Lãng đãng với Văn Hiệp tiên sinh!

Tôi là thế hệ đàn em, nhưng lại may mắn được cộng tác với lão ca Văn Hiệp từ rất sớm (những năm 1980). Thuở còn là thằng diễn viên oắt con ở xưởng phim truyện VN tôi đã có dịp chạm mặt đàn anh trong những buổi lồng tiếng phim truyện.
Lãng đãng với Văn Hiệp tiên sinh!

Tôi là thế hệ đàn em, nhưng lại may mắn được cộng tác với lão ca Văn Hiệp từ rất sớm (những năm 1980). Thuở còn là thằng diễn viên oắt con ở xưởng phim truyện VN tôi đã có dịp chạm mặt đàn anh trong những buổi lồng tiếng phim truyện.

Choáng! Đó là ấn tượng đầu tiên mà tôi còn nhớ. Văn Hiệp học lời thoại cực nhanh nhưng khi lồng tiếng thì ông lại rất láu cá trong kỹ thuật khớp tiếng. Anh không bao giờ chính xác được 100% nhưng anh lại rất giỏi để tạo ra một kết quả mà cả đạo diễn khó tính vẫn chấp nhận.

Thật ra tôi biết Văn Hiệp trước khi quen anh, vì từ khi còn học trong trường nghệ thuật, lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 chúng tôi vẫn nhiều lần được chiêm ngưỡng anh trong các vở diễn của Nhà hát kịch Trung ương.

Loắt choắt, nhỏ con, lanh lẹ... anh luôn tạo được những ấn tượng thú vị trong những vai diễn của mình. Đó cũng là một trong những hình mẫu mà lớp đàn em chúng tôi luôn noi theo.

Có lẽ cũng là do duyên số nào đó mà tôi có dịp gắn kết với anh một quãng thời gian khá dài. Đầu những năm 1990, chương trình Văn nghệ chủ nhật của NSND Khải Hưng sáng lập đã tạo dựng cơ hội cho anh em chúng tôi có dịp “đồng cam cộng khổ”. Nghề diễn ư, thì cũng đã nhiều người nói về sự vất vả. Tôi có lẽ cũng vất vả chẳng kém ai. Nhưng so với lão ca Văn Hiệp thì hình như tôi vẫn còn may mắn hơn lão.

Tôi nhớ: Một buổi quay (khoảng năm 1995) khi nghỉ trưa, mọi người nghỉ ngơi ăn uống. Anh (Văn Hiệp) xách chiếc điếu cày cố hữu ra một chỗ, rít liên tiếp cho đã cơn thèm. Mọi người trong đoàn phim hò nhau đi ăn cơm (tất nhiên là cơm bụi thôi), Văn Hiệp tiên sinh vẫn ngồi uống nước trà loãng của đoàn.

Tôi nói: Lão kia. Đi ăn đi mà còn về làm. Văn Hiệp cười hiền lành: Tao no, chẳng muốn ăn. Nghe vậy rồi cũng chẳng để ý (ở đoàn phim, chuyện đó bình thường mà). Nhưng rồi cuối chiều thấy anh tôi (Văn Hiệp) lúng túng khẽ hỏi: Trọng ơi, hôm nay anh không ăn với đoàn thì anh có được lấy tiền ăn không? Tôi ngớ ra: Sao anh lại hỏi thế? Anh không ăn thì đấy là tiền của anh mà? Lão cười hiền lành: À, là tao hỏi thế thôi. Chuyện chỉ vớ vẩn vậy thôi. Nhưng rồi sau tôi mới hiểu được. Đằng sau những câu hỏi thật thà, những nụ cười hiền lành cam chịu của ông anh tôi là cả một bể đắng cay. Một kiếp nghệ sĩ đầy tài năng mà quá thiệt thòi...

Nhớ lại và viết những dòng này mà tôi không kìm nổi nước mắt.

Văn Hiệp ơi! Khi anh em chúng mình làm phim Trạng, anh mắng em, anh khen em thế nào thằng Trọng vẫn còn nhớ như in. Vẫn đó, vẫn đây... vậy mà giờ anh lãng đãng phiêu du nơi nào. Xót xa lắm!... Nhưng rồi lại tự an ủi mình vì cảm thấy hình như anh đã được giải thoát.

“Nơi trần thế bon chen lắm nỗi
Lúc người về thể xác cũng về theo
Trong trăm năm phút chốc bay vèo
Hồn bảng lảng lạc vào tiên giới lạ”.
...
Bình an nơi cõi vĩnh hằng anh nhé! 

NSƯT, đạo diễn Quốc Trọng

Tin cùng chuyên mục