Lãng phí vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

 Đây là kết quả tổng hợp từ số liệu của 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành thông qua việc thanh tra 12.990 dự án, kiểm tra 194 dự án với tổng mức đầu tư hơn 502.202 tỷ đồng. Từ kết quả thanh tra, các vi phạm được phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế lên đến trên 7.952 tỷ đồng.

Kiến nghị xử lý về kinh tế trên 4.763 tỷ đồng

Cụ thể, tại 15 bộ ngành triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng này, đã thanh tra tại 444 dự án công trình, kiểm tra 194 dự án có tổng mức đầu tư là 357.330 tỷ đồng. Qua thanh tra đã kết luận những thiếu sót vi phạm từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến khâu xác định nguồn vốn, phân bổ vốn đối với các công trình, dự án. Trong đó, các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm được phát hiện như công tác khảo sát, lập dự án đầu tư còn sơ sài, thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế địa hình, địa chất công trình dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện dự án làm tổng mức đầu tư của dự án thay đổi. Chủ đầu tư chưa xác định rõ về quy mô, công năng sử dụng và thời gian thực hiện dự án ngay từ khi lập dự án nên khi triển khai thực hiện phải phê duyệt lại quy mô dự án vì không phù hợp, phải điều chỉnh thiết kế hoặc thay đổi toàn bộ thiết kế (có dự án không sử dụng thiết kế phê duyệt lần đầu), có dự án phê duyệt chưa phù hợp phải điều chỉnh theo quy hoạch của các vùng miền, theo đề nghị của các tỉnh, thành phố. Việc lập tổng mức đầu tư của dự án không chính xác (thường là nhỏ hơn) dẫn tới thẩm quyền quyết định đầu tư không đúng.

Có bộ với 12 dự án chưa có trong quy hoạch và 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư là 14.638 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản tổng số tiền là 673 tỷ đồng. Nhiều dự án thiết kế xong không sử dụng, có dự án do thiết kế không sử dụng được phải thay đổi hoàn toàn gây lãng phí 60,5 tỷ đồng; nhiều dự án do lập tổng mức đầu tư chưa chính xác nên phải thay đổi nhiều lần (có dự án thay đổi tới 4 lần), có dự án do lập dự án chưa chính xác phải loại bỏ tới 192 tỷ đồng... Ngoài ra, còn có các vi phạm như cơ quan tư vấn thiết kế tính toán sai suất đầu tư 2.154 tỷ đồng; thay đổi về quy mô dự án không đúng với quyết định phê duyệt làm tăng tổng mức đầu tư 25.767 tỷ đồng... Từ kết quả thanh tra này, TTCP kiến nghị tổng số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế là trên 4.763 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước là trên 1.122 tỷ đồng, giảm trừ khi thanh quyết toán là trên 1.425 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác là trên 2.216 tỷ đồng.

TTCP đánh giá, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án, tiến hành rà soát, dừng, giãn, hoãn nhiều dự án và có các biện pháp xử lý kịp thời để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tổng số các dự án phải dừng, giãn, hoãn là 106 dự án với tổng mức đầu tư là 78.017 tỷ đồng. Từ năm 2011, do có nhiều biện pháp được triển khai trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nên đã cơ bản khắc phục được tồn tại về phân bổ vốn đầu tư dàn trải, hạn chế được tình trạng quy mô và suất đầu tư bất hợp lý. Tuy nhiên, nhìn chung các bộ vẫn chưa tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Có bộ còn 91 dự án phải dừng, giãn, hoãn nhưng vẫn khởi công xây dựng nhiều dự án mới với tổng mức đầu tư là 204.373 tỷ đồng.

Tiến độ dự án chậm, phát sinh tăng tổng mức đầu tư

Còn kết quả thanh tra tại các tỉnh, thành (thanh tra 12.546 dự án, công trình với tổng mức đầu tư là trên 144.872 tỷ đồng) cũng cho thấy còn tồn tại các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm chủ yếu như chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư còn thấp, các dự án đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần, tiến độ thực hiện dự án chậm làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư.

Qua thanh tra tại các tỉnh, thành đã phát hiện các sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án tại 789 dự án với tổng số tiền sai phạm là 280 tỷ đồng; sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại 272 dự án với tổng số tiền sai phạm là 248 tỷ đồng; sai phạm về nợ đọng xây dựng cơ bản tại 1.527 dự án với tổng số tiền là trên 1.869 tỷ đồng và sai phạm khác ở 2.324 dự án với tổng số tiền là 791 tỷ đồng. Từ đó, cơ quan thanh tra các tỉnh, thành đã ban hành kết luận và kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền là gần 3.200 tỷ đồng. Kiểm điểm rút kinh nghiệm và có hình thức kỷ luật đối với 240 tập thể và 197 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc.

Kết quả tổng hợp kiến nghị xử lý của các bộ, ngành, địa phương, tổng số tiền được phát hiện kiến nghị xử lý là hơn 7.952 tỷ đồng, trong đó thu hồi về ngân sách nhà nước là 1.245 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh quyết toán là 1.553 tỷ đồng và xử lý khác (điều chỉnh giá trị dự toán, giá trị hợp đồng, yêu cầu sửa chữa lại...) là 5.153 tỷ đồng. Kiến nghị xử kiểm điểm rút kinh nghiệm và có hình thức kỷ luật đối với 240 tập thể và 197 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc. Kiến nghị bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, đơn vị liên quan đến những hạn chế, yếu kém, vi phạm được phát hiện qua thanh tra; đồng thời kiến nghị tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến công tác quản lý thực hiện dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục