Làng nghề tại TPHCM: Vẫn quẩn quanh ao làng

Theo số liệu Sở NN-PTNT TPHCM, toàn TP có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: may đan, gốm sứ, dệt may, chế biến đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ… Trong đó, ngoại thành có 24 ngành nghề, vùng ven khoảng 10 ngành nghề và khu vực nội thành có 31 ngành nghề. Có không ít nghề và làng nghề tồn tại hơn 100 năm như nghề bánh tráng, làng nghề muối.
Làng nghề tại TPHCM: Vẫn quẩn quanh ao làng

Theo số liệu Sở NN-PTNT TPHCM, toàn TP có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: may đan, gốm sứ, dệt may, chế biến đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ… Trong đó, ngoại thành có 24 ngành nghề, vùng ven khoảng 10 ngành nghề và khu vực nội thành có 31 ngành nghề. Có không ít nghề và làng nghề tồn tại hơn 100 năm như nghề bánh tráng, làng nghề muối.

Sản xuất tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi, TPHCM

Sản xuất tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi, TPHCM


Nhiều tiềm năng

Các ngành nghề thủ công truyền thống thu hút hơn 70.000 lao động, với mức tăng trưởng bình quân 15%/năm. Có nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như mây tre đan, gỗ, gốm sứ… nhưng cũng có không ít nghề ngày càng mai một, điển hình nghề làm nem Thủ Đức, một thời rất nổi tiếng. Những sản phẩm tranh gỗ, tượng gỗ, hàng sơn mài, đồ gỗ gia dụng chiếm tỷ trọng cao (20%) giá trị xuất khẩu gỗ thời gian qua. Đã xuất hiện một số nghề mới như chế biến nông sản và thực phẩm, sinh vật cảnh… ngày càng phát triển. Qua đó, nhiều sản phẩm từ ngành nghề nông thôn được xuất khẩu như bánh tráng tại làng nghề bánh tráng Củ Chi, các sản phẩm chế biến từ da cá sấu của làng nghề cá sấu Sài Gòn, các sản phẩm đan lát từ mây tre của huyện Củ Chi, Hóc Môn…

Nhiều làng nghề TP vẫn còn đội ngũ nghệ nhân giàu tâm huyết, kinh nghiệm và có khả năng truyền dạy nghề cho lớp thợ trẻ. Một số làng nghề thu hút đến 60% số lao động tại chỗ như làng nghề muối xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi). Ngoài ra, còn thu hút nhiều lao động thời vụ như nghề đan lát, may gia công, đan giỏ xách… Trung bình mỗi hộ thu hút 2-3 lao động, mỗi cơ sở 8-10 lao động thời vụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết lao động nông nhàn, giúp cải thiện đời sống người dân nông thôn ở những xã vùng xa của huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè… Điều đáng nói, các cơ sở ngành nghề nông thôn có thể phát triển ở nhiều loại hình từ gia đình, tổ hợp tác đến doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã. Những nơi này có thể làm vệ tinh cho các đơn vị kinh tế lớn, có khả năng giải quyết những đơn đặt hàng dài hạn.

Nhiều hạn chế

Tuy nhiên, theo Chi cục Phát triển nông thôn TP, TP mới chính thức công nhận 4 làng nghề. Đó là bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi), làng nghề cá sấu Sài Gòn (quận 12), làng nghề muối (Cần Giờ) và làng nghề đan lát xã Thái Mỹ (Củ Chi). Do vậy, các làng nghề khác dù đã hình thành lâu đời nhưng vẫn chưa thể tiếp cận các chính sách nhà nước hỗ trợ, đặc biệt là vốn vay. Các cơ sở sản xuất làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng (thủ tục, hạn mức cho vay thấp, phải có tài sản thế chấp).

Hiện nay trên 80% cơ sở không đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, trên 95% các hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất. Hệ thống quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn chưa thống nhất, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Nhưng điều đáng lo hơn chính là trình độ quản lý các cơ sở ngành nghề nông thôn, nhất là năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ kiến thức và tay nghề của người lao động các làng nghề còn hạn chế.

Khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn TP cho thấy, gần 40% số chủ hộ sản xuất trình độ học vấn cấp 1, hơn 69% số chủ hộ sản xuất chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý, việc đào tạo, truyền nghề chưa được chú trọng đúng mức. Những điều này đã dẫn đến hệ thống mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm và bao bì chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn là quy mô sản xuất của các làng nghề vẫn nhỏ, lẻ, trong khi yêu cầu và đòi hỏi thị trường ngày càng cao khiến các làng nghề ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn.

Mặt trái của phát triển làng nghề hiện nay chính là ô nhiễm môi trường do hậu quả của sự phát triển tự phát và sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu. Nguồn chất thải rắn và khí độc thải ra hầu như không được xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng ở những khu vực sản xuất tập trung như làng nghề đan lát, làng nghề muối… Như nhiều địa phương khác, hiện chưa làng nghề nào của TPHCM có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, do chi phí xử lý rất tốn kém, làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục