Làm từ thiện đã qua “huấn luyện” - khái niệm có vẻ mới nhưng không phải những ai từng dành khoản tiền lớn hỗ trợ các dự án, chương trình hoặc các cá nhân đều hiểu rõ. Tác giả Tina Rosenberg, biên tập viên tờ The Times có bài viết “Kiểm tra mức độ hiệu quả của các hoạt động từ thiện” vào thời điểm cuối năm, khi hoạt động từ thiện được tập trung thực hiện nhiều nhất.
Theo tác giả, một số người tận dụng hoạt động từ thiện với mục đích chính là tô bóng vị thế xã hội của mình. Cũng có những người khác hoặc đóng góp vì một quyền lợi nào đó trong tổ chức mình tham gia, hay góp tiền từ thiện cho trường nơi con em mình theo học trong khi cả phụ huynh và học sinh đều không hiểu rõ số tiền ấy sẽ đi về đâu. Có thực tế là rất ít cá nhân hay nhóm người bỏ thời gian tìm hiểu kỹ một tổ chức từ thiện trước khi đóng góp. Phần lớn chỉ tìm đến một tổ chức nào đó từng nghe qua hoặc thuận tiện cho việc gửi số tiền quyên góp là đủ.
Vì thế, người làm từ thiện nên làm quen với việc được huấn luyện những kỹ năng để việc giúp đỡ của mình thiết thực hơn. Charity Navigator, tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá hoạt động của các tổ chức thiện nguyện đã đưa ra một số tiêu chí để đánh giá như mục tiêu của tổ chức ấy có phải là giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hay không? Tổ chức có các chiến lược, kế hoạch mang lại hiệu quả cao, có trung thực khi đưa ra những số liệu thu chi, chọn cách sử dụng số tiền quyên góp được hợp lý không?
Cách sử dụng đồng tiền từ thiện cũng là một trong những quan điểm mà không phải ai cũng thống nhất. Ví dụ ở Mỹ, bạn phải bỏ ra khoảng 42.000 USD để huấn luyện một con chó dẫn đường cho người khiếm thị, tức là với 42.000 USD này, một người mù ở Mỹ sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu dùng 42.000 USD đó để tài trợ phẫu thuật đau mắt hột có thể dẫn đến mù ở châu Phi, sẽ giúp phục hồi thị lực cho 1.344 người vì chi phí cho một lần phẫu thuật chỉ mất 25 USD. Theo nhà nghiên cứu Toby Ord thuộc khoa Triết học Đại học Oxford, tặng khoản tiền lớn chưa chắc bạn là người biết cách làm từ thiện hiệu quả.
Còn một thực tế nữa là nhiều người say sưa làm việc thiện ở những vùng xa xôi nhưng lại không biết rõ cuộc sống của những người sống quanh mình, trong khi đúng ra phải quan tâm tới những gì gần gũi với chúng ta nhất trước khi để tâm tới những sự việc đang diễn ra quanh thế giới.
Trùm viễn thông người Mexico - Carlos Slim, một trong những người giàu nhất thế giới - chia sẻ: Không phải quỹ từ thiện nào cũng hoạt động bằng cách giúp đỡ. Làm từ thiện thông minh là phải kết hợp với việc tạo cơ hội để những người trong hoàn cảnh khó khăn vươn lên bằng sức lao động, nghĩa là tạo điều kiện việc làm cho họ. Làm từ thiện thông minh còn được hiểu là tạo đòn bẩy, tạo một sức bật sau khi tìm hiểu và chọn ra nơi nào hoạt động nghiêm túc, thích hợp nhận hỗ trợ.
Như Quỳnh