Làng mới của người Mông dưới chân Pu Quạc

Làng mới của người Mông dưới chân Pu Quạc

Pu Quạc, vùng đất sát đường biên giới Việt - Lào, giáp giới hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) trước đây quanh năm mây ôm núi, núi ấp mây và bạt ngàn những nương thuốc phiện. Với người Mông nơi đây, khi chiếc chảo gang đã nhấc ra khỏi lò thì không ai ngăn giữ được họ ở lại. Nhưng sau hơn mười năm trở lại thăm bản người Mông đến nơi mới lập bản dựng mường thì ai cũng tin, chiếc chảo gang không còn bị xê dịch, sắc hoa Anh Túc đối với họ chỉ còn trong ký ức…

  • Một thời “sợ nước...”
Làng mới của người Mông dưới chân Pu Quạc ảnh 1

Đội văn nghệ bản đang tập luyện.

Trước đây, trên vùng núi Pu Quạc, tuy trồng cây thuốc phiện cho rất nhiều nhựa, nhưng người Mông nơi đây vẫn khổ. Khổ vì hiếm cái nước, khổ cái đường không được rộng, đi lại phải chui luồn như lợn rừng, con hoãng. Con người chỉ “theo dấu chân nai đi tìm hạt lúa, theo dấu chân cọp đi uống nước sương”, quanh năm đói cơm, lạt muối... Con em không có trường học cái chữ. Nghe kể, làm tôi gợi nhớ câu chuyện khôi hài rằng “người Mông hay sợ nước”. Chuyện này mãi sau lần thứ hai này trở lại bản Lưu Thông mới hiểu kỹ chuyện sợ nước của người Mông chỉ do người ta tự liên tưởng rồi phóng tác bởi họ thường ở trên núi cao không quen sông sâu, biển cả nên người Mông rất ít người biết bơi.

Năm 1992 tôi được “Nỏ pê chạu” (ăn Tết) - cái Tết đầu tiên của 35 hộ người Mông rời đỉnh Pu Quạc - vùng đất chôn nhau cắt rốn và bỏ nương thuốc phiện xuống vùng đất thấp lập bản dựng mường mới. Sau vách liếp lưa thưa của những căn nhà tạm dựng vội vã trên nền đất mới là những ánh mắt tò mò của lũ trẻ nít, cặp mắt xét nét của người lớn nhìn đoàn khách lạ. Chúng tôi cũng giật mình bật dậy giữa bốn bề sương giăng, trong đì đoàng tiếng súng kíp nổ đón giao thừa.

Sau ngày vui, vạn sự khởi đầu nan nơi bản quê mới, ai mà chẳng hoài nghi bởi trong tập tục, tính cách của người Mông không quen ở một chỗ, họ thích tự do phóng túng. Ai dám chắc sẽ họ vĩnh viễn không nhấc chiếc chảo gang ra khỏi lò trở lên Pu Quạc với nương thuốc phiện đã thành tập tục từ lâu đời? Các nhà dân tộc học nghiên cứu về người Mông nói về tính cách của họ: “Người Mông thường bí mật gọi nhau đi khi không còn thích nơi ở cũ. Khi chiếc chảo gang được nhấc ra khỏi lò thì không ai ngăn giữ được họ ở lại”. Thế nhưng hơn mười năm trở lại...

  • Và “lãnh địa” mới dưới chân Pu Quạc

Đến trung tâm huyện Tương Dương, tôi bắt xe ôm ngược xã Lưu Kiền vào bản Lưu Thông. Ở miền núi nhiều năm tôi đâu dám tin đến nay con đường vào bản Lưu Thông ô tô đã vào được. Cách đây 14 năm vào tháng 11 Âm lịch, lên ăn Tết Mông mưa dầm dề. Tụt xe ô tô ngoài quốc lộ 7A, chúng tôi mỗi người mang trên lưng chục suất quà gồm các loại vải láng, lụa đen, muối... lội bộ băng qua cánh rừng đại ngàn hơn một giờ đồng hồ. Khổ nhất mấy anh cán bộ Đội Văn hóa - Thông tin huyện lỉnh kỉnh loa đài, máy phát điện, màn hình... ì ạch men khe Tẳn Xà, bấm chân leo dốc Pu Đin Đanh mãi gần xẩm tối mới tới bản Lưu Thông.

Làng mới của người Mông dưới chân Pu Quạc ảnh 2

Xe ô tô về tận bản Lưu Thông thu mua lợn.

Tôi bấm từ thị trấn Hòa Bình – trung tâm huyện Tương Dương ngược quốc lộ 7A, qua trung tâm xã Lưu Kiền qua cầu Tẳn Xà hơn hai mươi cây số rồi rẽ phải vào đến bản Lưu Thông chỉ mất một tiếng rưỡi. Con đường xuyên qua cánh rừng đại ngàn vào Lưu Thông thay cho con đường nhỏ trước đây chỉ đặt được bàn chân nay tuy còn gồ ghề nhưng đã được mở rộng.

Nếu trời khô ráo, xe Mitsubishi lướt ngon lành tận cuối bản. Bản mới Lưu Thông nằm trong lũng núi tương đối bằng, khác với hơn 10 năm về trước, từ xa chúng tôi thấy sau rặng xoài, đào, mít, dừa là những mái nhà đất kê thưng ván lợp ngói.

Ngay đầu bản, lũ trẻ nít nô giỡn bên những bể nước lớn tràn trề. Gốc cây gạo cổ thụ, vỏ sần sùi màu xám bạc không còn đìu hiu quạnh vắng như xưa. Dưới tán lá sum sê là ki-ốt bán hàng tạp hóa của chị Mùa Y Bô và anh Vừ Lỳ Phỏng. Mấy anh bạn đồng nghiệp đi cùng thốt lên: “Bản Lưu Thông sạch, đẹp qui củ quá! không thua kém gì một ngôi làng của người Kinh dưới xuôi”.

Trưởng bản Vừ Vả Rùa không giấu nổi niềm vui giãi bày: “Năm 1992, 35 hộ gồm 295 khẩu người Mông được cán bộ định canh định cư vận động từ Pu Quạc xuống, lúc đầu vất vả lắm! Ba dòng họ Vừ, Lầu, Thò được nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 800 ngàn đồng, theo cán bộ định canh định cư chia đất sắp xếp nơi ăn ở có hàng có lối, tổ chức làm vườn nhà, vườn rừng, sản xuất thâm canh rẫy dốc.

Năm 1994, bản được tổ chức OXPAM Bỉ tài trợ làm công trình nước sạch, nhà nước hỗ trợ mở đường. Từ năm 1996 lại nay cuộc sống dần ổn định, bà con phấn khởi lắm. Bây giờ thì bản Lưu Thông hết đói rồi chỉ phấn đấu làm giàu thôi. Làm được nhà kê thưng ván lợp ngói cũng nhờ từ năm 2000 đến nay được nhà nước quan tâm cho vay vốn mỗi hộ 5 triệu đồng để chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, đào ao nuôi cá. Xuống đây, người Mông học được cách chăn nuôi bò vỗ béo.

Họ Vừ biết trước bày cách cho họ Lầu, họ Thò làm theo, hộ khỏe giúp hộ yếu, cứ thế hộ này học theo hộ khác trồng cỏ voi, cỏ sữa nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, đào ao nuôi cá... Nay trong bản thường xuyên có hơn 100 con bò vỗ béo, 42 ao nuôi cá các loại”. Anh Rùa cho biết thêm: “Cứ sau một tháng vỗ béo, mỗi con bò lãi 1 triệu đồng là thấp nhất. Trưởng bản phải làm gương trước mọi việc, nuôi trong chuồng 6 con bò vỗ béo, nhiều nhất bản”.

Anh còn khoe, ngoài ra trên diện tích rẫy lúa luân canh, bà con còn trồng xen bầu, bí xanh, khoai sọ… Riêng bí xanh, bình quân mỗi hộ thu hoạch 9 - 10 tấn/năm. Các sản phẩm của bà con nuôi, trồng như trâu, bò, lợn, gà, bí xanh, mơ... thuận đường, xe ô tô đến tận bản thu mua không đủ để bán. Hiện nay trong bản chỉ còn 3 hộ nhà tranh, phấn đấu năm nay sẽ xóa xong”. Anh Rùa vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm trường học.

Anh nói: “Bản ta đã hết mù chữ rồi nhé! Xuống đây con em bản Lưu Thông đã có hai người là Vừ Bá Mùa, Vừ Bá Chò được đi học về làm cán bộ công an huyện, Xồng Nỏ Của làm giáo viên. Từ năm 2002, sáu phòng học từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 kiên cố được xây dựng bằng nguồn kinh phí Chương trình 135. Hiện nay, bản Lưu Thông có 11 em đang học cấp 3, 17 em học cấp 2”. Chúng tôi gặp cô giáo Lô Thị Hằng từ huyện Con Cuông lên “cắm” bản Lưu Thông, phụ trách lớp Mẫu giáo. Hạnh phúc cũng đã đến với cô, huyện vùng cao Tương Dương bây giờ đã trở thành quê hương thứ hai cô.

Theo như thống kê của Trưởng bản Vừ Vả Rùa, bản đã có 15 chiếc xe máy, 1/2 số hộ trong bản có tổng thu nhập 20 triệu đồng/năm. So với nhiều nơi khác thì chưa phải đã là thu nhập cao, nhưng với bà con người Mông rời vùng đất quanh năm mây phủ xuống đây tạo dựng lại cuộc đời đã là một kỳ tích.

Trước khi rời bản Lưu Thông, Trưởng bản Rùa gửi những mong muốn lớn nhất của bà con là dù đã có đường nhưng chỉ mới đi được một mùa khô, vừa qua bản được Nhà nước quan tâm lắp cái chảo Pa ra bôn rồi nhưng không có điện phát, hai năm nay rồi vẫn chưa được xem truyền hình. Bà con mong sớm có điện để được xem cái truyền hình, hiểu thêm về đường lối chính sách của Đảng, xem để biết và học kỹ thuật và cách làm ăn tiến bộ của bà con ở bản dưới, mường trên...

Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là khi đến nhà ông Trưởng bản Vừ Vả Rùa thấy treo ngay trước cửa tấm bảng ghi kế hoạch làm việc của cán bộ bản vào các ngày thứ 2, 4 và thứ 6. Trước khi chúng tôi chào để về xuôi, ông còn cố mời chúng tôi nán lại một đêm uống rượu với cá ao, đặc sản mới của bản, xem một số tiết mục của đội văn nghệ biểu diễn như có ý muốn khoe thêm với mọi người về kỳ tích mới của người Mông dưới chân Pu Quạc. Rời Pu Quạc rồi, bên tai chúng tôi vẫn còn vẳng câu hát của các cô gái Mông:
“... Có thương nhau thì ở lại một đêm…/Hẹn nhé lần sau!…”

SƠN TỬ PHƯỚC

Tin cùng chuyên mục