Chọn ngành học nào trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa ra khỏi cơn suy thoái đang là mối quan tâm hàng đầu của sinh viên Nhật Bản cũng như sinh viên nhiều nước. Theo tờ Yomiuri Shimbun, hơn lúc nào hết, sinh viên Nhật Bản đang nóng lòng chọn ngành học để sau khi tốt nghiệp họ có thể tìm việc dễ dàng và xa hơn nữa là giúp đưa Nhật Bản ra khỏi suy thoái kinh tế.
Đó cũng là nguyên nhân vì sao ngày càng nhiều sinh viên Nhật Bản ra nước ngoài tìm môn học phù hợp. Nơi đến không đâu khác hơn là Mỹ. Nơi đây, các trường học hàng đầu từ lâu đã theo phong cách học tập tự do trước khi tập trung vào chuyên môn nhưng nay cũng đang chuyển sang mô hình tập trung cho sinh viên định hình công việc trước tiên trong bối cảnh kinh tế chao đảo.
Học phí ngày càng cao và khủng hoảng kinh tế kéo dài mà việc học không trực tiếp gắn với một nghề nghiệp cụ thể thì xem như xa xỉ. Nhiều nơi khác trên thế giới, người ta ngày càng tập trung vào việc trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế. Những kỹ năng mà những người tuyển lao động đang cần, được gọi là “kỹ năng mềm” gồm kỹ năng giao tiếp, tư duy phê phán và kỹ năng làm việc với nhiều nhóm khác nhau.
Các phái đoàn đến thăm những trường đại học Mỹ trong những ngày này không quan tâm tới các bộ môn như mỹ thuật hay văn chương, thay vào đó họ tìm hiểu “ma thuật” nào đã giúp sáng lập các tập đoàn như Apple hay Google. Nói cách khác, sinh viên muốn sau khi tốt nghiệp họ có thể tạo ra việc làm chứ không phải tìm việc. Thực tế cho thấy các trường đại học hàng đầu ở Mỹ đã bắt đầu thay đổi chương trình giảng dạy khi họ tổng hợp chuyên môn chính với kinh doanh. Ví dụ sinh viên không chỉ học chuyên ngành môi trường mà còn được bổ sung khóa đào tạo kinh doanh liên quan đến môi trường. Các ngành khác cũng tương tự như thế.
Nếu như thập niên 1970, chưa đầy một nửa sinh viên Mỹ nghĩ rằng lợi ích đầu tiên của việc học đại học là nhằm tăng thêm thu nhập nhưng kể từ năm 2007, khi kinh tế Mỹ xuống dốc, 3/4 sinh viên năm thứ nhất đều muốn được đào tạo nghề chuyên môn nhằm dễ bề có việc làm. Số sinh viên vào các ngành thuộc khoa học xã hội nhân văn hầu như không tăng, thậm chí còn giảm như môn văn chương hay triết học. Đại học Harvard trong tháng 6-2013 cho biết số sinh viên học các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn giảm 1/3 so với năm 2006. Trong khi đó, số sinh viên đăng ký học các trường chuyên về đào tạo nghề tăng gấp 5 lần so với tổng số sinh viên vào đại học nói chung. Thậm chí số lượng sinh viên chú trọng học lấy chứng chỉ càng tăng hơn như các dạng đào tạo nghề của các trường đại học cộng đồng hay của các tập đoàn và công ty, từ thợ cơ khí đến các kỹ năng công nghệ thông tin chuyên biệt. Theo Trung tâm Nghiên cứu giáo dục và lực lượng lao động Georgetown, các chứng chỉ loại này đã tăng gấp 3 lần trong 15 năm qua ở Mỹ, trong đó năm 2010 có hơn 1 triệu người được cấp.
Một khảo sát mới đây cũng cho biết trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao nhưng các công ty rất khó tuyển dụng những người có tay nghề bậc cao trong những lĩnh vực chuyên biệt. Sự thay đổi của nhu cầu xã hội về việc làm đã khiến giới trẻ đang nhận thức được một điều rằng làm thợ dễ tìm việc hơn làm thầy.
KHÁNH MINH