Làn sóng gói kích thích kinh tế mới

Trước tình trạng khủng hoảng không lối thoát tại khu vực đồng euro, tình hình việc làm sụt giảm ở Mỹ, thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á ngay trong phiên giao dịch đầu tuần đã đồng loạt giảm giá.

Các nhà đầu tư tăng cường mua trái phiếu thay vì cổ phiếu để hy vọng ít rủi ro hơn so với chứng khoán, bất chấp lãi suất trái phiếu liên tục giảm. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức đạt mức thấp kỷ lục vào cuối tuần qua. Đáng chú ý, TTCK Tokyo vào ngày đầu tuần đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua. Chỉ số Topix mất giá 2,1% xuống còn 693,35 điểm, mức độ chưa từng thấy từ cuối năm 1983. Chỉ số Nikkei giảm 2%, đánh dấu tuần thứ 9 liên tục lỗ, kéo dài nhất trong 20 năm.

Thị trường chứng khoán châu Á trong ngày sau đó có tăng nhẹ nhưng nhờ hàng loạt cổ phiếu bán đại hạ giá. Nhiều nhà phân tích cho biết việc mua vào trái phiếu sẽ tiếp tục gia tăng ít nhất đến khi Hy Lạp bầu cử xong vào ngày 17-6 và thành lập chính phủ mới. Nhưng nó có thể kéo dài hơn vì giờ đây đến lượt kinh tế Tây Ban Nha xuất hiện những lo ngại mới theo gót Hy Lạp.

Nền kinh tế Mỹ như thước đo chuẩn của nền kinh tế thế giới, do vậy, bất cứ tín hiệu xấu nào từ nền kinh tế này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 5 tiếp tục giảm và là mức giảm ở tháng thứ 3 liên tiếp, với chỉ có 69.000 việc làm mới. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 lần đầu tiên trong vòng 1 năm đã tăng trở lại, lên mức 8,2%. Các báo Mỹ ngày 4-6 đồng loạt nhận định Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tới nhiều khả năng sẽ tung thêm gói kích thích kinh tế tiếp theo để cứu vãn nền kinh tế nước này.

Theo chiến lược gia về tiêu dùng và kinh tế vĩ mô thuộc Công ty chứng khoán toàn cầu Hunter, ông Richard Hastings, đồng yen Nhật Bản hiện đang trở thành “siêu yen” đồng tiền được chú ý nhất với giá trị tăng cao, gây thêm nhiều khó khăn cho kinh tế Nhật Bản, một phần do các nhà đầu cơ đang tập trung vào đồng yen.

Dù cách đây chỉ hơn 1 tháng, chính phủ Nhật bơm 10 tỷ yen để mua vào các tài sản chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế, nhưng tuần trước Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đánh tiếng sẽ can thiệp mạnh để ổn định đồng yen và ngăn chặn nạn đầu cơ tiền tệ.

Có lẽ đã đến lúc các nền kinh tế lớn trên thế giới không thể chần chờ tung ra gói kích thích kinh tế mới nhằm vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng kêu gọi bên cạnh gói kích thích kinh tế cần có gói kích cầu để giúp tăng sản lượng sản xuất. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục