Làm thế nào để thực hiện thành công chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% cho ngân sách TP? Trong lúc TP chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch mới, dự án đầu tư không thể thực hiện ngày một ngày hai, ngành du lịch sẽ làm gì để nâng chất dịch vụ, thu hút khách và thu hút ngoại tệ? Báo SGGP đã phỏng vấn ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, về những giải pháp để đạt mục tiêu trên.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Phóng viên: Để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi phải có sự đột phá vượt bậc chứ không thể tịnh tiến “năm sau cao hơn năm trước” được. Vậy là “thủ lĩnh ngành”, ông có giải pháp gì để thu hút du khách?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Chỉ tiêu TP giao năm 2017 phải đón trên 6 triệu lượt du khách quốc tế, nhưng phấn đấu đạt 7 triệu du khách nước ngoài và 25 triệu lượt du khách nội địa, doanh thu từ ngành du lịch đạt 116.000 tỷ đồng. Doanh thu này đã được TP điều chỉnh tăng thêm 15% nên đòi hỏi ngành du lịch phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Ngành du lịch muốn phát triển cần phải có sự kết nối các sở, ngành khác mới tạo được nguồn lực tổng hợp. Đứng ở góc độ ngành, chúng tôi sẽ tập trung bổ sung, nâng cấp, chủ động khai thác những lợi thế sẵn có; đầu tư, khai thác sản phẩm mới. Chẳng hạn như khai thác tài nguyên du lịch của huyện Củ Chi, Cần Giờ. Phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa tại từng địa phương, góp phần thúc đẩy, thu hút du khách… Sở Du lịch chủ động phối hợp với các doanh nghiệp (DN), đơn vị tư vấn trong và ngoài nước trong việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng, tay nghề cho lực lượng làm du lịch trực tiếp tại địa phương.
Thưa ông, mong muốn thì nhiều nhưng ngân sách có hạn, giải pháp gì để các “dự án” trên thực hiện được?
Chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Cụ thể, sẽ tạo điều kiện cho các DN đầu tư phát triển du lịch đường sông, các tuyến buýt trên sông; kêu gọi các DN lớn đầu tư những tàu thuyền có chất lượng tốt để thưởng lãm trên sông Sài Gòn. Mở thêm các điểm vui chơi như các chương trình “À Ố show”, thêm tour tham quan bảo tàng về đêm, các điểm ẩm thực đạt chuẩn… Sẽ có thêm các sự kiện mới ngoài những sự kiện truyền thống (lễ hội áo dài, lễ hội trái cây…) như sự kiện hoạt động thể thao gắn với du lịch, mở rộng quảng bá thông qua các kênh mạng xã hội… Ngành cũng sẽ đốc thúc khẩn trương hoàn thành dự án Safari Củ Chi; công trình khu du lịch lấn biển Cần Giờ; các công trình văn hóa, thể thao có quy mô lớn… Những dự án này của các nhà đầu tư tư nhân, không tốn nhiều ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, chúng tôi sẽ tổ chức mỗi tháng một lễ hội hoặc sự kiện để phục vụ du khách. Từ tháng 4 sẽ có chương trình hoạt động hàng đêm vào mỗi cuối tuần trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hướng tới việc mở rộng thời gian vui chơi giải trí để phù hợp với múi giờ của du khách, cải tiến việc xây dựng website với nhiều thứ tiếng… Các hoạt động, sự kiện triển khai bằng nguồn vốn xã hội hóa, phương thức triển khai linh hoạt.
Để thu hút 7 triệu lượt khách quốc tế đến TPHCM trong năm nay không phải dễ khi TP không có nhiều ưu đãi về tự nhiên so với các khu vực lân cận, ông nghĩ sao về điều này ?
Do vậy, chúng tôi chọn cơ sở vật chất, sản phẩm làm yếu tố quan trọng để thu hút du khách đến TPHCM. Thành phố có thế mạnh là trung tâm, đầu mối trung chuyển kết nối khu vực và vùng; các thế mạnh về mua sắm, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí. Do đó, chúng tôi tập trung đầu tư vào các loại hình du lịch có khả năng thu hút du khách, tạo doanh thu cao như du lịch có trách nhiệm, du lịch MICE. Loại hình du lịch này TP đang thiếu, nhất là điểm có sức chứa hơn 2.000 du khách. Chúng tôi đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch để kết nối du khách, doanh nghiệp hình thành các chương trình kích cầu du lịch. Ví dụ, chương trình du xuân Sài Gòn, du xuân Phương Nam… Nhìn xa hơn, cần có chính sách giảm giá, thuế để kích thích DN, hỗ trợ du khách.
Phải níu chân du khách quay lại
Ngành du lịch là ngành dịch vụ, quan trọng nhất là sự hài lòng để níu chân du khách quay lại. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn cảnh chèo kéo, nạn móc túi, cướp giật. Có lẽ, việc này cần những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn?
Công bằng mà nói thì môi trường du lịch những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể. Theo đánh giá của Sở Ngoại vụ và Công an TPHCM, những phản hồi của du khách đến cơ quan ngoại giao về tình trạng mất an toàn (móc túi, trộm đồ…) đều giảm so với các năm trước. Hiện tại TP cũng rất mong Trung ương có quy định phân công một lực lượng cảnh sát phụ trách về du lịch để bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách và người dân trong và ngoài nước, nhất là tại các điểm vui chơi tập trung. TP vẫn đang kiên trì kiến nghị bố trí lực lượng giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ để khi xảy ra sự việc có thể liên kết được ngay với các cơ quan…
Người dân nuôi hải sản ở huyện Cần Giờ. Ảnh: THI HỒNG
Hiện tại, TP đã có quy chế phối hợp bảo vệ an ninh trật tự cho du khách, có phân công trách nhiệm của công an, lực lượng thanh niên xung phong, của quận huyện để cùng tham gia. Đây là sự sáng tạo của TPHCM. Bên cạnh đó, TP còn bố trí lực lượng chuyên trách của thanh niên xung phong hỗ trợ và bảo vệ du khách ở các điểm du lịch quan trọng. Trong năm 2017 này, TP tuyển thêm khoảng hơn 200 thanh niên xung phong để bổ sung cho lực lượng nói trên, góp phần cải thiện môi trường du lịch TPHCM.
Ngành du lịch muốn mạnh, cần một sức mạnh tổng lực của từng người dân. Vậy theo ông, để “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” TPHCM phải làm thế nào cho hiệu quả?
Theo tôi, cần làm cho người dân hiểu rằng nguồn thu từ TP này là nguồn thu từ bộ phận lớn người dân, một phần trong đó do du khách đóng góp. Thái Lan làm chuyện này rất tốt. Do vậy, người dân Thái Lan nhìn du khách đầy thiện cảm, hỗ trợ, giúp đỡ du khách một cách tự nguyện. Sở Du lịch rất mong muốn người dân TP làm tốt điều này. 10% GDP của TP là nguồn thu rất lớn. Mỗi người dân TPHCM cần nhìn thấy được điều này, từ việc du khách mang lại tạo điều kiện đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng; từ đó điều chỉnh thái độ, giúp người dân cùng tham gia…
Xin cảm ơn ông.
HÀN NI (thực hiện)