Làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một

Sáng 18-4,đồng chí Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề Gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Mục đích của chuyến khảo sát nhằm đề xuất hướng phát triển của các làng nghề truyền thống trong thời gian tới.
Làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một

(SGGPO).- Sáng 18-4,đồng chí Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề Gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Mục đích của chuyến khảo sát nhằm đề xuất hướng phát triển của các làng nghề truyền thống trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Tiến Nên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Lãng, năm  2014, toàn xã Phù Lãng có 230 hộ sản xuất gốm với khoảng 600 lao động, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày công. Một năm tổng doanh thu từ sản xuất gốm ước đạt từ 45 tỷ đến 50 tỷ, chiếm khoảng 32% thu nhập trong toàn xã.

Hiện tại trên địa bàn xã đã thành lập 2 Công ty gốm Nhung và gốm Trí Việt và khoảng 20 xưởng sản xuất Gốm Mỹ thuật; đã thành lập 1 Hiệp hội làng nghề Gốm với đại diện là hơn 30 hộ trong xã để duy trì và phát triển làng nghề một cách bền vững. Tuy nhiên, do cơ chế thị trường hiện nay, các sản phẩm đồ gia dụng sản xuất đa dạng nên sản phẩm gốm Phù Lãng khó cạnh tranh được, vì đặc tính của gốm Phù Lãng là sành nên rất nặng và thô. Nhìn chung, đầu ra tiêu thụ sản phẩm bị động, nhỏ lẻ, các hộ gia đình phải tự sản xuất và buôn bán hàng hóa mang tính tự vận động, chưa có sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước. Làng nghề gốm Phù Lãng cũng chưa được công nhận là làng nghề truyền thống theo tiêu chí mới.

Thực tế các hộ dân tại làng gốm Phù Lãng vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, thụ động về nguyên liệu cũng như đầu ra. Vì thế, phản ánh với đoàn khảo sát, đại diện các hộ làm gốm tại đây đều đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện phát triển làng nghề như có cơ chế và chính sách ưu đãi cho người dân sản xuất; định hướng quảng bá và giới thiệu về sản phẩm gốm Phù Lãng trong và ngoài nước; Tạo điều kiện để các hộ gia đình có đầu ra tiêu thụ sản phẩm mang tính ổn định bền vững; Đặc biệt, nhu cầu bức xúc nhất hiện nay là vốn cho sản xuất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khảo sát làng nghề Gốm Phù Lãng, Bắc Ninh.

Từ thực tế khảo sát làng nghề gốm Phù Lãng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, làng nghề trong xu hướng phát triển có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn không ít khó khăn. Làng nghề truyền thống là tài sản vô giá của quốc gia,  nhưng khi hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành chức năng và nỗ lực vươn lên của những người làm nghề thì nguy cơ làng nghề bị mai một rất lớn. Để các làng nghề phát triển, không thể để người dân phát triển manh mún mà phải có hợp tác xã hoặc hiệp hội liên kết, hỗ trợ cho người dân cả về vốn, đầu ra, chủ động nguyên liệu, quảng bá sản phẩm.

Dẫn việc người dân làng gốm Bát Tràng, Hà Nội bày bán gốm sứ nhập ngoại ngay tại làng nghề, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cạnh tranh hàng truyền thống đã đến cạnh sân làng. Vì vậy, muốn phát triển làng nghề, nhất định phải có sự hợp tác làm ăn giữa các người dân trong làng nghề với nhau.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục