Làng trầm… bay bổng

“Xứ trầm hương” Khánh Hòa xưa kia được biết đến với bề dày và thành tích tìm trầm tự nhiên. Nay, vùng đất này còn nổi tiếng với những làng trầm thủ công đang đem lại nhiều công ăn việc làm.
Làng trầm… bay bổng

“Xứ trầm hương” Khánh Hòa xưa kia được biết đến với bề dày và thành tích tìm trầm tự nhiên. Nay, vùng đất này còn nổi tiếng với những làng trầm thủ công đang đem lại nhiều công ăn việc làm.

Góp hương ngày tết

Ở huyện Vạn Ninh có nhiều làng trầm nổi tiếng trong tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây, từ xưa đã hình thành nhiều làng “đi điệu” (tức đi tìm trầm), nay còn hình thành nên những làng chuyên chế tác để tạo những cây trầm cảnh và chế biến các loại hương từ trầm. Về Vạn Ninh những ngày này, nhiều làng trầm đang tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường tết. Tại xã Vạn Thắng có hàng chục cơ sở làm trầm, nổi tiếng trong đó có xưởng trầm ở các thôn Phú Hội 1 và Quảng Hội 1. Ông Phan Trọng Hoàng, chủ một cơ sở chế biến trầm ở thôn Phú Hội 1, cho biết cách đây 5 năm, thấy người dân chòm xóm ăn nên làm ra nhờ nghề trầm thủ công nên ông mạnh dạn đầu tư làm theo. Chỉ một năm sau, nghề này cho ông thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Vậy nên, xưởng trầm của ông lúc nào cũng có gần cả chục nhân công chế tác trầm, thu nhập ổn định.

Cách nhà ông Hoàng chừng 300m là cơ sở chế tác trầm của ông Bảy Tài với khoảng 15 nhân công đang miệt mài sơ chế trầm từ cây dó. Xưởng trầm của ông Tài hình thành cách đây hơn 10 năm, xem như “gạo cội” trong làng. Ông Bảy Tài trước đây là dân “đi điệu”, suốt nhiều năm “ăn cơm rừng” tìm trầm nhưng cuộc sống chẳng khá lên. Bỏ nghề, ông chuyển sang nấu dầu dừa, dù nhàn hạ hơn “đi điệu” nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Rồi khi có người trong làng khởi xướng nghề chế tác trầm thủ công nên ông làm theo. Ban đầu, ông Bảy Tài nhận những mẫu trầm thô về tự tay sơ chế, tạo hình cây trầm cảnh. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thấy nghề này đem lại thu nhập khá, ông đầu tư thêm nhiều dụng cụ, máy móc phục vụ nghề và đến nay ông không chỉ “sống được” với nghề mà còn giàu hẳn lên khi sản phẩm trầm của ông được xuất ra nước ngoài. “Tôi bỏ nghề tìm trầm, nhưng nay lại làm nghề cũng liên quan đến trầm, kể ra đó cũng có duyên. Nhưng “cái duyên” lần này cho gia đình tôi miếng ăn ngon, sống no đủ và hàng chục lao động có việc làm thường xuyên”, ông Bảy Tài tự hào nói. 

Những thợ thủ công làng trầm đang chế tác sản phẩm trầm từ cây dó

Kiếm tiền triệu

Không chỉ huyện Vạn Ninh đang nổi danh với những “làng trầm” đặc trưng, mà việc những xưởng trầm nơi đây đem đến công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động là điều đáng tự hào. Ông Phan Thanh Toàn, một chủ xưởng trầm thôn Quảng Hội 1, cho biết, nguyên liệu làm ra những sản phẩm trầm chủ yếu từ cây dó, loại cây sản sinh ra trầm, nhưng do bị sâu đục, gãy đỗ… nên trở thành nguyên liệu để chế tác ra các sản phẩm. Hiện đa phần sản phẩm trầm được chế tạo từ cây dó trồng, chứ ít có cây dó tự nhiên như xưa. Cây dó sau khi được mua về, tùy theo chất lượng cây để phân loại chế tác cho phù hợp. Nếu cây dó ít chất lượng kém thì làm nhang, còn tốt hơn đem làm hương trầm, làm cây dó cảnh. Có những cây dó cảnh, sau khi qua bàn tay tạo hình của người thợ, có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Nghề chế tác trầm cũng khá đơn giản, học qua vài ngày là làm được việc. Vào nghề, mỗi người phải tự trang bị cho mình bộ đồ nghề, đó là những cái dũm được đặt rèn chỉ tốn vài chục ngàn đồng mỗi cái. Chị Lê Thị Huyền, một thợ chế tác trầm, cho biết chị làm nghề này đã 5 năm, do tay nghề cao nên ngày công của chị bây giờ được gần 200.000 đồng. Theo đánh giá chung, thu nhập một ngày công ở các làng trầm hiện chưa phải cao, nhưng do việc làm có sẵn tại chỗ, lại không phải đầu tư chi phí nhiều nên rất nhiều người gắn bó với nghề. Như gia đình anh Nguyễn Duy An, trước đây cả nhà theo nghề nuôi tôm nhưng liên tục thất bát, nợ nần triền miên. Anh bỏ tôm, theo nghề chế tác trầm nên cuộc sống ổn định hơn. “Gia đình tôi có 5 người và ai cũng biết chế tác trầm, có tháng cao điểm cả nhà kiếm được 15 triệu đồng nên cuộc sống ổn định hơn trước, con cái yên tâm đến trường”, anh An tâm sự.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục