Với tổng diện tích 1.544 ha, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tọa lạc ở vị trí khá đẹp, phía Nam hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 40 km. Từng được kỳ vọng là một trong những công trình văn hóa có quy mô lớn nhất nước, là trung tâm văn hóa, sinh hoạt của 54 dân tộc anh em; song, hơn 10 năm xây dựng với kinh phí đầu tư nhiều tỷ đồng, hiện khu vực này có hàng trăm công trình kiến trúc đã hoàn thành nhưng làng vẫn ngổn ngang, hoang vắng.
Xót xa vì cửa đóng then cài
Chúng tôi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào một ngày thu rất đẹp, nhưng trái ngược với cảnh tấp nập trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, cách đó không xa, khu làng yên tĩnh đến lạ. Lúc ấy đã giữa buổi sáng nhưng khu cổng làng bề thế với nhiều làn xe chạy mở toang và tất nhiên là xe có thể dễ dàng chạy vào tới tận chân các ngôi nhà trong làng mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Nhiều công trình kiến trúc, tâm linh lớn đặc trưng của đồng bào các dân tộc đã được xây dựng nhưng Làng Văn hóa - Du lịch vẫn ngổn ngang, hoang vắng
Công bằng nhìn nhận thì sau 10 năm, nhiều công trình kiến trúc mới đã được xây dựng đem lại cho làng một vẻ khang trang, bề thế. Điển hình có thể kể tới quần thể chùa Khmer, cụm tháp Chăm, khu quảng trường Tây Nguyên với nhà rông, nhà dài… hay khu vực làng của bà con dân tộc Tây Bắc với nhà sàn, nhà trình tường… được dựng lên rất lớn. So với nhiều công trình gốc thì phiên bản tại làng có thể còn có quy mô hoành tráng hơn, to đẹp hơn, vật liệu xây dựng có thể cũng bền tốt hơn. Nhưng tiếc thay với người ta lại không thấy được sinh khí của những công trình rất to lớn ấy. Chị Trần Thanh Vân, Long Biên, Hà Nội, chia sẻ: Đến đây nếu chỉ để chụp ảnh thì rất đẹp, cảnh sắc phong phú, chỉ trong một không gian mà có thể thấy kiến trúc của nhiều miền đất nước. Nhưng nếu đến với mong muốn được khám phá tìm hiểu về tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam thì hoàn toàn thất bại.
Ngoài các biển chỉ dẫn, chú thích sơ sài, khiến người nào rất kiên nhẫn mới có thể tìm được đúng vị trí cần đến thì du khách khi đến nơi này phải chấp nhận một thực tế là sẽ rất khó nhận được sự giúp đỡ nào từ các nhân viên của làng mà phải tự xoay xở. Đi bộ theo các con đường trải nhựa phẳng phiu mất cả nửa giờ đồng hồ phải may mắn lắm có thể thấy một vài công nhân đang tỉa cây, trồng cỏ, xa hơn chút nữa ở các công trình đang xây dang dở thì có dăm ba công nhân đang tô tô, trát trát… còn các ngôi nhà thì phần lớn là cửa đóng then cài, lạnh lẽo.
Những hàng rào phủ đầy lau sậy, mái lá xô lệch, tiêu điều đến mức mà nhiều khu nhà nếu chỉ có một hai người thì không ai dám bước chân tới mà chỉ đứng từ xa để nhìn lại bởi tịnh không thấy bóng dáng của con người. Hoang phế nhất chính là khu nhà mồ, vốn trước đây là một trong những điểm được dựng công phu, cầu kỳ bởi nó chứa đựng nhiều nét văn hóa, phong tục đặc trưng của người Tây Nguyên. Nằm ngay cạnh trục đường tham quan nhưng khu nhà mồ phủ đầy lau sậy, những bức tượng mục nát, mối gặm nham nhở, tường rào xiêu vẹo, nhiều đoạn gãy gục, ngổn ngang… Không chỉ những kiến trúc đã hoàn thành nhưng đóng cửa mà ở nơi này còn rất nhiều công trình có quy mô lớn đang xây dựng dang dở cũng trong tình trạng “đắp chiếu”. Nằm ngay sau khu vực nhà đón tiếp khu vực kiến trúc của cộng đồng người Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu với đình, đền và những cổng tam quan lớn đang trong quá trình hoàn thiện cũng để cỏ mọc hoang tàn.
Hồn sắc ở đâu…
Khu vườn tượng Tây Nguyên đẹp nhưng hoang vắng
Phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm thấy hai phụ nữ đang hái chè trên mảnh vườn nhỏ trong khu nhà của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Chị Lò Thị Bun (người Mường Chà, Điện Biên) lớn tuổi nhất ở đây cho biết, thời điểm này cả làng chỉ có 8 dân tộc về đây sinh hoạt thôi. Những ngày lễ hội tháng 4 vừa qua thì còn đông vui chứ nay thì chỉ trên dưới 20 người. Khu đông người nhất có lẽ là nhà của người Thái với 6 nhân khẩu, còn các dân tộc khác chỉ có hai hoặc ba người còn ở lại bám làng. Chị Bun nói họ bỏ về rồi, không ở đây nữa vì buồn lắm, không có việc làm, thuốc dân tộc cũng không bán được. Chỉ sang khu nhà của người Ê Đê, chị cho biết bữa trước có 5 người xuống nhưng nay 3 người đã về để hái cà phê rồi.
Cách đó không xa, khu nhà dài của người Ê Đê vốn rất lớn dành cho đại gia đình sinh sống, chỉ có hai người phụ nữ đi ra đi vào khiến ngôi nhà trở nên vô cùng trống trải. Thấy chúng tôi đến, hai chị mừng lắm, vội vàng đun ấm nước, pha vội hai ly cà phê để mời khách. Chị H’Yik Mlô (người Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết chị và cô em họ từ quê nhà về làng được mấy tháng rồi. Trước lúc xuống đây, hai chị mang theo mấy chục cân cà phê nhân, phần thì để rang bán cho du khách nhưng quan trọng hơn cả là có việc làm đỏ lửa mỗi ngày giúp các chị đỡ nhớ nhà hơn. Chị nói, những ngày cuối tuần, lễ hội thì có người ra, người vào đông vui lắm, nhưng những ngày giữa tuần thì có ngày tịnh không có một ai… vì thế mặc dù đã vào giữa buổi cơm trưa nhưng cả hai chị đều chẳng màng gì chuyện ăn uống mà cùng chúng tôi ngồi quây quanh chảo cà phê rang dở để trò chuyện. Chị H’Yik Mlô nói, phần lớn các đồng bào xuống đây đều là người muộn chồng hoặc chồng đã mất vì thế mới có thể yên tâm ở lại đây đến dăm ba tháng… Ở đây thì chẳng có việc gì, nhàn lắm nhưng mà buồn, ban đầu chị chỉ ở cố để cho tròn tháng, rồi đợi người xuống thay nhưng rồi chẳng ai xuống, chả lẽ để nhà hoang nên các chị đành ở lại. Bẵng đi đã được dăm tháng rồi…
Ông Lâm Văn Khang, quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phân trần theo đúng kế hoạch ban đầu thì việc xây dựng cơ bản hoàn tất vào năm 2015, tức cách đây 1 năm nhưng do nguồn ngân sách cấp không đúng tiến độ vì thế mọi việc cũng vì thế mà chậm trễ. Trong khi những công trình ban đầu đang phải đối mặt với tình trạng xuống cấp thì nhiều công trình vẫn chưa có vốn để tiếp tục hoàn thiện. Theo ông Khang, cùng với mong muốn giới thiệu được tinh hoa văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc do chính người dân tộc giới thiệu, việc đưa đại diện 54 dân tộc về sinh sống tại làng đang là thách thức lớn. Rất nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các già làng, trưởng bản tìm hướng để đem lại khí sắc cho khu làng đã được tổ chức; nhiều đề xuất được đưa ra nhưng chưa có giải pháp nào mang tính khả thi. Hiện nay, việc vận động đồng bào về làng sinh hoạt, sinh sống luân phiên khá khó khăn, ông Khang thừa nhận. Trước hết là do kinh phí eo hẹp, với khoản hỗ trợ vài triệu đồng/tháng/người rất khó để trang trải cuộc sống mỗi ngày chứ chưa nói tới đem lại thu nhập cho bà con. Vì thế, bên cạnh việc duy trì việc mời đồng bào luân phiên về đây sinh hoạt, bên cạnh các hoạt động thường niên lớn, làng cũng nỗ lực tổ chức các hoạt động cuối tuần nhằm thu hút du khách thập phương về đây nhưng mọi số khách vẫn chưa thực sự đạt được như mong muốn.
Và vì thế rất có thể trong khi chờ đợi nguồn vốn ngân sách, chờ đợi cơ quan chức năng tìm ra các giải pháp hợp lý, Làng Văn hóa - Du lịch vẫn sẽ tiếp tục tái diễn cảnh ngổn ngang, hoang vắng như vậy.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dự tính hoàn thành vào năm 2015 với mục tiêu là gìn giữ, bảo tồn tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam, đồng thời là nơi quảng bá văn hóa, thu hút khách du lịch nhưng tới thời điểm này mọi việc vẫn đang ngổn ngang, dang dở. Các công trình kiến trúc to lớn là vậy nhưng không có hoạt động, khiến cả làng lâm vào tình trạng có “cốt” mà không có “hồn”… |
MAI AN - TRẦN BÌNH