Mới rời Làng Ho cách đây vài tháng nhưng nay quay lại không thể ngờ rằng bộ mặt Làng Ho thay đổi nhiều đến thế. Không chỉ có trạm quân dân y, nhà văn hóa, đường bê tông mà còn có những nóc nhà mới… Tất cả nhà dân bản đều mới, trẻ con, người lớn… ai nấy cười tươi như hoa. Một cuộc đổi thay xứng đáng với tấm lòng dân bản Làng Ho đã hết lòng đi theo cách mạng.
Yên bình Tây Trường Sơn
Lặng lẽ giữa núi rừng, nằm cách TP Đồng Hới hơn 100km tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, một thời Làng Ho như bị lãng quên trước dòng chảy của cuộc sống. Nhưng với những người lính đã từng đến, từng ra đi từ đây, họ mãi nặng nợ với nơi này.
Từ những ngày đầu tiên của Đoàn 559, nơi đây được chọn làm Chỉ huy sở tiền phương, nơi tiếp nhận và xuất phát của những đoàn quân vào chiến trường miền Nam. Trong những năm dài chiến đấu, đồng bào Bru - Vân Kiều Làng Ho đã đồng lòng, sát cánh cùng bộ đội mở các tuyến đường xuyên rừng, vượt suối để vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ chiến trường.
Gần 40 năm sau ngày đất nước hòa bình, dân bản Làng Ho vẫn nghèo, cuộc sống heo hút giữa đại ngàn, không có điện, không có trạm y tế, nước sạch, người dân sống tạm bợ trong những mái lá xiêu vẹo.
Từ khi cung đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa đi qua và sự góp sức của những chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, cuộc sống người dân nơi đây phần nào bớt cơ cực, tuy nhiên cái khó, cái nghèo vẫn chưa buông.
Cuối năm 2010, trong một chuyến khảo sát, những người thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đến nơi này và ý tưởng xây dựng nơi đây thành một bản văn hóa kiểu mẫu trên dãy Trường Sơn thành hình. Ý tưởng này được sự chia sẻ của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) với số tiền tài trợ 3 tỷ đồng. Sau đó, các hạng mục nhà văn hóa, trạm quân y, công trình nước sạch, nhà ở, đường giao thông lần lượt ra đời.
Khởi sắc bản kiểu mẫu
Tháng 11-2012, chúng tôi về Làng Ho trong chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công dự án xây dựng bản văn hóa Làng Ho, hình ảnh trước mắt những người thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn là một Làng Ho mới, giống như những gì họ đã hình dung từ ý tưởng cho đến bản thiết kế trên những trang giấy. Mỗi bước chân, mỗi mét vuông đất nơi đây đều khoác áo mới. Khách phương xa tới, những khoanh sắn, trái ngô non ngọt được mang ra, trong cái tình của bà con Bru - Vân Kiều là niềm vui của những thực khách, bởi giờ đây chúng đã không còn là thứ lương thực chính trong bữa ăn mà trở thành thức vị đặc sản để mời khách.
Ngay đầu bản là công trình nhà văn hóa và trạm quân dân y khang trang, đầy đủ các hạng mục để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cũng như khám chữa bệnh cho bà con, hệ thống nước sạch được dẫn về trung tâm bản với 2 bể chứa lớn. Bên con đường bê tông cao ráo dẫn sâu vào trong, 33 căn nhà mới vững chãi trị giá 1 tỷ 500 triệu đồng đã hoàn thiện, mùi gỗ mới quyện trong gió chiều. Đường nội bộ sạch sẽ, phẳng lì, những hàng rào được bà con dựng quanh nhà chắc chắn. Trong vườn, màu xanh của những loại cây ăn trái miền xuôi đang phủ dần những khoảng đất trống trước nhà. Màu cây mới, màu gỗ mới, màu những con đường mới hòa quyện trong bức tranh rực rỡ giữa đại ngàn với những nét chấm phá hội nhập xuôi ngược.
Sát cánh bên những công trình dân sinh mà chương trình mang đến nơi đây luôn là những người lính biên phòng cắm bản. Họ đã dần thay đổi nếp nghĩ của bà con, từ thói quen sinh hoạt cho đến cách làm kinh tế. Cho đến hôm nay, bà con người Bru - Vân Kiều Làng Ho đã được ở trong những căn nhà mới, vườn nhà đã có những cây trái miền xuôi, ốm đau đã có trạm xá với những bác sĩ quân hàm xanh tận tình.
Dưới ánh chiều Trường Sơn, những người phụ nữ quét dọn nhà cửa sân bãi, những đứa trẻ quây quần bên đống lửa ấm thơm mùi lá khô, nam giới tất bật lùa những con heo, con bò vào chuồng mới thay vì cột ngay dưới sàn nhà như trước. Chúng tôi đến thăm gia đình Anh hùng Hồ Uôi, người đầu tiên tại Làng Ho được Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn tặng nhà và cũng từ ngôi nhà ấy, ý tưởng xây dựng một bản hoàn thiện, một bản mẫu trong những người thực hiện chương trình bắt đầu. Tay bắt mặt mừng như đón những người thân đi xa trở về, già Hồ Uôi cứ nắm chặt tay từng người như sợ vuột đi mất: “Vui lắm, mừng lắm, rồi đây sẽ bảo con cháu chịu khó làm ăn, trồng nhiều cây xanh, giữ vệ sinh làng bản, bố cảm ơn” .
Rời Làng Ho trong niềm vui khôn tả. Nhưng trong lòng những người đã lên ý tưởng cho Làng Ho dường như vẫn còn đó những băn khoăn. Các công trình dân sinh về cơ bản đã hoàn thiện, nhưng rồi đây phải làm thế nào để đảm bảo cuộc sống của người dân phát triển. Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, tranh thủ hội ý với các cán bộ Biên phòng Làng Ho về một kế hoạch tổ chức dạy nghề cho bà con trong thời gian tới.
Chiếc xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đưa chúng tôi vượt con dốc sau bản, Làng Ho xa dần trong tầm mắt, nép mình điểm xuyết giữa màu xanh của đại ngàn thung lũng Hoa Cau. Trên những mái nhà mới, làn khói chiều tỏa ra ấm áp như sưởi ấm lòng những người khách phương xa, sưởi ấm hy vọng về một Làng Ho trù phú trong tương lai.
Phú Khuynh