Làm rõ mục tiêu, ưu tiên nhu cầu cấp thiết

Thành phố (TP) có chất lượng sống tốt thì ít nhất không ô nhiễm, cảm giác an toàn, thuận lợi trong giao thông. Chất lượng sống sẽ bị giảm khi mà hàng ngày ra đường có cảm giác lo kẹt xe, tai nạn, hít mùi hôi thối bởi nạn xả rác bừa bãi, ô nhiễm nguồn nước.
Làm rõ mục tiêu, ưu tiên nhu cầu cấp thiết

Thành phố (TP) có chất lượng sống tốt thì ít nhất không ô nhiễm, cảm giác an toàn, thuận lợi trong giao thông. Chất lượng sống sẽ bị giảm khi mà hàng ngày ra đường có cảm giác lo kẹt xe, tai nạn, hít mùi hôi thối bởi nạn xả rác bừa bãi, ô nhiễm nguồn nước.

Bớt ngột ngạt về kẹt xe

Để xây dựng TPHCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, không chỉ là mong muốn của các cấp chính quyền mà còn là ước mơ cho tất cả người dân TP và cả nước. Chất lượng sống tốt đôi khi chỉ là khái niệm thuộc phạm vi cảm tính, góc nhìn ở mỗi người.

Hướng đi đã có, vấn đề là làm rõ các mục tiêu và phân loại, tùy điều kiện mà lựa chọn thứ tự ưu tiên, thực hiện với từng lộ trình theo hướng phát triển bền vững. Đừng quan niệm chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là điều gì đó quá xa xỉ, mà có khi rất gần gũi, tùy theo cảm nhận ở mỗi người. Tôi nghĩ, hãy lấy người dân làm trung tâm, bắt đầu từ những nhu cầu thiết yếu gắn liền với cuộc sống, sau đó làm cho các khát vọng trở thành hiện thực, đáp ứng mong đợi mà chính quyền và người dân đã đặt ra.
Nên ưu tiên thực hiện những gì xuất phát từ nhu cầu thiết yếu gắn liền với cuộc sống như làm sao cho “thuận lợi và an toàn giao thông”, “không xả rác”, “bảo vệ môi trường nước”. “Thuận lợi và an toàn trong giao thông”, đó là đi lại không mất nhiều thời gian hay trễ chuyến bay, tàu, xe. Không còn những cái chết thương tâm trên đường do tai nạn, va quẹt xe. Ai cũng có cảm giác an toàn khi ra đường và không chạy ẩu, leo lề, cản trở giao thông. TPHCM là đô thị đang phát triển và có đông dân từ nhiều nơi đến sinh sống, học tập, làm việc… Phương tiện để di chuyển phần lớn sử dụng xe máy vì nhỏ gọn, linh động, dễ di chuyển. Trong khi xe buýt là phương tiện để vận chuyển hành khách công cộng vẫn chưa cho người dân cảm giác an toàn vì phục vụ kém, bỏ tuyến, chạy ẩu, thậm chí còn có các đối tượng móc túi hoạt động.

Thành phố có chất lượng sống tốt thì một trong những tiêu chí là giao thông phải thuận lợi. Kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội. Ảnh: T.L

Để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, cần lắm sự đầu tư thêm cho xe buýt có chất lượng, nhân viên phục vụ tốt, không chạy ẩu, không bỏ trạm, an toàn cho tài sản cá nhân. Ưu tiên làn đường cho buýt để hạn chế kẹt xe giờ cao điểm, phân luồng hợp lý nhằm rút ngắn thời gian so với xe cá nhân. Ngoài ra, cần giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè, xây dựng bãi giữ xe đủ sức chứa để người dân gửi xe máy để đi xe buýt, phương tiện công cộng. Hai việc này quan trọng, xem ra đã chậm.

Trước tiên, trong khi chờ xây dựng các công trình hiện đại để đáp ứng nhu cầu cho người dân như metro và các tuyến xe buýt nhanh BRT, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông hiện có. Chẳng hạn như tổ chức giao thông hợp lý, phân luồng một chiều trên các tuyến đường lưu thông hai chiều thường kẹt xe và xóa bỏ độc quyền cung cấp dịch vụ vận tải để xã hội hóa khai thác hạ tầng giao thông, cạnh tranh công bằng. Tại khu vực kẹt xe cục bộ có thể xây dựng cầu vượt hoặc mở rộng đường hẻm, nút giao thông. Từng bước xóa điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang, tạo nút giao khác mức tại các vị trí buộc phải lưu thông bằng đường bộ để an toàn giao thông, giảm kẹt xe. 

