Làng Cam dang dở

Dự án Làng Cam được khởi công xây dựng vào giữa năm 2015 và kế hoạch hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý 4-2018. Tuy nhiên đến nay, Làng Cam vẫn còn là bãi đất trống, dùng vào việc chăn thả gia súc, gia cầm. 
Bên trong Làng Cam hiện vẫn còn bỏ hoang
Bên trong Làng Cam hiện vẫn còn bỏ hoang

Năm 2013, UBND TPHCM có quyết định giao Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM 49.000m2 đất để xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng, điều trị và dạy nghề cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (hay còn gọi Làng Cam) tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Dự án được kỳ vọng sẽ là mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh do hậu quả chiến tranh hóa học để lại, trong đó có hơn 5.000 cựu chiến binh tham gia cuộc chiến chống Mỹ cứu nước hiện đang sinh sống tại TPHCM. Dự án Làng Cam được khởi công xây dựng vào giữa năm 2015 và kế hoạch hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý 4-2018. Tuy nhiên đến nay, Làng Cam vẫn còn là bãi đất trống, dùng vào việc chăn thả gia súc, gia cầm. 

Dự án nhân văn

Còn nhớ cách đây 3 năm, tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Làng Cam. Ngày ấy, dự án được chính quyền và nhân dân TPHCM đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình, bởi đây là dự án nhân văn sẽ chăm sóc gần 20.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đang sinh sống trên địa bàn TPHCM. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin TPHCM, cho biết, để xây dựng Làng Cam, UBND TPHCM đã cấp cho hội 49.000m2 đất tại địa điểm trên.

Đây là công trình mang tính xã hội hóa, được nhiều tầng lớp cán bộ, nhân dân hưởng ứng và cộng động quốc tế hoạt động ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng rất ủng hộ. Với mong muốn xây dựng một trung tâm nghiên cứu khoa học và hỗ trợ giúp nạn nhân da cam/dioxin hòa nhập cộng đồng, công trình bao gồm 9 hạng mục và trang thiết bị phục vụ y tế, dạy nghề để nuôi dưỡng các nạn nhân da cam không nơi nương tựa. “Làng Cam là công trình độc đáo có một không hai trên đất nước Việt Nam, mang ý nghĩa nhân đạo, tính nhân văn cao; là đạo nghĩa, tình người mà chúng ta không được phép quên họ. Nguồn vốn xây dựng Làng Cam do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM vận động từ các các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong nước và quốc tế với khoảng 100 tỷ đồng và chia làm 3 giai đoạn thi công. Giai đoạn 1 là phát quang, san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh, xử lý nước thải và điện chiếu sáng. Giai đoạn 2 và 3 thực hiện các công trình cơ bản của Làng Cam như khu trung tâm hành chính, khu nuôi dưỡng, khu điều trị, khu tập vật lý trị liệu”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thông tin.

Mặc dù đã được UBND TPHCM và các cấp, ngành hậu thuẫn, hỗ trợ nhiệt tình và dự kiến Làng Cam hoàn thành vào quý 4-2018. Ấy vậy mà hơn 3 năm trôi qua, kể từ ngày khởi công, Làng Cam vẫn còn ngổn ngang, dang dở. Hiện đàn heo, gà tự do đi lại trong khuôn viên dự án, cây cối mọc um tùm, người dân địa phương vượt rào len lỏi vào những rừng cây bắt ong làm tổ... là những gì chúng tôi dễ dàng nhìn thấy tại khuôn viên đất xây dựng Làng Cam.

Đi theo con đường mòn chạy dọc kênh T10, ngoài cỏ dại mọc um tùm thì dấu hiệu cho thấy sự hiện hữu của Làng Cam chỉ vỏn vẹn là cái chòi canh và biển chỉ dẫn công trình đã sụp đổ. Thậm chí những người dân sinh sống ở đây cũng không biết đây là dự án gì, họ chỉ biết đây là khu rừng rậm có người thường vào kiếm ong làm tổ. Công trình đáng kể nhất, có lẽ là tường rào - được xây ngay sau khi khởi công vào năm 2015 để khoanh vùng đất xây dựng - nhưng đã sụp đổ một số đoạn. Kỳ vọng nơi ăn chốn ở cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam vào cuối năm 2018 chưa thành hiện thực. Vì sao?

 Thiếu kinh phí

Lý do chưa thể khởi động Làng Cam, theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là do... thiếu vốn. “Hiện tại hội chỉ có trong tay chưa đến 10 tỷ đồng. Rất nhiều doanh nghiệp đã hứa hỗ trợ kinh phí nhưng họ bảo hội cứ xây xong rồi mới chuyển tiền, mà hội chưa đủ tiền xây…”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thổ lộ. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm Làng Cam khởi công có Công ty TNHH Da Cam, do bà Đinh Thị Lụa làm đại diện, đi kêu gọi tài trợ với sự đồng ý của Hội nạn nhân chất độc da cam TPHCM.

Để tạo niềm tin, công ty này đã hứa đầu tư kinh phí khởi công giai đoạn 1 khoảng 40 tỷ đồng, bao gồm phát quang, san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh, xử lý nước thải và điện chiếu sáng… Hứa là thế, nhưng theo ông Trần Ngọc Thổ, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện như cam kết ban đầu và số tiền mà họ đứng ra vận động từ các mạnh thường quân được bao nhiêu và đi về đâu thì không ai biết! “Chúng tôi đã “tin lầm” và không thể kiểm soát được những việc làm của doanh nghiệp này. Sau khi phát hiện Công ty TNHH  Da Cam không làm đúng cam kết ban đầu, Hội nạn nhân da cam/dioxin TPHCM đã chấm dứt hợp đồng và yêu cầu doanh nghiệp không được nhân danh hội để vận động tài trợ cho dự án Làng Cam”,  Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thừa nhận.

Do không thể có đủ vốn để tiếp tục triển khai xây dựng nên dự án Làng Cam đã phải “lỡ hẹn” trong thời gian dài. Khi được hỏi về lộ trình xây dựng trong thời gian tới, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết, trước mắt trong năm 2019, hội sẽ xây dựng một số hạng mục cơ bản là dãy nhà cấp 4 với những trang thiết bị cần thiết để có thể tiếp nhận hơn 30 trẻ em ở Làng Hòa Bình chuyển đến. Dự kiến vào quý 2-2019, tất cả trẻ em ở Làng Hòa Bình sẽ được chuyển đến đây khi Làng Hòa Bình dừng hoạt động. 

Đóng cửa làng Hòa Bình

Từ Làng Cam, chúng tôi trở lại Làng Hòa Bình trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ Lê Thị Hiền Nhi, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Từ Dũ - đơn vị quản lý trực tiếp Làng Hòa Bình, cho biết ban giám đốc bệnh viện đã quyết định dừng hoạt động Làng Hòa Bình. Lý do là các trẻ ở đây ngày càng lớn và cần có môi trường chuyên nghiệp, đầy đủ hơn để phát triển.

Đặc biệt, trẻ cần có môi trường sống hòa nhập với cộng đồng, xã hội để phát triển toàn diện hơn. Nhiều năm qua, Làng Hòa Bình chỉ dừng lại ở việc chăm sóc cho trẻ về vấn đề y tế; còn vấn đề về văn hóa, dạy nghề, bệnh viện phải gửi trẻ ra bên ngoài để học tập rất vất vả và phức tạp. Do đó, được sinh sống trong các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật có đầy đủ bộ phận y tế chăm sóc sức khỏe, bộ phận giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp thì sẽ tốt hơn cho tương lai của trẻ. “Đây là môi trường bệnh viện, không phù hợp cho sự phát triển của bất kỳ một đứa trẻ bình thường nào, chứ chưa nói đến trẻ khuyết tật và chúng tôi chỉ muốn làm những gì tốt nhất cho trẻ”, bác sĩ Hiền Nhi khẳng định.

Hiện Làng Hòa Bình đang nuôi dưỡng 35 trẻ, trong đó 2/3 là trẻ bị bại não, một số trẻ vẫn vận động, đi học được. Em nhỏ tuổi nhất được nuôi dưỡng tại đây mới 3 tuổi, còn lớn nhất cũng đã 38 tuổi. Để chuẩn bị cho việc đóng cửa Làng Hòa Bình, từ 3 năm qua, Bệnh viện Từ Dũ không tiếp nhận thêm các trẻ khuyết tật. Dự kiến, sau khi không nuôi dưỡng các em nhỏ khuyết tật, Làng Hòa Bình sẽ trở thành khu vực dành riêng để điều trị phục hồi chức năng cho trẻ em.

Về việc sắp đóng cửa Làng Hòa Bình, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ -  người sáng lập Làng Hòa Bình - rơm rớm nước mắt, trải lòng: “Làng Hòa Bình không đơn thuần là nơi nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật mà từ lâu đã trở thành gia đình của các em. Những đứa trẻ khuyết tật, là nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3 của chất độc da cam/dioxin cần có nơi để nương tựa. Việc đóng cửa Làng Hòa Bình sẽ để lại sự hụt hẫng, khoảng trống tâm lý rất lớn cho các trẻ. Tâm nguyện của các con là được ở với nhau bởi đã coi nhau như ruột thịt”. 

Làng Hòa Bình sắp đóng cửa, trong khi Làng Cam chưa thành hình hài, số phận của những đứa trẻ sắp tới sẽ ra sao? Không biết Làng Cam có kịp hoàn thành các hạng mục để có thể tiếp nhận trẻ vào thời điểm quý 2-2019?

Tin cùng chuyên mục