Không lẫn vào đâu
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cho biết: “Điểm nhấn của Chợ Lách là vương quốc hoa kiểng, vùng đất cây lành trái ngọt, sản xuất cây giống lớn nhất nước… được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là nơi cung cấp cây giống, cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất nước. Chính những giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng sẵn có tạo nên chất liệu không lẫn vào đâu được để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Bến Tre. Đề án này sẽ chuyển tải đầy đủ các giá trị của đời sống sản xuất, sinh hoạt, văn hóa ký ức và hiện sinh của huyện đến với du khách gần xa, và cũng là sản phẩm mới trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Chợ Lách”.
Tháng 3-2020, đề án được triển khai thực hiện với 16 nội dung, 8 giải pháp giai đoạn 2020-2025. Năm 2021, đề án có 3 nhóm công việc với 16 đầu việc cần thực hiện. Hiện tại, đề án triển khai ở bước khởi động, với việc ban hành các kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo và Ban vận động thực hiện đề án. Trong đó, xây dựng cảnh quan đạt 40% nhiệm vụ năm 2020-2021. Đề án được triển khai tại 4 ấp của 4 xã: Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn), An Hòa (xã Long Thới), Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), tổng diện tích hơn 1.490ha đi qua huyện lộ 34, 35, 37 và quốc lộ 57, tổng đầu tư hơn 240 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác. Riêng cồn Cái Gà có diện tích 79ha được quy hoạch làm khu điều hành, trung tâm dịch vụ…dự kiến xây resort nghỉ dưỡng, vườn hoa mang tầm thế giới để du khách trải nghiệm sau khi tham quan các điểm du lịch: Nhà thờ Cái Mơn, nhà cổ, vườn sầu riêng, làng hoa giấy, làng nuôi gà nòi, vườn cây ăn trái, sản xuất cây giống...
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, cho biết, xã đã vận động người dân trong sản xuất cây giống, hoa kiểng tạo cảnh quan sạch, đẹp để thu hút khách du lịch, vận động đầu tư các công trình xây dựng hạ tầng. Hưởng ứng đề án, các hộ dân thuộc đề án bày tỏ sự phấn khởi, hy vọng đời sống sản xuất được nâng lên sau khi Làng văn hóa du lịch đi vào hoạt động năm 2025. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án, để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười đã yêu cầu UBND huyện Chợ Lách những công việc nào thực hiện được từ nay đến cuối năm thì cố gắng hoàn thành, phần việc nào chưa thể thực hiện thì chuyển sang năm sau…
Tạo giá trị đặc biệt
Theo ông Nguyễn Minh Đức, đề án này tạo điểm nhấn như đòn bẩy cho du lịch của tỉnh trong định hướng chiến lược phát triển của Bến Tre, nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Với những sản phẩm du lịch đặc thù từ cây giống, hoa kiểng và du lịch sông nước, sẽ lan rộng ra các điểm du lịch lân cận trên địa bàn tỉnh, tạo liên kết tuyến điểm du lịch, thúc đẩy phát triển bền vững du lịch cho Bến Tre. Đề án còn hướng đến nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho cộng đồng địa phương, thông qua việc khai thác sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch. Đặc biệt, với các hoạt động du lịch tại làng, cộng đồng sẽ hưởng lợi ích từ việc cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Đề án còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa, sản phẩm địa phương, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài nước. Đây cũng là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương đến du khách gần xa khi đến tham quan trải nghiệm.
Với những giá trị nhằm kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù miệt vườn có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia, đề án cũng là một sản phẩm của chương trình OCOP hướng đến kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, tạo thêm việc làm, tăng giá trị kinh tế, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung.
Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách hứa hẹn trở thành điểm đến đặc thù miệt vườn của vùng ĐBSCL có tính cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia trên cơ sở khai thác lợi thế tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đề án góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, tạo thêm các giá trị kinh tế cho địa phương, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm kích thích và giữ vững thành quả của phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Chợ Lách.