Triển lãm và hội nghị quốc tế lần thứ 6 về thực phẩm và đồ uống khách sạn (Food & Hotel Vietnam 2011) từ ngày 28 đến 30-9 ở TPHCM thu hút 373 doanh nghiệp, trong đó 74% là các công ty nước ngoài. Điều ghi nhận tại lần triển lãm này là sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ và Đức ngày khai mạc.
Nếu như quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ dẫn đầu đoàn gồm 15 doanh nghiệp nông nghiệp đến Việt Nam nhân sự kiện Food & Hotel Vietnam 2011 cùng với Đại sứ Mỹ cắt băng khánh thành gian hàng tại hội chợ thì Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức cùng tham gia buổi họp báo ngay tại chỗ. Trước đó, ngày 27-9, Tổ chức các nhà sản xuất thịt châu Âu (UPEMI) có buổi họp báo tại TPHCM cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo và thịt bò của các nước EU vào Việt Nam.
Có thể thấy, điểm chung của lãnh đạo những nước này là bày tỏ quyết tâm sẽ xúc tiến thương mại hơn nữa để có thể đưa nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm như sữa và các mặt hàng từ sữa, thịt, xúc xích, rượu bia, bánh kẹo, trái cây ôn đới các loại vào thị trường Việt Nam. Trước tình trạng đình trệ thị trường trong nước và khó khăn chung của những nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Tiến sĩ Robert Kloos, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức cho rằng, việc tham gia các hội chợ tại TPHCM là một trong những biện pháp tiếp thị hiệu quả cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Đức nhằm tìm kiếm thị trường và đối tác xuất khẩu mới. Tương tự, quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ ông Michael Scuse thừa nhận, các doanh nghiệp Mỹ cũng muốn tìm kiếm đối tác để xuất khẩu các loại trái cây như dâu tây, lê, táo và các sản phẩm thịt heo, bò, gà…
Những năm qua, Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều sản phẩm thịt từ các nước Úc, Brazil, Argentina… Các doanh nghiệp Đức muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để có xuất khẩu trực tiếp. Với dân số gần 90 triệu người và khoảng 7,2 triệu lượt khách du lịch vào năm 2015, Việt Nam trở thành thị trường thực phẩm và dịch vụ hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài như bà Bùi Thị Thục Anh, Giám đốc Vietcham Expo nhận định.
Theo ông Wieslaw Rozanski, Chủ tịch UPEMI, EU là một trong những khu vực có sản lượng thịt từ chăn nuôi lớn trên thế giới với công nghệ hiện đại. Thế nhưng EU xuất khẩu thịt sang các nước Đông Âu, châu Phi là chủ yếu, chưa chiếm lĩnh thị trường châu Mỹ, châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á. Đợt tham gia triển lãm này là hoạt động đầu tiên trong chiến dịch quảng bá kéo dài với thông điệp “hương vị truyền thống châu Âu”.
Ngoài Mỹ và Hàn Quốc, UPEMI chọn Việt Nam là thị trường tập trung hiện nay để tổ chức chương trình quảng bá thịt gia súc của EU. Việt Nam là thị trường có dân số đông, văn hóa ẩm thực phong phú, tỷ lệ tiêu thụ thịt trên đầu người còn thấp nên khả năng mở rộng thị trường nhiều hứa hẹn. Dự kiến 2 năm tới sẽ có nhiều sự kiện nhằm giới thiệu các sản phẩm thịt heo, bò của châu Âu cũng như tìm kiếm các đối tác phân phối để đưa thịt từ EU vào thị trường VN. Giá thịt heo từ châu Âu sẽ rất cạnh tranh tại thị trường Việt Nam nên vấn đề lớn nhất thời gian tới là tìm ra đối tác là các nhà nhập khẩu.
ĐĂNG LÃM