Làn sóng Hàn Quốc: Toàn cảnh lộ trình chuyên nghiệp. Bài 1: Sức mạnh Hallyu

Làn sóng Hàn Quốc: Toàn cảnh lộ trình chuyên nghiệp. Bài 1: Sức mạnh Hallyu

Theo Financial Times, năm qua, sức nóng của rapper Psy với điệu nhảy Gangnam Style cùng hoạt động kinh doanh ấn tượng của Tập đoàn Samsung đã đẩy thương hiệu của xứ sở Kim Chi lên một đẳng cấp mới. Thành công này không phải ngẫu nhiên mà có. Chúng xuất phát từ chính sách, chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia bài bản, rõ ràng mà Chính phủ Hàn Quốc quyết tâm theo đuổi suốt 30 năm qua.

  • Chuyên nghiệp

Ra mắt công chúng từ ngày 15-7, điệu nhảy Gangnam Style với phần trình diễn của nam ca sĩ Psy trở thành bài nhạc đầu tiên của Hàn Quốc đạt số lượt xem nhiều nhất trên YouTube từ trước đến nay, dự đoán sẽ vượt mốc 1 tỷ lượt cuối năm nay. Thậm chí, Gangnam Style còn được tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness trao chứng nhận là Video được yêu thích nhất mọi thời đại.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, bài hát chỉ là một sản phẩm âm nhạc bình thường, nhưng lại có điệu nhảy tạo được hiệu ứng đám đông. Quan trọng hơn hết là sự hậu thuẫn biến điệu nhảy này thành một chiến dịch đánh bóng tên tuổi Hàn Quốc, một kiểu “ngoại giao bước nhảy” khi gây ấn tượng với không chỉ Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon mà cả với nhiều nguyên thủ quốc gia.

Nhiều người nổi tiếng trong đó có Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tham gia điệu nhảy Gangnam Style.

Nhiều người nổi tiếng trong đó có Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tham gia điệu nhảy Gangnam Style.

Gangnam Style là một trong những thành công của “làn sóng Hàn Quốc” (ở Hàn Quốc gọi là Hallyu) vốn được truyền thông thế giới nhắc đến trong nhiều năm qua. Đã có nhiều chuyên gia kinh tế, người làm văn hóa và cả những công trình chỉ để nghiên cứu vì sao Hàn Quốc có thể chinh phục được không chỉ người dân khu vực châu Á nhờ những nét văn hóa tương đồng mà còn làm cho người hâm mộ tại châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi phải điên đảo? Hiện Hallyu được xem là lực lượng áp đảo trong văn hóa châu Á.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST), Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO), Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KOCIS) thường xuyên cập nhật thông tin về Hallyu gồm hoạt động của các nhóm nhạc K-pop, các bộ phim đã/đang/sẽ trình chiếu, tất cả những gì mà người hâm mộ quan tâm. Trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, bài viết về các nghệ sĩ cũng được tổ chức chuyên nghiệp theo kế hoạch, không hề lá cải.

  • Lộ trình “mềm”

Theo MCST, đẩy mạnh phát triển văn hóa, nghệ thuật đã được coi là một phần thiết yếu trong chính sách của Chính phủ Cộng hòa đầu tiên (1948 - 1960) do Tổng thống Rhee Syngman chủ trương. Trải qua nhiều thăng trầm, Kế hoạch 5 năm (1974 - 1979) của Chính phủ Tổng thống Park Chung-hee là kế hoạch toàn diện lâu dài đầu tiên về chính sách văn hóa với mục tiêu cơ bản là xây dựng một bản sắc văn hóa mới dựa trên truyền thống văn hóa. Trong thời kỳ này, 70% tổng số ngân sách cho lĩnh vực văn hóa được chi cho nghệ thuật dân gian và văn hóa truyền thống. Thời kỳ Tổng thống Chun Doo-hwan nắm quyền (1980 - 1988) có thể được coi là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất về vai trò của nhà nước trong việc cung cấp viện trợ cho nghệ thuật ở Hàn Quốc.

Chính phủ của Tổng thống Chun đã công bố 2 kế hoạch toàn diện về chính sách văn hóa: “Kế hoạch mới phát triển văn hóa” (1981) và “Kế hoạch văn hóa trong kế hoạch 5 năm lần thứ 6 phát triển kinh tế và xã hội” (1986). Vị tổng thống đầu tiên được bầu theo Hiến pháp mới, đánh dấu cho nền dân chủ Hàn Quốc Roh Tae-woo (1988 - 1993) đã xây dựng “Kế hoạch 10 năm phát triển văn hóa”, thúc đẩy văn hóa khu vực, giao lưu quốc tế.

Đến năm 1997, khủng hoảng kinh tế lan rộng ở châu Á và ảnh hưởng tới Hàn Quốc, khiến nước này phải vay tiền của IMF và Mỹ, đi kèm điều kiện phải mở rộng giao thương, đón nhận nhập khẩu từ nhiều nước. Trước tình hình này, Tổng thống Kim Dae-jung đã nghĩ đến việc phát triển xuất khẩu lại các sản phẩm văn hóa để vực dậy kinh tế. Những đời Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo tiếp tục kế thừa lộ trình này và ngày càng thành công. Rõ ràng, sứ mệnh giới thiệu hình ảnh đến bạn bè quốc tế mà Hàn Quốc đã trải qua một hành trình dài, nhất quán với những cách nhìn nhận ngày càng được cụ thể hóa, gắn liền với lợi ích kinh tế.

  • Vai trò của điện ảnh

Thay vì nhập khẩu các sản phẩm giải trí từ Hollywood, Tổng thống Roh Tae-woo là người đầu tiên chủ trương đẩy mạnh sự cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc. Khoảng thời gian từ năm 1987 là giai đoạn khó khăn nhất của điện ảnh Hàn Quốc khi phải đón nhận những đánh giá không mấy khả quan từ các nhà phê bình trong khi phim nước ngoài phát hành tại Hàn Quốc tăng từ 258 bộ lên 322 bộ, chiếm lĩnh 79% thị trường xứ sở Kim Chi. Bộ phim Sopyonje bất ngờ thành công vang dội với doanh thu chiếu rạp trên 1 triệu USD. Lần đầu tiên, một bộ phim 100% Hàn Quốc ra lò, tạo nên hiện tượng về doanh thu như vậy, khiến các cơ quan phải điều chỉnh lại các chính sách.

Năm 1994, một nghiên cứu của chính phủ đã khẳng định điện ảnh phải trở thành một ngành công nghiệp chiến lược, đầy tiềm năng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Nghiên cứu này cũng cho thấy doanh thu từ bộ phim ăn khách Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) của Hollywood tương đương... 1,5 triệu chiếc ôtô Hyundai, một thương hiệu đầy kiêu hãnh của dân Hàn. Hàn Quốc ngay sau đó cho thành lập Cục Kỹ nghệ văn hóa và thông qua Luật khuyến khích phim điện ảnh (năm 1995) để vực dậy nền nghệ thuật thứ bảy và được hỗ trợ hàng tỷ USD từ chính phủ. Các tập đoàn, các nhóm công ty gia đình Hàn Quốc nồng nhiệt ủng hộ. Samsung, Hyundai và Daewoo cũng bỏ tiền vào các dự án làm phim. Liên hoan phim quốc tế sau đó cũng nở rộ tại Hàn Quốc.

Theo thống kê của đại học Hồng Công (Trung Quốc), chỉ trong 10 năm, giá trị xuất khẩu điện ảnh của Hàn Quốc đã tăng từ 209.000 USD (1995) lên hơn 58 triệu USD (2004). 

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục