Làng mộc Văn Hà giữ chiếc bàn tự xoay và nhà rường cổ

Làng mộc Văn Hà giữ chiếc bàn tự xoay và nhà rường cổ

Làng Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) vốn là làng mộc nức tiếng nhất, nhì miền Trung. Đây là nơi ra đời của những nhà rường cổ hay chiếc bàn tự xoay “truyền thuyết”. Tuy nhiên, hiện làng nghề Văn Hà cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của sự suy thoái, mai một...

Chỉ còn nghệ nhân duy nhất

Từ quốc lộ rẽ vào xã Tam Thành, không khí trở nên yên ắng, không còn cảnh người làng mộc Văn Hà chở đồ gỗ đi bán như nhiều năm trước. Trước sức ép thị trường, sức mua giảm sút, người dân làng mộc Văn Hà bỏ nghề đi tha phương, buôn bán…

Cả làng gần 300 hộ theo nghề nhưng giờ đây chỉ còn lại… 1 người, đó là ông Đinh Thạch (93 tuổi, thường gọi cụ Thẩm), được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, cũng là người cuối cùng truyền nghề cho lớp con cháu sau này.

Văn Hà từ xưa là làng nghề truyền thống nổi tiếng bởi chế tác ra những chiếc bàn tự xoay, nhà rường cổ, bộ tràng kỷ… với họa tiết khắc chạm tinh xảo. Theo lời cụ Thẩm, vào khoảng 200 năm trước, bàn tự xoay được lưu truyền trong dân gian và chỉ hiện còn vài người sở hữu nó với những “kỳ bí” chưa lời giải đáp. Chiếc bàn tự xoay trước kia chỉ có trong cung đình, trong các ngôi nhà sang trọng, dùng để tiếp khách quý. Bàn chỉ đủ 2 người ngồi đối diện nhau và chỉ cần 2 người này đặt úp tay lên bàn, cùng tập trung tư tưởng hướng vào bàn thì chiếc bàn sẽ tự xoay theo suy nghĩ; nếu đặt ngửa lòng bàn tay thì bàn lập tức xoay theo chiều ngược lại; còn muốn bàn dừng xoay, chỉ cần hô “đứng lại”.

Cụ Thẩm, nghệ nhân duy nhất của làng mộc Văn Hà bên chiếc bàn tự xoay độc đáo

Một chiếc bàn tự xoay thường có đường kính mặt bàn 60 - 80cm, làm bằng gỗ mít, về sau người Văn Hà dùng thêm nhiều loại gỗ khác như dỗi, hương… Chiếc bàn với thiết kế đơn giản, gồm 1 chân trụ đỡ mặt bàn cao khoảng 70cm, trục xoay tiếp nối với chân trụ cùng với 6 trụ nhỏ được tiếp nối với mặt bàn khéo léo, tùy theo từng người mà chạm hoa văn, tiện hình khác nhau. Quan trọng là trục tiếp giáp giữa chân trụ với mặt bàn phải vừa khít, cân bằng, khi vừa lắp vào có thể xoay chuyển nhẹ nhàng.

Nguyên lý “xoay”, theo cụ Thẩm là dựa trên cấu trúc âm dương. “Người nào năng lượng nhạy hơn thì bàn xoay nhanh hơn, thường 2 - 3 người cùng đặt tay, bàn sẽ xoay nhanh, còn 1 người thì xoay chậm hơn”, cụ Thẩm nói. Mặc dù chứng kiến chiếc bàn xoay cùng lời mô tả nhưng chúng tôi không được tiết lộ gì thêm vì người làng Văn Hà vẫn muốn giữ lại “bí quyết” làm nên thương hiệu.

Hiện ở làng mộc chỉ còn 3 người biết làm bàn tự xoay (trong đó có cụ Thẩm) và giá mỗi chiếc bàn từ 20 - 50 triệu đồng, tùy chất liệu gỗ và hoa văn chạm khắc.

Mai một làng nghề

Sự thăng trầm của thị trường, giá các mặt hàng cũng dao động khó lường, giá trị của sản phẩm làng nghề cũng biến đổi. Hiện tỉnh Quảng Nam chỉ có 2 làng nghề mộc nổi tiếng là làng mộc Kim Bồng (Hội An) và làng mộc Văn Hà. Thời buổi khó khăn, nhiều thợ làng nghề đã bỏ nghề, chuyển sang kinh doanh, buôn bán. Ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Tam Thành, cho biết: “Hiện làng chỉ còn khoảng 20 người theo nghề mộc và nghệ nhân duy nhất là cụ Thẩm. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ làng nghề thành lập tổ hợp tác gồm 12 thành viên, nhằm khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Trong đó có mặt bằng để làm nhà xưởng và khu trưng bày sản phẩm”.

Anh Phạm Miên, Tổ trưởng Tổ hợp tác, tâm sự: “Nghề mộc tỉ mỉ, nặng nhọc, nên lớp trẻ bây giờ rất ít theo nghề này. Sản phẩm làm ra từ tay nghề thủ công nhưng tiêu thụ chậm vì giá thành cao nên cạnh tranh không lại với các cửa hàng bán đồ gỗ làm bằng máy móc. Thợ làng nghề bình quân thu nhập chỉ từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; lúc không có ai đặt hàng thì tha phương tìm việc khác rồi dần đi luôn, không quay về làng nghề nữa”. Nhiều năm qua, địa phương đã đưa ra các giải pháp phát triển làng nghề kết hợp cùng du lịch, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Anh Miên cho biết: “Hướng đi của tổ hợp tác hiện nay là giữ “thương hiệu” bàn tự xoay và nhà rường cổ. Một nhà rường cổ hiện cũng đang có giá 300 triệu đồng/nhà; đồng thời, động viên và truyền nghề lại cho lớp trẻ để sản phẩm của làng nghề được bảo tồn”.

NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục