Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, ngành binh vận sớm giải thể, toàn bộ cán bộ nhân viên ngành binh vận chuyển làm công tác khác. Công tác binh vận không được tổng kết kịp thời, chính sách đối với cán bộ ngành binh vận, đối với cơ sở cách mạng trong lòng địch chưa được giải quyết đầy đủ.
“Tồn đọng chính sách nhưng không ai làm”
Trong tập tài liệu tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường B2 cũ (miền Nam Việt Nam), năm 2000, tổ tổng kết công tác binh vận trực thuộc Thành ủy TPHCM nhìn nhận: “Ban Binh vận Trung ương Cục sau khi giải thể, có một số đồng chí nghỉ hưu tự nhận trách nhiệm liên hệ các nơi xác nhận giải quyết một phần các trường hợp... Tồn đọng về chính sách hiện nay vẫn còn, nhất là ở cấp xã, nhưng không ai làm và có chính sách cụ thể, phù hợp”.
Khi được hỏi về chính sách đối với cán bộ binh vận, cựu nội tuyến Trương Trung Truyền (Mười Truyền, quê Trà Vinh), buồn bã, gạt đi: “Thôi, buồn lắm. Đợt trước, tôi ghé huyện để kê khai và hỏi về chính sách cho người hoạt động binh vận thì cán bộ chính sách trả lời: “Không biết gì hết trơn về vụ binh vận””.
Các cựu nội tuyến, cán bộ binh vận và nữ mật giao trong lần gặp gỡ vào tháng 8-2014 tại An Giang.
Ông Truyền tâm sự, có một điểm mà đến giờ ông vẫn bị thiệt thòi mãi. Chẳng là, sau khi hai anh em ông làm nội ứng, phối hợp cùng lực lượng ta ở bên ngoài tiến công sân bay Lộ Tẻ (Cần Thơ), tổ nội tuyến (gồm 3 người) được lệnh thoát ly ra vùng giải phóng. Mười Truyền theo lệnh về căn cứ. Còn anh trai ông - anh Trương Trung Hiện, hy sinh, đồng đội chỉ kịp tháo băng trắng ở cánh tay (mật hiệu với đồng đội trong đêm tiến công) để giữ thế hợp pháp cho anh. Địch thông báo anh Hiện tử trận, anh Truyền mất tích và cho gia đình hưởng chế độ.
Về việc hưởng chế độ, Mười Truyền xin ý kiến tổ chức là “nhận - không nhận” và được tổ chức chấp thuận “nhận”. Kể từ đó đến ngày giải phóng, tháng tháng người nhà ông Biện Ân (ba Mười Truyền) lại lãnh 2 suất chế độ (1 tử trận, 1 mất tích) của con. Trăm sự dè bỉu, rẻ khinh của người dân đổ dồn lên ngôi nhà “quốc gia tử sĩ”; ông Biện Ân cắn răng chịu đựng.
Cũng chính vì chuyện đó mà sau này, khi ông Truyền đi làm chính sách có công với cách mạng, đã không được giải quyết vì vẫn bị xem là có liên quan với địch. “Chứng cớ” rành rành là suốt bao nhiêu năm gia đình đã hưởng chế độ mất tích của ông. Con ông đi học cũng không được miễn giảm học phí. Còn ông, nay đã 71 tuổi, không đủ điều kiện hưởng lương hưu và giờ đây, vẫn vất vả bươn chải lo cơm áo gạo tiền chăm vợ thường xuyên đau yếu. Miệng thế người đời, vì thế, đến nay vẫn đeo đẳng; cái tiếng “phản động” nhiều khi vẫn chưa được tẩy sạch.
Vết thương chưa lành
Thật xót xa khi những con người ưu tú, xưa kia đã cống hiến cả tuổi trẻ, hy sinh cả tính mạng cho dân tộc, giờ đây, nhiều người vẫn mang nỗi đau kéo dài âm ỉ. Cựu trung úy Huỳnh Chí Thiện, đơn vị khởi nghĩa Tầm Phương, trầm giọng: Công tác nội tuyến, vừa làm tình báo, vừa đấu tranh vũ trang, hàng ngày sống giữa hai làn đạn: ta và thù. Nhiều đồng chí lập được chiến công nổi bật.
Đã có nhiều đồng chí hy sinh, thương tật, những người đó, cho đến nay, sau gần 40 năm đất nước thống nhất, vẫn chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế, nhiều gia đình binh vận bị hàm oan, bị gán là gia đình binh lính ngụy, gây cho họ vết thương không bao giờ lành.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thôn (tức Hai Thôn, quê Tiền Giang, ngụ TPHCM) kể, đồng hương và đồng môn của anh là anh Kham. Hai người đã cùng học một khóa ở Huyện ủy Cai Lậy (Tiền Giang). Sau này, anh Kham làm nội tuyến của ta trong lòng địch. Trong lần về hành quân ở ngay ấp của mình, anh Kham bị quân ta bắn chết, bỏ lại vợ dại, con thơ.
Nhiều năm sau, người tổ chức anh Kham làm nội tuyến cũng chết. Thành ra, không ai xác nhận được cho trường hợp anh Kham. “Bà con dân làng đến nay vẫn nói Kham đi lính bị bắn chết. Không ai chứng minh được điều ngược lại. Kẹt, là kẹt chỗ đó. Khổ vậy, giờ không biết sao đây”, ông Hai Thôn trăn trở.
Theo tổ tổng kết công tác binh vận (Thành ủy TPHCM), thiệt thòi nhất là những đồng chí công tác thầm lặng trong lòng địch, những cơ sở nội tuyến bị bắt tù đày, những cơ sở nội tuyến bị hy sinh trong chiến đấu, những cơ sở nội tuyến bị lực lượng vũ trang ta bắn lầm trên mặt trận... Các trường hợp này chỉ có các tổ chức binh vận cũ biết, nhưng nay nhiều nơi không còn nhân chứng xác nhận và hậu quả thương tâm là một số trường hợp vẫn bị coi là “ngụy”.
“Đó là nỗi đau của các chú. Các chú không thể nhắm mắt khi đồng đội mình, nhiều người vẫn chưa được gột rửa tai tiếng”, ông Nguyễn Văn Thảnh (tức Chín Hoài), nguyên Bí thư chi bộ đặc biệt Ban Binh vận Khu Tây Nam bộ (T3), khóc nấc lên, nghẹn ngào. Ở độ tuổi gần đất xa trời, ông Chín Hoài không cho phép mình chết. Nỗi sợ lớn nhất của ông là ông chết thì những anh em như cơ sở nội tuyến Nguyễn Văn Kiêm sẽ không còn người xác nhận, lấy đâu cơ sở để đề nghị giải quyết chính sách.
Nhiều năm nay, ông vẫn thường xuyên gặp gỡ anh em binh vận rồi đi gõ cửa các nơi từ Trung ương đến địa phương, yêu cầu giải quyết chế độ chính sách cho anh em binh vận. “Anh em binh vận không đòi tiền đâu. Nguyện vọng tha thiết của anh em là được giải quyết chính sách, được ghi nhận, để những người đã ngã xuống, và những người còn sống, không phải mang những nỗi đau miệng thế đã đè nặng suốt gần 40 năm qua”, ông Chín Hoài xúc động.
Chứng kiến người cán bộ binh vận sắc sảo xưa kia, giờ đây đã 81 tuổi, không kìm được nước mắt mỗi khi nhắc về chuyện cũ, chúng tôi cảm nhận, nỗi niềm đó không chỉ của riêng ông.
|
ĐƯỜNG LOAN
>> Bài 9: Thế chấp mạng sống
>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch
>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người
>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng
>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình
>> Bài 4: Thoát chết gang tấc
>> Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh
>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch
>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn