Hàng loạt nông dân ở làng nuôi bò sữa lâu đời nhất miền Bắc - Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội) đang đứng trước cảnh đổ bỏ sữa tươi vì nhà máy không thu mua, đẩy giá xuống thấp.
Cho đến nay, hàng trăm hộ dân nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội vẫn chưa quên nỗi đau từ “cơn bão melamin” khiến hàng ngàn lít sữa tươi vắt xong phải đổ bỏ vì không bán được. Và tình trạng này lại tái diễn. Tuy nhiên, nguyên nhân lần này do sữa làm ra không được Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) bao tiêu như cam kết lâu nay.
Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chăn nuôi xã Phù Đổng cho biết, từ tháng 10-2014 trở lại đây, các điểm thu mua sữa tươi của IDP đã khống chế sản lượng thu mua sữa tươi tại các trạm thu gom. Trong khi trước đó công ty này đều thu mua hết lượng sữa của bà con xã viên.
Ông Vương Đình Sân ở thôn Phù Dực 1, xã Phù Đổng cho biết, mỗi ngày nhà ông bị “ế” khoảng 5 - 10kg sữa tươi. Các gia đình khác cũng tương tự. Chở ra trạm thu gom bị trả về, gia đình ông Sân và nhiều hộ dân khác đành phải đem làm sữa chua, rồi vận động họ hàng cất giúp vào tủ lạnh, nhưng rồi cũng không xuể, đành phải đổ ra mương.
Nhiều nơi người nuôi bò sữa đang gặp khó khăn do giá sữa thu mua thấp và ế thừa.
Theo đại diện của IDP, lý do giảm lượng sữa thu mua vì công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầu tư và sản lượng sữa trong dân tăng bất thường. Vào mùa hè, địa bàn xã Phù Đổng cung ứng khoảng 5 - 5,5 tấn sữa/ngày nhưng mùa đông lên tới 6,5 tấn/ngày, nên công ty phải khống chế số lượng sữa mua vào. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hòa khẳng định, nhiều năm nay, sản lượng sữa ở Phù Đổng vẫn ổn định như vậy và cũng chưa xảy ra tình trạng “ế thừa” như thời gian gần đây.
Hiện tại, toàn xã Phù Đổng có khoảng hơn 770 hộ chăn nuôi bò sữa với xấp xỉ 2.000 con. Sản lượng sữa trung bình mỗi ngày khoảng 15 tấn. Trong số này, Công ty sữa Vinamilk thu mua khoảng hơn 50%, số còn lại do IDP thu mua.
Không chỉ ở xã Phù Đổng, hiện nhiều địa phương khác đang hợp đồng cung ứng sữa tươi cho IDP cũng gặp khó vì công ty đột ngột giảm lượng thu mua. Từ ngày 15-10-2014 đến nay, IDP cũng đã cắt giảm và hạ thấp hàng loạt các khoản hỗ trợ thu mua sữa đối với các hộ dân cung cấp sữa cho công ty tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì. Hiện giá sữa IDP mua tại Gia Lâm (Hà Nội) trung bình 12.200 đồng/kg. Trong khi các công ty sữa khác như Vinamilk, Hà Nội Milk, Cô Gái Hà Lan... vẫn đang giữ mức mua 14.000 - 14.500 đồng/kg.
Điều khó khăn cho chính nông dân Phù Đổng là không ký kết hợp đồng trực tiếp với công ty thu mua sữa, do đó khi bị “bẻ kèo” thì không biết kêu đâu.
Và trong khi hàng trăm hộ dân chăn nuôi bò sữa của xã Phù Đổng còn chưa biết xử lý số sữa tươi dư thừa hàng ngày như thế nào thì hợp đồng ký kết năm 2014 đã hết hạn, hợp đồng năm 2015 chưa thấy đâu càng khiến người chăn nuôi lòng như lửa đốt.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Hà Nội đã có văn bản đề nghị IDP từ năm 2015 phải ký kết hợp đồng trực tiếp với từng hộ chăn nuôi, phân rõ trách nhiệm của từng bên và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Đồng thời trước tình trạng tại nhiều địa phương như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… các doanh nghiệp không thu mua hết sữa của người chăn nuôi, trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị sở NN-PTNT các địa phương sớm tháo gỡ. Yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi bò sữa và thu mua sữa tươi nguyên liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn; chủ động xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm; làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi.
PHÚC HẬU