Lần đầu tiên ghép tế bào gốc máu cuống rốn khác nhóm máu: Cơ hội cho bệnh nhân thiếu máu

Sáng 8-11, BV Truyền máu và Huyết học TPHCM đã tiến hành ghép tế bào gốc máu cuống rốn mà người cho và người nhận có nhóm máu khác nhau. Ca ghép cho bệnh nhân T.T.K. (nam, 7 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) bị bệnh thiếu hồng cầu (thiếu máu - Thalassemia) và tế bào gốc máu cuống rốn lấy từ người em mới 1 tuổi… Kỹ thuật này đang mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân bị thiếu máu hiện nay, nhất là trẻ em.
Lần đầu tiên ghép tế bào gốc máu cuống rốn khác nhóm máu: Cơ hội cho bệnh nhân thiếu máu

Sáng 8-11, BV Truyền máu và Huyết học TPHCM đã tiến hành ghép tế bào gốc máu cuống rốn mà người cho và người nhận có nhóm máu khác nhau. Ca ghép cho bệnh nhân T.T.K. (nam, 7 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) bị bệnh thiếu hồng cầu (thiếu máu - Thalassemia) và tế bào gốc máu cuống rốn lấy từ người em mới 1 tuổi… Kỹ thuật này đang mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân bị thiếu máu hiện nay, nhất là trẻ em.

  • Anh máu O, em máu B

Từ 9 giờ sáng, không khí tại Khoa Ghép tế bào gốc BV Truyền máu và Huyết học chộn rộn hơn mọi ngày. Bên ngoài phòng ghép, một vài người nhà bệnh nhân T.T.K. nóng lòng quan sát qua cửa kính. Ngay cả ban lãnh đạo của Ngân hàng tế bào gốc MekoStem của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar cũng có mặt để theo dõi diễn tiến ca ghép.

Dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Mekophar không khỏi hồi hộp: “Tế bào gốc ghép cho cháu K. là sản phẩm đầu tiên của công ty đem ra sử dụng. Quy trình xử lý, lưu trữ tế bào máu cuống rốn từ một năm nay hoàn toàn đảm bảo để tiến hành cấy ghép”.

Mẹ cháu K. cho biết đã phát hiện bệnh con mình từ lúc cháu lên 2 tuổi. “Lúc cháu mới sinh ra khỏe mạnh bình thường, nhưng càng lớn nước da càng xanh xao, bụng trướng và thường xuyên ngất xỉu. Đem cháu đi khám tại bệnh viện mới phát hiện bị bệnh thiếu máu”.

Vậy là từ lúc lên 2, cứ mỗi 6 tuần K. lại vào bệnh viện một lần để truyền máu, rồi số lần tăng dần lên mỗi năm, còn 4 tuần 1 lần, rồi 2 tuần 1 lần và từ đầu năm đến nay em phải vô máu mỗi tuần/lần. “Thấy sức khỏe cháu ngày càng kiệt dần, gia đình tôi buồn khôn xiết. Liên hệ để chữa bệnh cho cháu thì bác sĩ bảo không chữa được, phải có tế bào gốc”, mẹ cháu K. kể. 

– Điều kiện gửi máu cuống rốn: Sản phụ không bị viêm gan siêu vi, HIV, mắc các bệnh lây lan qua đường máu. Mẫu máu cuống rốn được lấy trên dây rốn liền với bánh nhau ngay sau khi bé sinh ra với đòi hỏi phải đủ thể tích từ 80ml trở lên. Sau khi xử lý mẫu máu cô đặc lại khoảng 24ml chứa tế bào gốc tạo máu và đông lạnh trong nitơ lỏng âm 196°C.

– Các đơn vị tư vấn, thu thập máu cuống rốn: BV phụ sản Từ Dũ, BV phụ sản Hùng Vương, BV An Sinh, BV Truyền máu và Huyết học TPHCM…

– Các cơ sở ứng dụng tế bào gốc điều trị: BV Truyền máu và Huyết học TPHCM, BV An Sinh, BV Tai Mũi Họng TPHCM, BV Y học cổ truyền Trung ương, Viện Bỏng quốc gia.

Tìm đến Khoa Huyết học Trường Đại học Y Dược TPHCM, mẹ K. được hướng dẫn đẻ thêm một đứa con, rồi lấy máu cuống rốn của đứa em để ghép vào cho người anh. Để cứu con, người mẹ ngoài 35 tuổi đã cố sinh thêm đứa nữa và gửi máu cuống rốn cho Ngân hàng tế bào gốc MekoStem xử lý, lưu trữ.

Ca ghép bắt đầu lúc 10 giờ sau khi tế bào gốc được chuyển từ Ngân hàng MekoStem đến. Ê kíp bác sĩ thuần thục trong từng thao tác kỹ thuật đưa tế bào máu đi qua tĩnh mạch chủ. Ngay khi truyền tế bào gốc vào một lúc, bệnh nhân có phản ứng thải ghép nhưng được kịp thời xử trí. Sau 30 phút, ca ghép kết thúc, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và xem tivi, trò chuyện...

Trực tiếp thực hiện ca ghép tế bào gốc này, TS Huỳnh Nghĩa, Trưởng khoa Nhi BV Truyền máu và Huyết học, nói đây là một ca bệnh lý phức tạp lần đầu tiên được thực hiện trên bệnh nhân thuộc nhóm máu O, còn tế bào gốc người cho có máu nhóm B. Tuy nhiên, các chỉ số sinh học qua xét nghiệm cho thấy giữa 2 anh em có sự tương thích nên phù hợp cho việc cấy ghép. “Trước đây cũng từng ghép tế bào gốc khác nhóm máu nhưng sản phẩm không phải máu cuống rốn mà từ tế bào gốc máu ngoại vi”, TS Nghĩa nói.

Theo TS Nghĩa, bệnh lý thiếu máu được ghép tế bào gốc máu cuống rốn rất khó do phản ứng thải ghép, nhiễm trùng. Thống kê của BV Truyền máu và Huyết học TPHCM cho thấy từ năm 2005 đến nay mới ghép được cho 5 trường hợp bị bệnh lý thiếu máu và 1/4 trong số hàng ngàn người đến khám mỗi năm tại đây mắc bệnh lý thiếu máu, chủ yếu là trẻ em. Trong đó, 80% có nhu cầu ghép tế bào gốc, nếu không, tuổi thọ của bệnh nhân không kéo dài quá 25 tuổi.

Lấy máu cuống rốn để biệt hóa thành tế bào gốc. Ảnh: Q.Chi

Lấy máu cuống rốn để biệt hóa thành tế bào gốc. Ảnh: Q.Chi

  • “Thần dược” chữa bệnh ác tính

Nếu như lâu nay, cuống rốn trẻ sơ sinh thường bị bỏ đi sau sinh thì nay, các chuyên gia y tế khuyến khích lưu giữ lại.

TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc BV Truyền máu và Huyết học TPHCM, cho rằng tế bào gốc từ máu cuống rốn qua công nghệ xử lý sẽ tạo ra các tế bào máu, tế bào mỡ, tế bào cơ tim, tế bào thần kinh, tế bào tụy, tế bào gan... có khả năng chữa trị cho nhiều bệnh tật. Trong tương lai gần, loại tế bào gốc này có thể được ứng dụng để điều trị các bệnh lý về não, thần kinh, tim mạch, tiểu đường, gan...

Điều đáng nói, theo TS Bỉnh, không chỉ lưu trữ máu cuống rốn cho đứa trẻ là chủ nhân của dây rốn nhằm bảo đảm trong tương lai nếu bé không may bị bệnh cần dùng đến để chữa trị, mà còn cho cả người thân của trẻ. Hiện nay ngân hàng máu cuống rốn của BV Truyền máu và Huyết học TPHCM đã triển khai dịch vụ tiếp nhận xử lý, biệt hóa và lưu trữ máu cuống rốn. Những trường hợp sản phụ sinh em bé bị bệnh di truyền bẩm sinh về máu hoặc bệnh ác tính huyết học, bệnh viện sẽ tiếp nhận máu cuống rốn của bé kế tiếp để lưu giữ và biệt hóa tế bào gốc nhằm chữa trị cho bé sinh trước.

Được chính thức triển khai vào năm 2004, đến nay ngân hàng máu cuống rốn BV Truyền máu và Huyết học TPHCM đã chọn lọc, xử lý và lưu trữ được trên 2.000 mẫu máu cuống rốn từ nguồn gửi có danh tính và hiến tặng vô danh, đã tiến hành cấy ghép lâm sàng thành công cho 9 trường hợp bị bệnh thiếu máu, ung thư máu, bạch cầu cấp...

Tương tự, từ năm 2008, Ngân hàng tế bào gốc dây cuống rốn MekoStem của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar cũng đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Ngân hàng này tiếp nhận màng lót, máu dây cuống rốn của trẻ sơ sinh nhằm bảo quản, phục vụ chữa trị bệnh về sau.

Ngân hàng này được xây dựng đạt tiêu chuẩn GMP, lưu trữ khoảng từ 3.000 - 5.000 tế bào mẫu và thời gian lưu trữ khoảng 20 năm cho mẫu sản phẩm. Nguồn tế bào gốc được lấy chủ yếu từ dây cuống rốn trẻ sơ sinh, sau đó biệt hóa thành tế bào gốc. Theo dược sĩ Đặng Thị Kim Lan, Giám đốc MekoStem, đến nay ngân hàng đã tiếp nhận biệt hóa và lưu trữ được 300 mẫu gửi, 200 mẫu hiến tặng.

Theo các chuyên gia y tế, nguồn tế bào gốc thực ra là những bộ phận trên cơ thể như cuống rốn, da, giác mạc... nay được sử dụng lại một phần để đưa vào điều trị bệnh. Tuy nhiên, được dùng thành công nhất trên thế giới là tế bào gốc tạo máu được lấy từ máu cuống rốn để điều trị các bệnh về máu và cơ quan tạo máu.

Với các thiết bị hiện đại, tế bào gốc máu cuống rốn được lưu giữ kéo dài trong 20 năm, không chỉ có khả năng chữa trị cho chính bản thân người có tế bào gốc ấy mà còn có thể sử dụng chữa trị cho những người có cùng chỉ số phù hợp. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục