Làng bách nghệ

Làng bách nghệ

Từ bao đời nay, làng Trà Liên xã Triệu Giang (Triệu Phong, Quảng Trị) cứ đau đáu mỗi khi nói về con sông Thạch Hãn thơ mộng bỗng trở thành “nhát dao lạnh lùng” cắt làng ra làm hai. Một làng mà hai thôn. Bên kia bờ Thạch Hãn là thôn Trà Liên Đông sống với mảnh ruộng, cào hến sinh nhai. Còn bên này, Trà Liên Tây đất chật người đông lại không có nghề truyền thống nào nên làm đủ nghề để kiếm sống và họ quen gọi đùa là nghề... “thợ đụng”.

  • “Đói thì đầu gối phải bò...”
Làng bách nghệ ảnh 1

Một số người dân Trà Liên Tây đang gánh đá thuê cho một chủ thầu xây dựng ở thị xã Đông Hà.

Về Trà Liên Tây, cảnh làng yên ắng đến lạ. Một vài đứa trẻ vắt vẻo trên mình trâu, mấy cụ bà vội vã đi chợ phiên... Chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn Hồ Viết Hoạt.

Ông đang hì hục cuốc lại mảnh vườn. Nghe tôi thắc mắc, ông bật cười: “Cả làng đi làm từ sáng sớm rồi. Giờ chỉ còn người già với trẻ con thôi”. “Làm gì?” - Tôi hỏi. “Gì cũng làm hết. Cứ có người gọi là đi, bất kể việc gì miễn là kiếm được tiền”.

Rồi ông giải thích: Làng có gần 600 hộ với 2.664 khẩu thì có đến 1.158 khẩu không có việc làm ổn định. Trong khi đó, diện tích đất canh tác hạn hẹp, bình quân mỗi người được một sào ruộng, tần tảo lắm cũng đủ ăn 7 tháng, còn lại lấy gì đắp đổi, vì thế không thể ngồi khoanh tay hàng tháng được.

Cứ có người cần việc đến thuê là đi. Dân làng đi làm tận thị xã Quảng Trị ra đến Đông Hà, thậm chí lên đến Khe Sanh, Lao Bảo, rồi vô Nam. Đào đất, làm đường, đổ bê tông, đập đá hay bóc vỏ cây... bất cứ việc gì mà sức người có thể làm được là họ kham tất.

Tôi lẩm nhẩm tính, mỗi người dân ở Trà Liên Tây được chia khoảng 1 sào ruộng, bình quân một gia đình 4 người được 4 sào ruộng, làm trong vòng 5 ngày là xong. Những người chỉ biết làm ruộng, không có nghề nghiệp ổn định trở nên thất nghiệp. Thế là người ta bắt đầu gồng gánh kéo nhau đi làm thuê làm mướn khắp nơi... “Đói thì đầu gối phải bò…” - ông Hoạt nói thêm.

  • Thợ... “trăm nghề”
Làng bách nghệ ảnh 2

Người lớn đi làm xa chỉ còn trẻ con ở nhà.

Kề nhà ông Hoạt là nhà ông Nguyễn Kính, một “thợ đụng” thâm niên hơn 30 năm. Chúng tôi đến nhà, ông bận “hành nghề” ở tận thị xã Đông Hà. Chờ đến tối mịt mới gặp được ông. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hồng, cũng là “đồng nghiệp” của chồng, vui vẻ tiếp chuyện trong căn nhà vừa mới xây xong còn rất bề bộn.

Hơn ba mươi năm trước, bà về làm dâu nhà ông Kính. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp gì ngoài mấy sào ruộng. Khi ấy, gia đình ông bà được xếp vào hạng nghèo nhất nhì làng . Vì vậy, mỗi năm ngoài thời gian canh tác mấy sào ruộng, hai ông bà lại dắt díu nhau đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi sống gia đình. Đào ao, đắp đường, đắp nền nhà... chẳng có việc nào mà ông bà chưa làm.

Mà làm riết rồi quen, rồi thành “nghề” thành “nghiệp”. Dĩ nhiên đã là nghề thì phải có những bí quyết, những đồ nghề riêng. Cuốc xẻng phải được rèn bằng loại thép tốt, cán cũng làm bằng loại gỗ tốt. Khi cuốc đất thì phải cuốc như thế nào cho nhanh mà không phải mất nhiều sức và nhìn vào đất thì phải biết được trong một ngày có thể đào được mấy khối để còn tính giá... “Ấy vậy mà thỉnh thoảng chúng tôi cũng tính toán sai đến nỗi xém chút phải làm không công rồi đấy” - Bà cười.

Đó là lần hai ông bà nhận đào hào cho một gia đình ở thị xã Đông Hà. Thấy đất trên bề mặt thuộc loại đất thịt, ông chỉ tính giá theo mức bình thường. Ai ngờ, vừa đào được chừng hai mươi phân thì gặp phải đá. Lần ấy, hai ông bà làm đến bở hơi tai mà một ngày công chỉ “chạy” 7.000 đồng vừa đủ tiền ăn trưa, tiền nước uống. Cũng may, gia chủ hiểu và thông cảm nên trả cho họ theo ngày công lao động bình thường.

Một lần, ông bà gặp may khi đào đúng hố rác. Chỗ ấy ngày xưa là một khu lò rèn nên sắt vụn nhiều. Hôm đó chỉ riêng tiền bán sắt vụn cũng đã kiếm được hơn hai trăm nghìn... “Nhưng cái chính vẫn là dựa vào sức lao động của mình để kiếm tiền. Mình làm tích cực nên gia chủ rất tôn trọng. Có hôm làm không đạt người ta vẫn tính cho mình bình thường. Nhưng có những hôm làm vượt chỉ tiêu thì mình cũng cho lại gia chủ, gọi là tiền “lưu chủ”. Nói chung, bình quân mỗi ngày công đạt từ 35.000 đến 40.000 đồng là được".

Lan man trong câu chuyện, chúng tôi còn được bà Hồng cho biết, ở làng Trà Liên Tây, từ đứa trẻ lên ba đến bà già đi sấp đều có thể kể vanh vách những ai làm nghề gì. Cần người làm đất thì tìm vợ chồng ông Kính, bà Xanh, ông Vui..., cần bao nhiêu người để đổ bê tông thì tìm đến anh Dũng; cần người đập đá, bóc vỏ cây hay khai thác gỗ thì tìm...

  • Nghề phụ nhưng thu nhập chính

Hơn 30 năm làm nghề “thợ đụng”, sức khỏe của bà Hồng, ông Kính đã không còn như xưa. Đêm về gân cốt cứ đau rã rời, đặt lưng xuống giường có cảm giác như toàn thân bị tê liệt. Vất vả là vậy nhưng từ bao nhiêu năm nay, nghề “thợ đụng” vẫn tồn tại ở Trà Liên Tây như một thứ nghề cha truyền con nối. Thử làm một phép tính đơn giản: năm 2003, tổng sản lượng lương thực qui thóc của làng Trà Liên Tây khoảng 1.339 tấn.

Tính theo giá lúa hiện nay được gần 2,3 tỉ đồng. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày công làm thuê khoảng 40.000 đồng. Tổng thu nhập từ làm thuê của 1.158 khẩu không có việc làm ổn định mỗi năm thu hơn 17,3 tỉ đồng. Một sự chênh lệch khá ấn tượng. Điều đó lý giải tại sao hàng bao nhiêu năm nay, người dân ở làng Trà Liên Tây vẫn theo đuổi những công việc nhọc nhằn ấy.

Hơn nữa, nguồn thu nhập từ nghề... “thợ đụng” cho phép nhiều gia đình ở Trà Liên Tây vươn lên thoát khỏi đói nghèo, thậm chí xây dựng được nhà cửa khang trang và cho con học hành đến nơi đến đến chốn. Căn nhà vừa mới xây xong của gia đình ông Nguyễn Kính cũng chính là thành quả của hơn 30 năm bươn chải làm thuê, làm mướn của hai ông bà. “Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì cả đời không thể nào có được cơ ngơi này”.

Khi chúng tôi rời Trà Liên Tây thì làng vẫn chìm trong vắng lặng. Và tôi biết rằng, ẩn trong sự yên lặng ấy, mồ hôi của những người “thợ đụng” ở Trà Liên Tây vẫn đang chảy trên mọi dặm đường mưu sinh. Nói như ông Nguyễn Hoắt, một bậc “tiền bối” đã giải nghệ thì nghề “thợ đụng” ở Trà Liên Tây đã trở thành nếp nghĩ, cách làm của người dân, bình thản như con sông Thạch Hãn từ bao đời nay vẫn chảy qua làng không ngưng nghỉ. 

NAM DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục