Sau khi người sáng lập Amazon.com Jeff Bezos mua tờ Washington Post (WP) với giá 250 triệu USD, nhiều tờ báo khác của Mỹ rục rịch nối gót. Trước đó, tờ Boston Globe được ông John Henry, chủ đội bóng bầu dục Boston Red Sox mua với giá 70 triệu USD. Giờ đây tới lượt tờ New York Times (NYT). Liệu các đại gia có thể vực dậy báo in Mỹ đang trong cảnh thoái trào?
Từ quy mô gia đình về tay các tỷ phú
Rem Rieder viết trên tờ USD Today rằng, giống như tờ WP, NYT từ lâu đã thuộc sở hữu gia đình Sulzberger. Tôn chỉ báo chí của các tờ báo này được đánh giá cao trong làng báo chí của Mỹ. Hai tờ báo này đã làm giới doanh nghiệp báo chí bất ngờ khi công bố thu phí trên các phiên bản báo mạng bắt đầu từ năm 2011.
Không nhanh chóng như tờ WP, vụ bán tờ NYT đã được râm ran từ nhiều tháng qua, có lúc tin đồn một tỷ phú Mexico mua lại tờ báo này, có lúc tin đồn NYT về với ông thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg, cũng là một ông chủ lớn của ngành truyền thông. Nhưng thông tin ông Bloomberg làm chủ tờ báo NYT có lẽ hợp lý khi ông này chuẩn bị về hưu vào ngày 1-1-2014 để tiếp tục làm chủ tập đoàn truyền thông hùng mạnh của ông ta.
Tỷ phú Bloomberg có thu nhập hơn 1 tỷ USD mỗi năm, biết cách làm Công ty Bloomberg của ông được Phố Wall tin tưởng như thế nào. Cả Bloomberg và Bezos có nhiều tiềm lực để đầu tư vào kinh doanh ngành truyền thông, cụ thể là bán tin tức và đưa ra mô hình thích hợp cho báo chí trong thời đại kỹ thuật số. Cả hai người cũng có tầm nhìn dài hạn và tầm ảnh hưởng đến hệ thống chính trị Mỹ.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí của Mỹ cho rằng việc bán các tờ báo hàng đầu của Mỹ với giá như vậy cho thấy giá trị của báo chí Mỹ đang bị giảm sút. Nên lưu ý rằng, vào năm 1993, tờ NYT phải bỏ ra 1,1 tỷ USD để mua tờ Boston Globe nhưng giờ đây John Henry mua lại tờ Boston Globe với giá chưa bằng 1/15.
Cơ hội mới?
New York Times dẫn lời Alan Mutter, nhà tư vấn chuyên viết phản ánh blog trên tờ báo này cho rằng hợp đồng mua WP của ông Bezos là điều tuyệt vời nhất với WP, thậm chí cả ngành công nghiệp tin tức vì cuối cùng ông Bezos đã đưa ngành kỹ thuật số vào một công ty báo chí. Mạng Time.com với bài viết của Roona Faroohar cũng khen ngợi Bezos không chỉ là một ông chủ nhà giàu mua một tờ báo mà là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn công nghệ trong thời đại này.
Thật dễ dàng nhận thấy lý do tại sao các nhà báo kỳ vọng nhiều như vậy vào Bezos. Bezos chính là cha đẻ của ngành thương mại điện tử và người ta hy vọng ông sẽ mang thành công từ lĩnh vực này sang báo chí, giúp vực dậy ngành báo in đang trong giai đoạn thoái trào.
Trong hầu hết các trường hợp này, quả thực, nhờ đồng tiền và thông qua các phương tiện kỹ thuật số, nhiều người biết hơn về các tờ báo này. Nhưng riêng về phần tin tức vẫn không có gì mới mà còn bộc lộ nhiều khó khăn. Đây là vấn đề chí tử. Thu thập tin tức chuyên nghiệp theo kiểu WP là quá đắt đỏ và tờ báo này ngày càng khó thuyết phục các nhà quảng cáo hoặc người đọc bù vào khoản chi phí này.
Bezos chắc chắn nhận thức được thực tế khả năng người đọc có thể móc tiền trả cho tin tức là điều khó khăn như thế nào. Trong khi nhiều nhà bình luận lưu ý rằng, 250 triệu USD chỉ chiếm 1% tổng giá trị tài sản của Bezos nhưng vấn đề là Bezos phải thuyết phục các cổ đông của Amazon.com vì sao ông mua một cơ quan truyền thông thua lỗ 53 triệu USD vào năm 2012. Vì vậy, có lẽ Bezos hẳn đã có một kế hoạch cho WP khi quyết định mua tờ báo này.
Barry Schuler, cựu CEO của tập đoàn AOL Time Warner, chỉ ra rằng, chỉ bỏ ra một khoản tiền chưa đến 1/4 so với giá Yahoo mua Tumblr, Bezos đã sở hữu một trong những tiếng nói có uy tín nhất và có ảnh hưởng tại thủ đô của cường quốc số một thế giới. Thật ra, các phương tiện truyền thông có sức hấp dẫn đặc biệt thu hút nhiều tỷ phú máu mặt không hoạt động trong lĩnh vực này, nhất là những năm gần đây.
Không chỉ các ông chủ từ thung lũng Hoa vàng mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Người làm báo Mỹ vẫn đang hy vọng những ông chủ mới có thể thổi luồng sinh khí mới vào các tờ báo nhưng không làm mất uy tín nhiều thế hệ làm báo đã xây dựng nên.
| |
THỤY VŨ (tổng hợp)