Hơn một trăm năm qua, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng cả nước với nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh truyền thống quanh năm, đủ cả bốn mùa. Năm nay tết đã cận kề nhưng người làng hoa đang thấp thỏm.
Phập phồng hoa truyền thống
Những vườn hoa đủ loại đủ màu kề nhau, chạy dài dọc tỉnh lộ 848, con đường huyết mạch nối thị xã Sa Đéc và TP Cao Lãnh. “Thời tiết năm nay sao kỳ quá, bông bụp lá còn xanh mởn mà phía dưới cứ sần sùi rồi rụng luôn, hoa hồng bị đốm lá ngay cả khi đã cơi rồi…”, chị Kim Âu, xã Tân Khánh Đông (thị xã Sa Đéc) đang đẩy xuồng dọc theo những luống hoa nói vọng lên.
Người phụ nữ 3 con rám nắng, dáng dấp mạnh khỏe này suốt ngày chỉ loanh quanh bên mảnh vườn rộng 1.600m². Năm nay, chị có thêm giống mới như hoàng yến Thái Lan (50.000 đồng/cây giống nhỏ xíu), bông bụp 10 loại với 10 màu khác nhau...
Theo các hộ trồng hoa, tùy loại hoa thời điểm xuống giống hoặc lên giỏ khác nhau, sớm nhất là cúc mâm xôi được trồng từ giữa tháng 6 âm lịch, kế đến là cúc Đài Loan, cúc tiger, thược dược, hoa hồng... và cuối cùng là hoa vạn thọ được xuống giống vào đầu tháng 11 âm lịch. “Giá cả cái gì cũng lên, từ thuốc, phân rơm, giỏ, đến công thợ (đàn ông 130.000 đồng/ngày, phụ nữ 80.000 đồng/ngày) nên ai mướn đất trồng (3 - 3,5 triệu đồng/công/năm) là sống trong sợ hãi, chị Âu hóm hỉnh. Lại một năm nữa dân trồng hoa nhấp nhổm vì thời tiết và giá.
Toàn thị xã Sa Đéc hiện có gần 345ha đất trồng hoa kiểng với 1.900 hộ chuyên sống bằng nghề trồng hoa kiểng, tập trung tại xã Tân Khánh Đông, phường Tân Quy Đông, An Hòa và phường 3. Riêng vụ hoa tết năm nay nông dân xã Tân Khánh Đông đã xuống giống 110ha, tăng 10ha so với năm 2011.
Cơ hội cho cỏ nhung, kiểng
Chỉ cách vườn hoa không xa là hàng chục người phụ nữ ngồi xổm trên một khoảng đất trống, bằng phẳng rộng đến 500 - 600m². “Đây là nghề trồng cỏ nhung Nhật dùng để trang trí sân vườn biệt thự, sân golf, khách sạn nhà hàng…”, cô gái tên Hạnh gạt mồ hôi trả lời. Nghề này “mệt dai dẳng” bởi suốt ngày phải còng lưng hứng nắng. Để trồng cỏ nhung, việc đầu tiên chọn nơi có nhiều ánh nắng. Sau khi thổi cát bùn lên lớp đất thịt người ta chia đất thành từng mảnh theo nhu cầu, có rãnh thoát nước tốt. Đất phải “liền mặt”, không được lồi lõm, cong vênh. Sau đó rải lớp tro trấu lên bề mặt đất trồng cỏ nhung. Công việc tiếp theo lấy cỏ nhung giống trồng. Người công nhân phải có tay nghề, có kỹ thuật thảm cỏ mới lên đều, đẹp. Cỏ trồng xong phải được rải đầu tro trấu lên mặt... Trong vòng 25 ngày cỏ nhung mọc dày thành thảm.
Trung bình 1 năm người ta có thể trồng từ 6 đến 8 đợt cỏ nhung, thu lãi cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cây ăn trái, gấp 5 - 6 lần so với làm ruộng. Nhiều hộ thu hoạch cỏ nhung từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tại xã Tân Khánh Đông có hàng trăm người sống dựa vào cỏ nhung. Trồng cỏ nhung đem ngoại tệ về, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người.
Ông Lê Thái Tam, 40 tuổi, cho biết cỏ được thương lái từ TPHCM xuống mua, chuyển đi bằng xe tải. Trước kia, giá 1m² cỏ nhung 30.000 - 40.000 đồng nay chỉ có 16.000 - 17.000 đồng nhưng gần tết giá tăng dần lên. Cỏ nhung được xuất sang các quốc gia lân cận như Lào, nhiều nhất là Thái Lan, giá khoảng 40.000 đồng/m².
Trong khi đó nhiều hộ năng động chuyển sang đầu tư các loại hoa kiểng tạo cảnh công trình, bonsai do đầu ra thuận lợi, hàng bán được giá. Thu nhập từ hoa kiểng công trình tăng khoảng 40 - 45 triệu đồng/công (1.000m²) so với hoa tết truyền thống. 1ha hoa kiểng ở đây có thể mang lại cho nguời trồng hoa thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.
Trước đây, từ tháng 9 âm lịch trở đi, thương lái các nơi đổ xô đến đặt hàng, thế nhưng năm nay, đến thời điểm này nhiều chủ hoa treo biển rao bán nhưng chưa có ai mua. Nhiều chủ vườn dự báo năm nay sức mua sẽ thấp hơn. Các mặt hàng khác có thể hạch toán được lợi nhuận, nghề trồng hoa tết chỉ biết được lời lỗ vào chiều 30 Tết. Đầu ra cho nghề trồng hoa tết truyền thống cũng giống như lúa, cá, vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Nhưng thương lái không hề có hợp đồng đặt hàng về chủng loại, số lượng và giá cả. Đến mùa, họ đến, tự chọn chủng loại, rồi ấn định giá mua. “Hoa cho người phải đẹp, nhưng đời người trồng hoa cực nhọc lắm, như làm rẫy. Vốn ít lỗ nặng nhiều hộ chịu không thấu đã phải buông nghề, bà già tôi còn nợ đầm đìa. Vì nghề cha ông truyền lại nên cố giữ”, chị Kim Âu tâm sự.
VŨ THỐNG NHẤT
| |