Lãng quên thương hiệu

Vừa qua, dư luận bàn tán chuyện gạo Việt Nam đang thua gạo Campuchia, trong khi vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, đến tháng 10-2015, Bộ NN-PTNT mới chỉ xác định được vài giống lúa chất lượng cao. Cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở, cơ hội không thiếu, nhưng nhiều loại nông sản nước ta đối diện cạnh tranh khốc liệt tại sân nhà, trong đó có lúa gạo.

Hàng nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để chen chân vào thị trường nước ngoài. Song, cạnh tranh sẽ khốc liệt ngay tại thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp theo xu hướng chất lượng cao là tất yếu để tạo lập thương hiệu, tăng sức cạnh tranh. Với diện tích đất trồng lúa khoảng 4 triệu ha, mỗi năm sản lượng lúa trên 45 triệu tấn, trong đó ĐBSCL chiếm trên 25 triệu tấn, xuất khẩu gạo trong thập niên qua dao động 5- 7 triệu tấn, bình quân khoảng 6 triệu tấn/năm, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong trồng lúa. Thậm chí nhiều chuyên gia Việt Nam được mời sang châu Phi “hướng dẫn”, tư vấn về canh tác, sản xuất lúa. Ngay Campuchia cũng học hỏi và tiếp thu các kỹ năng trồng lúa của nông dân ĐBSCL. Thế nhưng, GS-TS Võ Tòng Xuân đã đưa ra một ví dụ “dở khóc dở cười”: “Gần đây nhất, Tim Cook, CEO của Apple, cho biết: Chỉ vài ngày sau khi iPhone 6S xuất hiện trên thị trường đã bán được 13 triệu chiếc, với giá từ 13 đến 19 triệu đồng/chiếc. Trong cùng thời gian đó, gạo Việt Nam giá tụt thấp thê thảm mà vẫn khó bán! Câu hỏi đặt ra, chúng ta có khoảng 25 năm xuất khẩu gạo, nhưng sao chưa thể gọi là chuyên nghiệp trong lĩnh vực này”?

Đâu là mô hình sản xuất, tạo lập giống lúa có thương hiệu tương thích cho vựa lúa ĐBSCL, luôn là đề tài nóng trong hàng chục năm qua! Các chuyên gia nông nghiệp thường cho rằng, để thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún hiện nay, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, hoặc với tổ chức đại diện cho các hộ nông dân trong kinh doanh xuất khẩu gạo để có nguồn cung bảo đảm chất lượng, ổn định, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu gạo là tất yếu. Thực tế vừa qua, quy mô hợp tác, liên kết trên danh nghĩa thì lớn, nhưng liên kết chặt chẽ lại ít. Bằng chứng là quy mô hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân thì nhiều nhưng thực hiện lại ít. Tại ĐBSCL, sau thời gian liên kết với nông dân sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, một số doanh nghiệp đã bắt đầu “tháo chạy” khỏi mô hình này vì nhiều lý do. Quan trọng hơn, các hợp đồng liên kết, hợp tác được thực hiện đầy đủ, phần lớn gạo “Made in Vietnam” vẫn không có thương hiệu! Đến nay, Bộ NN-PTNT chỉ xác định một vài giống lúa thơm ST (lúa thơm Sóc Trăng), Nàng Thơm Chợ Đào và Jasmine làm khâu đột phá. Thực tế, nhiều loại gạo Việt Nam được người tiêu dùng nước ngoài ưa thích, nhưng do chưa có thương hiệu nên gạo Việt vẫn bị lép vế. Thậm chí có doanh nghiệp xuất khẩu gạo khá bức xúc cho biết: Có trường hợp doanh nghiệp Thái Lan mua gạo Việt Nam, sau đó “đóng dấu” gạo Thái xuất bán cho thị trường nước ngoài! Đây là “lỗ hổng” rất lớn từ việc gạo Việt chưa có thương hiệu và chuyện tiếp thị gạo Việt bị “lãng quên”!

Trước thực tế này, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích đã đặt ra  vấn đề: “Thay vì khuyến khích, hỗ trợ khâu trung gian cánh đồng lớn phức tạp và ít hiệu quả, Nhà nước chỉ tập trung hỗ trợ khâu cuối cùng, vừa hiệu quả, vừa đơn giản hơn rất nhiều”. Một khi quá trình xây dựng thương hiệu gạo phát huy được hiệu quả, việc chăm lo xây dựng các vùng lúa nguyên liệu của các chủ thể kinh doanh đi vào nền nếp, đó có thể cũng là lúc Nhà nước cần nghiên cứu, quyết định chi những khoản kinh phí lớn, thậm chí rất lớn để đầu tư xây dựng các cánh đồng lúa thật sự lớn, hiện đại, xứng tầm của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đó cũng là liều “thuốc tăng lực” vô cùng quan trọng cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo mang thương hiệu Việt trong thời gian tới!

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục