Làng lu

Làng lu

Những tấm thân trần lực lưỡng mồ hôi nhễ nhại đang trộn hồ, nhồi đất, ép khuôn, tạo hình… để làm ra một cái lu mới. Không phải là một khu công nghiệp đồ gốm, thế nhưng người dân ở đây đã đưa thương hiệu lu “Hòa Lợi” có mặt khắp các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Giữ chân trai làng

Làng lu ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Hơn cùng vợ và con trai đang chuyển lu lên ghe cho một chuyến đi bán mới

Dọc theo bến đò Hòa Lợi (ấp Quý Hòa, xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), chúng tôi nhìn thấy hàng ngàn cái lu phơi dưới nắng vàng. Chúng chuẩn bị được chất lên ghe để tỏa về mọi làng quê miệt vườn sông nước. Hỏi một người dân trên bến đò thì được biết: “Ở đây ai cũng mần lu hết, cứ đi thẳng vào làng là khắc gặp”.

Được chỉ dẫn, chúng tôi vào nhà ông Đỗ Văn Ánh, người hơn 30 năm làm lu và cũng là một trong những hộ dân làm lu lớn nhất của vùng. Trước mắt chúng tôi hiện ra những tấm lưng trần, mồ hôi nhễ nhại đang lom khom tráp hồ tạo lu, những người này hầu hết là trai làng độ tuổi từ 18-25, công việc của họ tuy vất vả nhưng thu nhập luôn ổn định và khá.
 
Anh Nguyễn Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi cho biết: “Nhờ làm lu mà trai làng không lũ lượt kéo nhau lên thành phố như các xã khác. Trước kia cũng vậy, bây giờ cũng vậy, xã Hòa Lợi luôn có trai làng đông nhất vì ai cũng ở lại kiếm sống trên quê nhà, thu nhập bình quân ngày 40.000đ - 60.000đ thì đi đâu chi cho mệt, thành phố thu nhập cao đấy nhưng chẳng dư được là bao!”.

Anh Văn Thành Đẹp, người từng làm công nhân 2 năm ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TPHCM) cho biết: “Ở đây làm tháng 1 triệu đồng thì dư được năm ba trăm ngàn đồng, còn ở thành phố làm tháng cả 1,8 triệu đồng cũng chẳng dư đồng nào, mà cuộc sống lại ngột ngạt khó thở nữa”.

Từ tháng 2 đến tháng 10 Âm lịch là giai đoạn làm rộ của làng lu Hòa Lợi, khoảng thời gian này trời mưa nhiều, người dân mua lu về để chứa nước mưa và dùng cho sinh hoạt cả năm. Đã có những hộ nhờ làm lu mà thoát khỏi cái nghèo, vươn lên khá giả như hộ ông Bảy Thành và bà Mười Lùn, đây là hai vợ chồng lấy nhau không đất điền, nhờ làm lu mà mua được hơn 10 công ruộng, mỗi năm thu lời từ làm lu hơn 50 triệu đồng.

Trong xã còn có bà Chín Mai, cũng hơn 30 năm theo nghề làm lu, giờ đã xây được nhà và trở nên khá giả. Năm nào bà cũng bán hơn 10.000 lu, lãi khoảng 70 triệu đồng. Làng lu Hòa Lợi không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, mà còn là nét đẹp của một làng nghề.

Những chuyến lênh đênh

Chiếc ghe anh Phạm Văn Hởi chất đầy 400 cái lu, ràng buộc xong xuôi, anh nhảy lên bờ uống ly trà và châm điếu thuốc. Hôm nay, gia đình anh sẽ có một chuyến lênh đênh 15 ngày trên sông nước để bán lu.

Vợ chồng anh khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, đầu tiên chỉ có chiếc xuồng ba lá cũ nát, anh mua rẻ lại của một người quen làm phương tiện vận chuyển lu đi bán ở các xã lân cận. Biết bao phen phải dở khóc, dở cười trên mặt nước, có lúc anh đã tính đến việc bỏ nghề, anh nhớ lại: “Hôm đó trời mưa dữ dội, xuồng thì nhỏ, lại cũ, chở không đến chục cái lu, nhưng lúc nào cũng mấp mé sắp chìm”. Con trai lớn của anh, Phạm Văn Hùng, năm nay 18 tuổi, cũng đã lênh đênh sông nước theo ba mẹ buôn lu không dưới 8 năm.

Hùng kể: “Chỉ có ngày tết mới thấy ba má ở nhà, còn lại thì đi buôn lu quanh năm suốt tháng, mần cái nghề này phải chịu vậy chứ sao”. Sau 20 năm tích góp, vợ chồng anh cũng mua được chiếc ghe lớn, nhưng những chuyến buôn lu cũng không đỡ phần vất vả. 15 ngày, ba người nhà anh lênh đênh khắp các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… có lúc ngược ra Vũng Tàu, Tây Ninh để bán lu.
 
Hôm sau chúng tôi quay lại bến đò Hòa Lợi, vừa may gặp hai vợ chồng Nguyễn Văn Hớn và chị Mơ đi lấy tiền về. Ba tháng trước vợ chồng anh bán hơn 1.000 cái lu, hôm nay đi gom tiền để trả cho chủ lò lu và tiếp tục đặt hàng, tu sửa ghe, mua xăng dầu cho những chuyến lênh đênh mới. Chị Mơ kể: “Bán lu đã khổ rồi, lấy tiền còn khổ hơn, bà con ai cũng trả tiền, không ai quỵt nợ, nhưng mình nhớ nổi nhà họ hay không mới là vấn đề!”.

Hỏi ra mới biết những người mua lu hầu hết là ở nơi “nhà không số”,chỉ biết tên của họ, vợ chồng chị Mơ phải ghi tỉ mỉ địa hình,đặc điểm nơi ở của khách hàng đặng vài tháng sau còn quay lại lấy tiền.

Anh Hớn chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi lần như vậy tôi phải ghi cạnh nhà có cây mít, cây xoài, trụ điện… hay từ lạch lớn vào lạch nhỏ bao nhiêu mét, từ lạch nhỏ vào ấp bao nhiêu mét, có như vậy mới lần ra được mà đòi”.

Mỗi lần lái lu ở nơi đây đi đòi nợ cũng mất 3-5 ngày, vui, buồn đan xen chẳng khác nào những chuyến bán lu. Đó là những lúc, khách hàng chuyển chỗ ở, trả không đủ tiền hay chủ lu không nhớ nổi địa chỉ, đặc điểm nơi ở của khách hàng, cũng có khi vào nhầm nhà người khác… để rồi vỡ lẽ ra, ai cũng cười xòa.

 

Xã Hòa Lợi có 6 ấp, gần 2.000 hộ với hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó số nhân khẩu trong độ tuổi lao động gần 5.600 người. Phần đông đều sống bằng nghề nông và nghề truyền thống làm lu, buôn bán lu chứa nước. Riêng ấp Quý Hòa, trong 400 hộ thì có hơn 160 hộ làm lu. Hàng năm, làng nghề sản xuất từ 400.000 – 480.000 cái lu. 

ĐỖ NGÀ (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục