Làng của những người lính biển

Làng của những người lính biển

Sâu trong vùng núi xa miền Tây Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) là nơi sinh sống của những người lính biển từng chiến đấu, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Về lại đời thường, họ mưu sinh bên làng biển, bên những người mẹ mà mỗi đợt sóng cồn lại động viên con sát cánh cùng đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió.

Viết đơn tha thiết ra Trường Sa

Về xã Tây Trạch mùa này lạnh cứng, ấy thế mà hỏi bất cứ ai chuyện trai làng đi lính bảo vệ Trường Sa, người trẻ hay người già đều chỉ bày tận tình. Cũng phải, bởi đây là địa phương nhiều nhất nhì miền Trung có con em tình nguyện ra bảo vệ Trường Sa đến gần 40 người. Làng Võ Thuận nhỏ bé giữa triền đồi, anh Dương Thanh Luyện kể về ký ức những tháng ngày sục sôi và tha thiết: “Nghe đến Trường Sa, Hoàng Sa, lòng người ở đây cứ nhớ, cứ thương, cứ muốn đến cho bằng được. Xa vậy nhưng hễ ai nói tên thôi là đã không thể nguôi ngoai. Rứa nên thời tui còn trai trẻ đã cùng bạn bè viết đơn tình nguyện đi lính biển, rồi tình nguyện viết đơn cầm súng bảo vệ Trường Sa cùng đồng đội”. Mùa đông năm 1991, anh Luyện cùng 4 anh em chòm xóm gác việc đồng áng, viết đơn gia nhập hải quân gồm Dương Văn Cần, Dương Văn Kiểm, Phạm Xuân Cường, Phan Thanh Điềm. “Lúc đi khám, Điềm không đủ tuổi, mấy anh em lại cùng chăn trâu cắt cỏ với nhau. Điềm buồn, anh em cũng buồn nên bàn với nhau nói với mạ (mẹ) Điềm báo lên trên giấy khai sinh của Điềm mất, làm lại giấy khai sinh, ghi từ 17 tuổi lên thành 19 tuổi để được đi. Mạ Điềm khai lại giấy, rứa là Điềm trúng vào bộ đội, cả nhóm cùng đi lính hải quân”, anh Luyện kể. Vào đơn vị, cả mấy anh em cùng viết đơn tình nguyện ra Trường Sa nhưng chỉ Điềm, Kiểm, Luyện toại nguyện, hai anh em còn lại cấp trên giao nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa.

Những người lính Trường Sa ở Tây Trạch về lại với đời thường.

Cùng đợt đó ở quê hương Tây Trạch còn có 8 thanh niên ở các xóm khác trở thành lính đảo. Và họ tự hào rằng ngày nay ở mảnh đất hẻo lánh này xóm nào, làng nào cũng có lính đảo. Thật ra, năm 1988, mảnh đất này đã có Nguyễn Văn Đông làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma. Và từ sau 1991 đến nay, có thêm 20 trai làng trở thành lính Trường Sa. Mới nhất cũng có 4 thanh niên cường tráng gồm Đặng Quang Tuấn, Dương Đình Tứ, Nguyễn Tùng Định, Lê Ngọc Dũng vừa hoàn thành nghĩa vụ từ Trường Sa trở về. Người ở Tây Trạch kể, quê hương của họ hễ có đợt tòng quân, thanh niên của làng đều quyết tâm tình nguyện ra với máu thịt Trường Sa. Ra đó như trở về mái nhà của biển đảo Tổ quốc. Anh Nguyễn Văn Đông nói: “Ở đó là đồng đội, là lớp lớp cha ông đã giữ gìn đầu sóng ngọn gió, mỗi lần nhắc đến, ai cũng muốn chung tay gắng sức góp phần bảo vệ Trường Sa máu thịt”. Ông Dương Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, đầy tự hào: “Noi gương các thế hệ đàn anh đi trước, hiện có 3 người con của quê hương Tây Trạch đang chắc tay súng sát cánh với đồng đội trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng”.

Trở về sau quân ngũ

Anh Nguyễn Văn Đông là một trong ít người may mắn sống sót sau trận Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma vào tháng 3-1988. Sau trận đó, Đông cùng với Mai Xuân Hải (Liên Trạch), Nguyễn Văn Thống (Nhân Trạch) cùng huyện bị bắt về bán đảo Lôi Châu giam giữ đến hơn 3 năm mới được thả về qua kênh ngoại giao. Ngày Đông về, cả làng, cả xã vui mừng khi được Chủ tịch nước Võ Chí Công ký tặng Huân chương Chiến công hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Từ hai bàn tay trắng, anh Đông lên đồi hoang khai phá, nay có rẫy cao su, làm nhà khang trang, con cái lớn lên được đi học, ngoan hiền.

Thật ra, cuộc trở về sau quân ngũ không phải ai cũng may mắn. Bởi mảnh đất Tây Trạch quá khó khăn. Nhưng với tư chất của người lính Cụ Hồ, hầu như ai cũng đi đầu gương mẫu, không kêu than, không so bì, không kèn cựa, không nề hà. Địa phương giao bất cứ việc gì đều làm tròn vạnh để con cháu, lớp trẻ nhìn vào noi theo. Anh Luyện trở về, gầy dựng căn nhà nhỏ, dần dà tạo đất ruộng, vườn tược, trâu bò, heo gà. Con cái có hai đứa. Tưởng đề huề, nhưng sinh ra lớn lên 2 cháu bị dị tật. Khám mới biết bị nhiễm chất độc da cam, vợ anh thấy thế cũng đổ bệnh. Với anh, đôi vai người lính gánh vác tất cả. Anh chăm bón từng miếng ăn cho con, thuốc thang cho vợ đâu vào đấy rồi cày cuốc ruộng vườn mà dựng lên căn nhà kiên cố. Mọi việc đều gương mẫu, xóm làng ai cũng nể thương.

Sau ngày trở về đầy tự hào, cựu binh Lê Văn Yếm ở thôn Làng lấy Trần Thị Tuyền làm vợ. Họ sinh hạ một bé gái, làm thuê nuôi con ăn học. Tuy nhiên cuộc sống quả thật khắc nghiệt, một ngày anh Yếm phát bệnh tâm thần rồi qua đời năm 2011, để lại vợ con trong căn nhà nhỏ. Cuộc sống chị Tuyền khó khăn bội phần hơn trước, nhưng nghĩa đồng đội với nhau, anh em lính đảo về họp lại, trích từ thu nhập ít ỏi để phụ giúp mẹ con chị khi có dịp, bởi tình keo sơn mãi đậm sâu phía quê nhà.

Động viên con cái lên đường

Tôi xòe bàn tay ra đếm giữa làng cát Đơn Sa (Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) với người mẹ làng biển Hồ Thị Đức. Mẹ cũng đếm đếm đầu ngón tay, nhà có 4 con trai thì 3 đứa mẹ động viên đi lính biển. Đứa con đầu là Anh hùng LLVTND Trần Văn Phương hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988. Trần Xuân Hồng cũng nối gót anh trai. Đứa con út Trần Xuân Hiệp mẹ Đức cũng động viên thành lính biển. Mẹ nói: “Ra biển ra đảo là người lính Cụ Hồ, ở nhà mệ yên tâm. Rứa nên trước khi mất, thằng Phương có đứa con Trần Thị Thủy, lớn lên thì mệ cũng động viên đi biển. Chừ hắn là đồng đội với ba hắn đó”.

Làng nhỏ Hiển Lộc (Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) bên dòng Kiến Giang có ngôi nhà của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong hy sinh năm 1988 ở Gạc Ma. Trước đây ngóng tin chồng, rồi con trai lớn Nguyễn Mậu Trường noi gương bố viết đơn tình nguyện ra Nam Yết, chị cũng dốc lòng động viên. Đứa con út Nguyễn Tiến Xuân theo gương anh, chị cũng vỗ về “để con thành lính biển”. Xuân nay là sĩ quan hải quân. Thăm căn nhà nhỏ, chị kể: “Bố Phong mất thì 2 con còn nhỏ, lớn lên theo bước chân cha. Hễ đứa anh về thì vắng đứa em, hễ em về thì anh lại đi xa. May mà vừa rồi cả 2 đứa về mà 3 mẹ con có được bữa cơm đoàn viên”. Nói thế thôi, nhưng chị Liễu tự hào con cái của mình là người lính Cụ Hồ. Mùa đông năm nay, Xuân theo tàu công tác đến với các đảo, thi thoảng gọi điện cho chị. Chị luôn động viên con can trường, sống nghĩa tình với đồng đội, với anh em, chú bác trong đơn vị. Con trai lớn đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng nếu có sự phân công của tổ chức, chị vẫn động viên con tiếp tục lên đường. Bởi với chị, nghĩa quê hương, Tổ quốc thiêng liêng vô cùng.

Mảnh làng mà chúng tôi đi qua, nơi ấy liếp nhà dân quê còn muôn vàn khó khăn, nhưng tấm lòng với nước lúc nào cũng trung trinh vững chãi. Bởi mỗi người sinh ra đều được truyền lại tình cảm bản quán, hương hỏa từ cha ông và tình yêu kiên định của người lính Cụ Hồ từng thế hệ về làng lao động sản xuất.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục