Trong khoảng 15 năm, tính từ ngày vài hộ dân đầu tiên mạnh dạn đưa cây hoa đào về trồng tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, thì những thành quả của đại đa số các hộ gặt hái được quá khả quan.
Chuyển sang trồng hoa, người dân xã Uy Nỗ có thu nhập cao hơn.
Từ một xã thuần nông trồng hai vụ lúa, xen lẫn một vụ rau màu mùa đông, đến nay toàn xã đã dần chuyển đổi sang trồng hoa gần hết số diện tích đất canh tác, ít thì vài sào, hộ nhiều thì 100% diện tích đều trồng hoa.
Anh Nguyễn Văn Nam, một trong số những người trồng hoa đào đầu tiên của xã Uy Nỗ nhớ lại: “Ngày tôi mang gốc đào mua từ làng Nhật Tân về trồng thì dân làng dè bửu nói này nói nọ. Nhưng tôi cứ bỏ lúa trồng thử mấy sào hoa đào. Năm đầu tiên không biết kỹ thuật, không biết chăm bón nên đào nở không đúng dịp tết, thất thu. Không nản, năm thứ hai tôi quyết tâm học hỏi kinh nghiệm và thành công với mức thu cả gần trăm triệu đồng từ 2 sào đất, trong khi trồng lúa cả năm cũng chỉ thu được vài triệu bạc…”.
“Khởi nghiệp” với cây hoa đào, anh Nam còn mạnh dạn bỏ mấy sào lúa để trồng hoa hồng và vài loài hoa bán theo thời vụ như: cúc, loa kèn, ly… Cũng theo anh Nam, mấy năm đầu, có năm được năm thua lỗ, nhưng tình chung trồng hoa vẫn có lợi nhuận cao hơn trồng lúa rất nhiều. Những năm sau, do có kinh nghiệm nhiều, lại có mối quan hệ đầu ra với thương lái rộng rãi nên 1 sào trồng hoa đều lãi gấp 4, 5 lần cấy lúa, thậm chí có lứa hoa lãi gấp cả chục lần nếu như không bị rớt giá…
Được biết, hiện tại gia đình anh Nam luôn trồng thường trực 3 sào hoa đào, khoảng 4 sào trồng các loại hoa khác, với mức thu nhập trung bình 1 năm khoảng 200 triệu đồng.
“Đi sau” hộ anh Nam khoảng 3 năm, hộ bà Lê Thị Tám, ở thôn Cầu Cả cũng thực sự đổi đời từ nghề trồng hoa. Bà dồn điền đổi thửa với các hộ trong xã để có một khoảng diện tích tập trung tiện cho việc canh tác, chăm sóc hoa. Với 5 sào đất, bà vực nửa sào đất làm ao để nuôi thả cá cải thiện, đồng thời chủ động nguồn nước tưới hoa. Khoảng 2 sào bà trồng đào, diện tích còn lại trồng hoa ly và hoa hồng. Hoa đào chỉ thu vào dịp tết, nhưng hoa ly và hoa hồng thì hầu như tuần nào, tháng nào cũng có nguồn thu.
Bà Tám kể: “Vài sào đào có năm trúng năm trượt, bù trừ cho nhau mỗi năm cũng cho cỡ gần trăm triệu đồng. Mấy sào ly, hồng đem lại nguồn thu ổn định hơn, mỗi năm khoảng hơn trăm triệu đồng… Ngoài ra, tiền bán cá, gà, vịt, ngan nuôi thêm cũng được một nguồn thu vài ba chục triệu đồng.
Từ số ít hộ dân theo nghề trồng hoa, những năm về sau này nhiều hộ khác làm theo đã dần biến Uy Nỗ trở thành một làng hoa mới ven đô. Tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Loan, người mới chuyển đổi từ trồng rau màu và lúa sang hoa được 4 năm, tôi biết bà hối tiếc vì đã chuyển qua trồng hoa muộn quá. Bà Loan nói: “Từ ngày trồng hoa thấy dễ thở hơn nhiều, dẫu có vất vả hơn, nhưng luôn có đồng ra đồng vào và của dư của để…”. Bà Loan còn cho biết đã “tích cóp” được cỡ hơn trăm triệu để năm nay xây dựng để hoàn thiện nốt tầng 3 ngôi nhà còn dang dở từ nhiều năm trước do chưa đủ lực.
Cùng với một vài làng hoa mới ở ven đô thuộc huyện Đông Anh, như: Vân Trì, Tiên Dương, Nam Hồng, dân làng hoa Uy Nỗ cũng đã và đang ngày một khấm khá lên nhiều nhờ chuyển đổi đúng hướng từ lúa sang trồng hoa.
VIỆT CƯỜNG