngực. Đặt chân lên thiên đường, tôi nghĩ cũng sung sướng đến thế là cùng.

3. Những tác phẩm đến bây giờ khiến tôi nhớ nhất vẫn là những tác phẩm làm tôi cảm động nhất. Cảm xúc của tuổi thơ là thứ gì đó rất khó nhạt phai theo năm tháng. Tôi thực khó thể nào quên những ấn tượng mà các tác phẩm Không gia đình (Hector Malot), Những kẻ khốn nạn (Victor Hugo), Con nai tơ (M.K Rawlings), Chim hót trong lồng, Chuyện bé Phượng (Nhật Tiến), Con sáo của em tôi, Hoa thiên lý (Duyên Anh) từng in dấu vào trí óc non nớt của tôi.

Trong những tác phẩm đó, sau này tôi đều có dịp đọc lại, kể cả truyện Thằng Còm mà tôi tưởng sẽ không bao giờ nhìn thấy nữa. Lúc tôi đọc Thằng Còm, đó là cuốn sách mất bìa, mất cả mấy trang đầu, tôi không biết tên tác giả, chỉ nhớ tên nhân vật và cốt truyện. Lên đại học, đọc tiểu sử Lê Văn Trương tôi mới biết đó là tác phẩm của ông, nhưng ngay cả khi tác phẩm Lê Văn Trương được in lại hàng loạt vào thập niên 80, cũng không thấy ai tái bản truyện này.

Mãi đến gần đây, một lần vào nhà sách FAHASA, tôi ngạc nhiên một cách sung sướng khi nhìn thấy cuốn Thằng Còm bày trên giá sách, do NXB Văn Nghệ in lại theo khổ vuông vức. Dĩ nhiên tôi mua ngay, tâm trạng của tôi lúc đó không phải là mua một cuốn sách mà mua lại mảnh kỷ niệm lấp lánh của tuổi thơ tưởng đã chìm khuất sau màn khói sương dày đặc của thời gian và những biến động đời người.

4. Bây giờ, trẻ em - đặc biệt ở thành phố lớn - có cơ hội đi nhà sách bất cứ lúc nào. Thời buổi thông tin, sách không còn chiếm vị trí độc tôn trong việc giúp trẻ em khám phá thế giới nhưng để mở ra bầu trời bao la cho trí tưởng tượng, sách vẫn là cánh cửa tuyệt vời nhất. Có lẽ vì vậy mà các ông bố bà mẹ vẫn thích dắt con đến nhà sách và mỗi khi chứng kiến hình ảnh đó tôi luôn bắt gặp trong lòng mình một niềm vui khó tả.

Làm quen với sách ngay từ thuở ấu thơ hiển nhiên sẽ giúp trẻ em lớn lên cùng với sách, xem đọc sách là một nhu cầu tự nhiên như ăn hay ngủ, thậm chí có thể đánh thức khát vọng sáng tạo của những nhà văn tài năng trong tương lai.

Cu Bin, 7 tuổi, con một người cháu, được mẹ dẫn vào nhà sách mua tập, nhìn thấy sách của tôi bày trên kệ, liền reo lên “Tập của ông Ánh nè mẹ”. - “Không phải tập. Sách đó, con”. - “À, là sách. Thích quá! Mẹ ơi, lớn lên con cũng sẽ chế tạo sách như ông Ánh!”.

Có thể cu Bin sau này sẽ “chế tạo” được những cuốn sách như tôi, có thể không. Nhưng một nhà văn ra đời thường bắt đầu từ những tiếng reo hồn nhiên kia! Chắc vậy!

Nguyễn Nhật Ánh

Tin cùng chuyên mục