Hạn chế xây dựng chung cư, siêu thị, trung tâm thương mại ở nơi thường kẹt xe. Xây dựng hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị metro, kết nối giao thông. Tận dụng đặc điểm giao thông thủy trên một số kênh, sông để vận chuyển hành khách và phục vụ du lịch.  Cần xây dựng quy chế về ý thức trong giao thông theo hướng giáo dục, chế tài các hành vi cố tình vi phạm gây mất an toàn, lường trước các sự cố có thể xảy ra để kịp ngăn chặn.

Bảo vệ môi trường

Ở TP ta vẫn còn nạn xả rác nơi công cộng, khu du lịch. Rác để trên vỉa hè có khi bọc bên ngoài bằng bịch ni lông, nhiều lúc lăn ra đường bị xe cán nát gây hôi thối, xấu mỹ quan. Xả rác là một trong các thói quen xấu, bởi người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Tôi đến Bangkok - Thái Lan, không thấy xả rác nơi công cộng. Vừa ra khỏi cổng sân bay, nữ hướng dẫn viên du lịch người bản địa nói với đoàn chúng tôi ở Thái Lan phạt nặng những ai bị phát hiện xả rác, khạc nhổ bừa bãi… Còn ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, cũng có quy định, nhưng ít khi thấy ai bị phạt do xả rác. Rõ ràng, chúng ta chưa có cơ chế giám sát và ngăn chặn hữu hiệu các hành vi xả rác, chỉ nhắc nhở sơ sài, rồi mong chờ ý thức tự giác ở cá nhân. 

Để không xả rác, bên cạnh cơ chế làm cho cá nhân không dám và không muốn xả rác, cần cung cấp phương tiện bỏ rác. Thử quan sát, chúng ta thấy trên nhiều tuyến đường, nơi công cộng lại thiếu thùng đựng rác, thùng đựng rác quá nhỏ và luôn đầy rác. Một khi có nơi để bỏ rác, kèm các quy định cụ thể, sẽ làm cho cá nhân xả rác biết mình thiếu tự giác và mặc cảm bởi hành vi đáng phê phán, dần trở thành thói quen không muốn xả rác.  Cần lắm sự tuyên truyền không xả rác, bảo vệ môi trường, mọi người phản ánh khi thấy tình trạng xả rác (vì một người lên tiếng rồi sẽ có nhiều người hưởng ứng, dần loại bỏ thói quen xấu).

Cùng với “không xả rác”, phải chú trọng “Bảo vệ môi trường nước”. Ai trong chúng ta cũng có lúc đi qua khu vực có dòng nước đen ngòm bốc mùi khó chịu đến nỗi phải bịt mũi, nín thở. Có ống thoát nước thải đen ngòm, nổi bọt trắng được đấu nối trực tiếp vào cống thoát nước công cộng hoặc xả ra sông, kênh, mương, rạch. Phải chăng những ống xả nước thải này chưa qua xử lý từ nhà dân hoặc cơ sở sản xuất, là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước?

Một số dự án thu gom và xử lý nước thải hiện đang chậm tiến độ, trong đó có hạng mục xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Mong sao các cơ quan chức năng kịp giải quyết trở ngại, thi công hoàn thành các dự án xử lý nước thải để cải thiện môi trường.

Các cơ quan chức năng cũng đã kêu gọi bảo vệ môi trường nước, hình như chưa hiệu quả. Không thể bảo vệ môi trường bằng những khẩu hiệu tuyên truyền suông hay làm theo phong trào, mà phải có quy chế phù hợp thực tế, biện pháp chế tài khả thi, lực lượng đủ mạnh để kịp ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Nên chăng, ngay từ khâu cấp phép đầu tư, mạnh dạn từ chối với các trường hợp có dấu hiệu gây tác hại môi trường nước, chỉ cấp phép khi đủ điều kiện bảo vệ môi trường và có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu.

Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG 

Tin cùng chuyên mục