Làm sao để dân không ngại đi kiện!

Làm sao để dân không ngại đi kiện!

(SGGP).- Sáng nay, 3-6, Quốc hội nghe các báo cáo về 3 dự án luật: Luật Tố tụng hành chính, Luật Viên chức và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa hành chính theo phương pháp loại trừ

Trình bày trước Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, ở nước ta cho đến nay chưa có Luật Tố tụng hành chính mà mới chỉ có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-1996; được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất ngày 25-12-1998 và sửa đổi, bổ sung lần thứ hai ngày 05-4-2006.

“Với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, cùng với việc Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thì việc pháp điển hoá các quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cụ thể hoá các cam kết của Việt Nam là rất cần thiết”, ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Làm sao để dân không ngại đi kiện! ảnh 1

Ban soạn thảo nghe ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Minh Điền

Về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung dự luật, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính, theo đó Toà án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước).

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết, Uỷ ban Tư pháp thống nhất với quan điểm này, song đề nghị quy định rõ hơn về những hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; bởi lẽ, nếu không quy định rõ loại đối tượng này thì dễ dẫn đến việc khởi kiện tràn lan. Cụ thể, những hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước (phân công trách nhiệm giữa thủ trưởng và nhân viên, phân công trách nhiệm giữa các bộ phận trong cơ quan hành chính…) thì không thuộc đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính.

Mở rộng cửa hơn đối với viên chức

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, với 8 Chương và 70 Điều, dự thảo Luật Viên chức sẽ chỉ điều chỉnh đối tượng là các viên chức làm việc trong các đơn vị công lập (dự kiến cả nước có khoảng 1,6 triệu người). Đặc biệt, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam cũng có thể trở thành viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn. Ảnh: Minh Điền

“Nhìn chung, dự thảo Luật quy định theo hướng “mở” hơn đối với viên chức hơn là công chức, Theo đó, viên chức có quyền góp vốn, tham gia thành lập (nhưng không trực tiếp điều hành) các loại hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp tư, quyền làm việc ngoài giờ, ký hợp đồng vụ việc với đơn vị khác trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm...”, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết.

Về chuyển tiếp viên chức, dự thảo Luật quy định, viên chức tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 (khoảng 1,2 triệu người) mặc nhiên được chuyển tiếp sang chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn mà không phải ký hợp đồng lại.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, đa số ý kiến trong UB tán thành những nguyên tắc nêu trên, song yêu cầu phải rà soát chặt chẽ, ai đáp ứng đủ năng lực, phẩm chất và phù hợp với nhu cầu công việc của đơn vị mới tiếp tục sử dụng. Điều này nhằm tránh việc một bộ phận viên chức trì trệ, không năng động, không phát huy đầy đủ trách nhiệm.

Vai trò của Nhà nước đến đâu trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Vai trò của Nhà nước trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tới trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày trước Quốc hội vào cuối phiên họp sáng nay. 

Xuất phát từ thực tế là tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh ngày càng nhiều và người tiêu dùng thường ở vị trí yếu thế hơn, dự thảo Luật đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, trọng tài và giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính. Nội dung giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính của cơ quan nhà nước là một quy định còn có những ý kiến khác nhau.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học & Môi trường Đặng Vũ Minh, đa số thành viên Uỷ ban Khoa học & Môi trường cho rằng, việc tạo cơ chế để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hành chính, tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục quy định rõ hơn cơ chế để cơ quan nhà nước có thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy định rõ loại khiếu nại được giải quyết tại cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dung tại địa phương, phân biệt “khiếu nại” được thực hiện theo quy định của Luật này với khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo...

Về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Tòa án, đa số ý kiến trong Uỷ ban Khoa học & Môi trường nhất trí với phương án thiết lập một cơ chế xét xử đơn giản (thủ tục xét xử rút gọn – một cấp xét xử tại Tòa án cấp huyện như quy định trong dự thảo luật) để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình và giảm chi phí cho xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần dẫn chiếu các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục