Đầm Thủy Triều (Cam Ranh, Khánh Hòa) có hơn 1.500 loài thủy hải sản. Gần đây, đầm đang ngày càng cạn kiệt, với sự xuất hiện của những “người cá” siêu phàm. Mỗi lần mò mồi, họ ở luôn dưới đáy đầm ít nhất 5 giờ để “ra tay”. Cả làng hàng trăm người làm nghề lặn đầm mưu sinh.
Lặn ngày, lặn đêm
Đầm Thủy Triều rộng hơn 2.000ha, nhiều năm qua, đầm nuôi sống không chỉ người dân hai xã Cam Hải Tây, Cam Hải Đông mà còn cả huyện Cam Lâm, Cam Ranh, một phần TP Nha Trang.
Khu phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, được gọi là “làng người nhái”, bởi trong khu phố nghèo này, hầu như nhà nào cũng có người lặn đầm để mưu sinh. Loại thủy sản nhiều nhất trong đầm là “đuôi heo”, loài hải sinh chuyên làm thức ăn nuôi tôm hùm. Chỉ tính riêng trong làng có hơn 100 người hành nghề lặn đầm. Ngôi làng nằm cách trung tâm hành chính huyện chỉ vài chục mét. Người dân trong làng không làm công nhân vì lương công nhân cũng bằng với việc họ khai thác thủy sản từ đầm và nghề lặn đầm trở thành nghề chính của dân làng từ hơn 10 năm qua. Buổi sáng, họ lặn từ 7 giờ - 14 giờ, còn lặn đêm kéo dài từ 19 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Trên địa bàn huyện Cam Lâm đã có 215 gia đình sử dụng lờ cá, mỗi gia đình có từ 150 - 200 lờ cá. Giá một tay lờ hiện nay 300.000 đồng, tăng gấp đôi so với cách đây 5 năm nhưng đã sống bằng nghề chài lưới nên các ngư dân phải trang bị, dù lợi nhuận thu về mỗi ngày đôi khi chỉ vài chục ngàn đồng. Công việc đánh bắt trên đầm chỉ thực sự nhộn nhịp về đêm.
Mấy năm trở lại đây, hệ thống thủy sinh của đầm xuất hiện mối đe dọa mới nhằm vào phần gốc rễ hay phần đáy của đầm. Ông Nguyễn Văn Hạnh 73 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cam Hải Tây, cho biết: “Đầm Thủy Triều có đáy đầm đầy ắp bùn đất phì nhiêu, đó cũng là môi trường sống của thủy sinh. Cũng vì vậy, người ta thường lặn xuống tận đáy để bắt hải sản, do đó, đáy sâu bị ảnh hưởng nhiều, làm hư hại hệ thống thủy sinh trong đầm”. Về hệ thống thủy sinh trong đầm, ông Hạnh nhận định: “Tôi một đời sống và quản lý đoạn đầm Thủy Triều chạy ngang qua khu vực và thấy sự thay đổi quá nhiều. Thời tôi còn trẻ, cua ghẹ, cá, đứng trên bờ còn thấy nhiều vô số, giờ phải chèo ghe ra giữa đầm mới bắt được vài ký/ngày”.
Ngô Văn Sơn, 39 tuổi, là “người cá” chuyên nghiệp với thành tích 6 giờ “chạy đáy” mỗi ngày. Hiện nay, trên mặt đầm có khoảng hơn 200 người chuyên “chạy đáy”. Mỗi bộ đồ lặn có trị giá 700.000 đồng. Mỗi ngày một “người cá” có thể thu nhập đến 400.000 đồng từ việc thu hoạch hải sản đem lại.
Người vất vả, đầm “đau đớn”
Đầm Thủy Triều chỗ sâu nhất chỉ hơn 7m nên thợ lặn có thể hoạt động bình thường. Nhưng hoạt động liên tục từ 6 - 7 giờ mỗi ngày nên rất vất vả. Mỗi lần lặn sâu, mỗi thợ lặn có thể mang lên hơn 20kg hải sản. Số lượng hải sản này được bán ngay cho các nhà hàng, quán nhậu dọc hai bên bờ đầm. Loại hải sản được những “người cá” này khai thác chủ yếu là ghẹ, nghêu, sò và động vật giáp xác nói chung.
Nghề lặn không khó nhưng chỉ những người hiểu biết rõ về đầm phá mới có thể tiết kiệm thời gian lặn mà thôi. Nguyễn Xuân Thứ, thợ nhiều năm chạy đầm, miêu tả công việc của mình như sau: “Khi xuống đến đáy đầm, chúng tôi sẽ dùng tay đã đeo găng để móc hải sản trú ngụ dưới đáy, những lúc như vậy các loại hải sản dưới đáy sẽ lộ ra. Quá trình đào đáy như vậy có thể làm chết rất nhiều hải sản non, nhưng chúng tôi không làm sẽ có người khác làm, đành phải khai thác kiểu tận diệt để có tiền nuôi gia đình mình”. Nghề thợ lặn bắt đầu sôi nổi hơn từ 5 năm nay, thời gian đầu chỉ có vài người đủ kinh phí mua đồ bơi, máy bơm khí, nhưng hiện nay số lượng người trang bị để lặn sâu đã lên đến hàng trăm người.
Cách đây 4 năm, chỉ cần lặn 3 giờ là có thể kiếm được hơn 200.000 đồng/ngày, nhưng hiện nay không còn được như trước. Lý do chủ yếu vì có quá nhiều tay thợ lặn tranh thủ khai thác nên bây giờ muốn kiếm 500.000 đồng phải lặn mất 5 - 6 giờ và phải lặn hết sức mình.
Nghề lặn sâu có nhiều vất vả khác hẳn với nhiều nghề sông nước. Mỗi lần “chạy đầm” người lặn phải mang theo trên mình ít nhất 20kg chì để có thể chìm xuống đáy và ở luôn dưới đó. Do nước đầm không còn trong như ngày trước nên khi lặn xuống phải dùng kính bơi, cộng thêm việc cào xới đáy đầm nên tầm nhìn hạn chế. Việc thu nhặt hải sản chủ yếu dựa vào cảm giác của các ngón tay, từ kích thước hải sản đến việc phân biệt đó là loại hải sản nào.
Hầu hết những người lặn đầm đều bị đau mắt, một căn bệnh rất khó chịu đặc biệt vào mùa nóng. Ngoài ra còn dễ mắc bệnh viêm tai vì nước trong đầm dù thông với biển nhưng đã bị ô nhiễm vì rác thải. Việc các nhà máy xả thải ra đầm còn làm thợ lặn bị ngứa đến mức không lặn được. “Nhiều lúc phải nổi lên đột ngột, vì nguy hiểm đến hệ hô hấp, chưa kể đến việc những thuyền máy chạy qua phía trên, có người đã bị phần chân của bánh lái đánh phải, chảy máu đi viện cấp cứu. Sau khi từ dưới nước lên, chúng tôi cố gắng ở ngoài nắng nhiều hơn, kiểu như phơi nắng để da trở lại bình thường, chứ không dám ngồi trong mát nghỉ ngơi nhiều quá”, anh Nguyễn Quang Sơn cho biết cách mà các anh thường làm để đảm bảo sức khỏe mỗi khi lặn đầm xong.
Việc đeo kính bơi quá lâu cũng rất dễ bị đau mắt, nên mắt “người cá” mỗi khi nổi lên khỏi mặt nước đều phải tránh ánh sáng mặt trời. “Mỗi người trong bọn tôi khi lặn đầm nổi lên, mắt như mắt ốc lồi ấy, vì kính bơi bóp lại ở hai bên thái dương. Lặn xong rồi, chúng tôi không tháo kính ra ngay mà vẫn phải đeo kính một lúc, do ở dưới đầm thời gian dài nếu tháo kính ra ngay thì mắt chắc chắn sẽ bị đau vì ánh sáng thay đổi đột ngột”, anh Nguyễn Văn Hàn, một người lặn đầm cho biết. Anh Nguyễn Phổi, trưởng khu phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức, cho biết: “Hải sản bán không hề có hợp đồng hay thỏa thuận trước, vì chính người lặn cũng không biết được mình sẽ lặn trong bao lâu và chính xác được bao nhiêu ký. Chính vì vậy, có nhiều người phải vứt bỏ hải sản trở lại đầm, do không có người mua hoặc họ mua một phần chứ không mua hết. Đây là sự lãng phí với các tài nguyên trong đầm, vì có một số loài hải sản khi ném trở lại xuống đầm thì đã chết rồi”. Trước chỉ cần lặn 200m là có thể thu hoạch được hơn 10kg hải sản nhưng nay quãng đường đó phải xa thêm 2 - 3 lần. Khi lặn dưới đáy đầm, họ thường rất ít khi nổi lên vì sợ sẽ mất phần, thiếu may mắn.
ĐỨC THỌ