Lãng quên di tích quốc gia Trần Văn Kỷ

Lãng quên di tích quốc gia Trần Văn Kỷ

Công thần Trần Văn Kỷ, người được vua Quang Trung tin dùng như một vị quân sư và được phong làm Trung thư Phụng chính, lưu danh sử sách. Hiện tên của ông được đặt cho nhiều trường, đường phố trong cả nước. Vậy nhưng, khu lăng mộ của ông dù được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1993, lại chỉ khiêm tốn nằm lãng quên giữa sình lầy, ngập lụt, cỏ dại ở làng Vân Trình (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế).

Đường dẫn hơn 200m từ quốc lộ 49B vào di tích lịch sử cấp quốc gia, Lăng mộ Trần Văn Kỷ, không biển chỉ dẫn, thấp trũng đầy sình lầy. Không chỉ thế, khuôn viên lăng mộ ông rộng khoảng 11m2 còn đang bị sụt lún, lọt thỏm giữa bốn bề nước mênh mông… Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, thừa nhận sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích cấp quốc gia này. “Có nhiều trường học trên địa bàn muốn tổ chức cho học sinh đến dâng hương, tham quan Lăng mộ Trần Văn Kỷ vào những tiết học dã ngoại để giáo dục truyền thống hiếu học, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các em, song do đường vào di tích rất khó khăn nên không thể thực hiện” - ông Khánh còn cho biết thêm, nhiều đợt tiếp xúc cử tri thời gian gần đây, người dân Phong Điền đã bức xúc kiến nghị cơ quan chức năng cần đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo Lăng mộ Trần Văn Kỷ, song chưa được các cấp quan tâm.

Di tích lịch sử cấp quốc gia, Lăng mộ Trần Văn Kỷ, bị xuống cấp nghiêm trọng

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, phòng văn hóa - thông tin huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị sửa chữa, trùng tu di tích nhưng do huyện không có kinh phí nên chưa thực hiện được. Trước mắt, địa phương đang xem xét đầu tư đoạn đường hơn 200m từ quốc lộ 49B dẫn vào khu lăng mộ và đổ đất chống sụt lún khuôn viên lăng mộ.

Ngoài công lao phò anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và vương triều Tây Sơn, Trần Văn Kỷ còn là một vị quan biết cảm thông, chia sẻ với dân nghèo. Chuyện ông chia gạo, cho đào mương thủy lợi, mở đường, xây cầu và phát động phong trào trồng cây… đến nay dân làng Vân Trình và ở nhiều vùng khác trong huyện Phong Điền còn truyền tụng.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục